Văn Xương các trong mắt các bạn thơ

11:06, 19/06/2017

Ở TP Vĩnh Long có một di tích văn hóa cấp quốc gia và là một trong những điểm du lịch đáng được nhân dân trong và ngoài tỉnh đến kính viếng đó là Văn Thánh miếu- Vĩnh Long. 

  • NGỌC HẢI

Ở TP Vĩnh Long có một di tích văn hóa cấp quốc gia và là một trong những điểm du lịch đáng được nhân dân trong và ngoài tỉnh đến kính viếng đó là Văn Thánh miếu- Vĩnh Long.

Trước cổng Văn Thánh miếu có một căn gác nhỏ đó là Văn Xương các. Đây là nơi chứa sách, đọc sách và là nơi ngâm vịnh thơ ca của các văn nhân thi sĩ. Đây cũng là nơi thờ tự một số danh nhân thuở trước và những người có công xây dựng Văn Thánh miếu- Vĩnh Long.

Văn Thánh miếu- Vĩnh Long được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 457-QĐ ngày 25/3/1991. Sau khi Phan Thanh Giản tử tiết, các con của Phan Thanh Giản là Phan Liêm, Phan Tôn vào bưng biền kháng chiến chống Pháp.

Năm 1869, bá hộ Trương Ngọc Lang đã vận động người dân Vĩnh Long xây thêm một “Tân Đình”phía tả Văn Thánh miếu để thờ Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản. Năm 1872, công trình này hoàn thành, được đặt tên là Tụy Văn lâu (lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử). Tụy Văn lâu được trùng tu năm 1914 và khoảng năm 1920 đến 1923, Tụy Văn lâu được đổi tên là Văn Xương các (gác Văn Xương).

Sau nhiều lần được trùng tu, Văn Thánh miếu vẫn còn giữ được nét cổ kính.

Ngày nay, các bạn thơ trong và ngoài tỉnh thường đến đây trao đổi văn thơ, tạo nguồn thi hứng và những bài thơ viết về Văn Xương các rất nhiều:

Tôi về thăm gác Văn Xương

Bước chân đi, bước hành hương một chiều

Lặng thầm mái ngói in rêu

Viên gạch cổ nói bao điều sâu xa…

(Thơ Hồ Văn Thùy- Rạch Giá)

Câu thơ thưở ấy phảng phất trong chiều hương nguyệt quế, khiến lòng thi nhân dễ đồng cảm với người xưa:

Thuở ấy non sông lâm trận giặc

Pháp, mã bâng khuâng lỡ thế cờ

Vua thì nhu nhược triều đình nát

Lòng ai trung nghĩa hóa bơ vơ

(Thơ Bế Kiến Quốc- Hà Nội)

Thuở ấy “sĩ phu trằn trọc trong cơn loạn” nhà thơ Truy Phong (Vũng Liêm) không khỏi xúc động:

Phan Thanh Giản nuốt hờn pha thuốc độc

Bởi xâm lăng bắt nhượng nước non này

Cũng chính nơi đây, trước cổng Văn Thánh miếu ngày 2/6/1930, giặc Pháp đàn áp đẫm máu đoàn biểu tình khoảng 1.000 người từ cống Đất Méo (Long Hồ) về TX Vĩnh Long đòi bỏ thuế thân. Đến với Văn Xương các, ngồi bên nhau kể chuyện đời xưa, thắp nén hương nhớ người đã khuất, những mái đầu xanh bên mái đầu bạc, thế mà câu chuyện xưa còn chưa dứt…

Văn Xương các chiều nay đâu chỉ là

chuyện văn chương

Chuyện tình nghĩa nước non trước

những người đã khuất

Chuyện sông nước lở bồi, chuyện trồng

thêm bóng mát

Tôi tiếp nhận chiều nay việc của người đến sau

(Thơ Đỗ Bạch Mai- Hà Nội)

Việc của người đời sau, đó là những di tích ngày xưa vẫn bảo tồn, đó là văn thơ xưa- tiếng thơ nay cùng nâng cung bậc so dây điệu đời:

Vẫn còn nơi đó hương trầm mặc

Nhủ nhắc người sau giữ tấc lòng

Đừng để bút chùn, thơ cạn lối

Vẫn tươi hương sắc, vẫn xanh trong

Đến Văn Thánh miếu- Vĩnh Long du khách không khỏi xúc động và thán phục một xứ sở là đất học! Đến Văn Xương các, bên ngọn đèn tâm sự thức thâu đêm, kẻ hậu sinh sẽ hiểu rõ thế nào là “lấy văn chương gởi nỗi niềm” của người xưa:

Chiều vắng lầu thơ thi hữu về

Không gian yên tĩnh một vùng quê

Người đi thanh thản bao vần điệu

Kẻ ở nặng lòng những tứ thi

(Độc dược xưa- đầy niềm oán khuất

Rượu nồng nay- cạn nỗi nhiêu khê)

Lầu thơ còn đó, ta ngồi lại

Nhắc nhở người thơ- chỗ hẹn thề

(Thơ Ngọc Hiệp)

Mỗi năm tại Văn Thánh miếu thường tổ chức các ngày lễ lớn như:

Tế Khổng Tử và các vị thánh hiền vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh (ngày Đinh đầu tháng 2 và ngày Đinh cuối tháng 8). Ngày 12 và 13/10 âl là ngày giỗ các quan đại thần. Ngày 4 và 5/7 âl là ngày giỗ cụ Phan Thanh Giản.

Với tinh thần yêu kính các bậc tiền nhân; hàng năm, các lễ hội tại Văn Thánh miếu thu hút đông đảo khách hành hương.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh