"Như vừa mới Điện Biên"

04:05, 28/05/2017

Vào tháng 5, thời điểm đong đầy những nhắc nhớ về một thời cả nước hồ hởi dồn sức kết thúc một chiến dịch lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" buộc thực dân Pháp phải chấm dứt gần một trăm năm đặt ách đô hộ ở Việt Nam và trên cả bán đảo Đông Dương.

 

Như vừa mới Điện Biên

 

Qua vạn cây số đường

Đã trở thành đồ cổ

Hơn nửa thế kỷ được ông đưa ra tra dầu mỡ

Khởi động lại hành trình

 

Chiếc lốp thủng ở Mường La, Hát Lót

Chiếc khung bị bom ở ngã ba Cò Nòi

Chiếc xích dập lại bên đập Làng Cha

Chiếc cọc thồ làm bằng tre lồ ồ chặt nơi Phố Lệ

 

Sốt rét thâm môi thèm ớt

Uống nhằm nước suối dừng lá nén Mộc Châu sù sụ ho suốt

Lạc rừng Mường Lát bị cọp vồ trật

Tươi nguyên vết thẹo trên người

 

Nhớ điệu hò lơ khi đoàn xe thồ qua Thượng Lào, Tây Bắc

Bẻ cành hoa ban tặng một cô gái Thanh Hóa làm tin

Khà khà ông cười rung tóc cước

Nhìn chiếc xe đạp thồ

Như vừa mới Điện Biên

Nguyễn Minh Khiêm

Vào tháng 5, thời điểm đong đầy những nhắc nhớ về một thời cả nước hồ hởi dồn sức kết thúc một chiến dịch lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải chấm dứt gần một trăm năm đặt ách đô hộ ở Việt Nam và trên cả bán đảo Đông Dương.

Thế nhưng đâu chỉ tháng 5, mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tác phẩm văn học đầy ắp những cảm xúc về tháng 5 như bài thơ “Như vừa mới Điện Biên” của nhà thơ người Thanh Hóa Nguyễn Minh Khiêm đăng trên Tạp chí “Cửa Biển” số 117 (tháng 12/2016) của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng.

Những tháng đầu năm của 63 năm trước (năm 1954), sau khi Trung ương Đảng ta và Bác Hồ mở Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết tâm giành một thắng lợi có tính quyết định cho cả công cuộc kháng chiến thì cả nước theo lời Đảng và Bác gọi hồ hởi ra trận “Quyết tâm đánh thắng giặc, tất cả cho tiền tuyến!”

Nếu như quân dân các dân tộc ở Trung và Nam Bộ đồng loạt mở nhiều đợt đánh mạnh vào quân Pháp ở địa phương mình để cầm chân địch và chia lưới lửa cho chiến trường chính ở Tây Bắc, thì đồng bào các dân tộc ở Bắc Bộ một mặt chống địch đang tăng quân đánh phá, mặt khác sát cánh cùng sư đoàn quân chủ lực ồ ạt dồn sức cho chiến trường Tây Bắc tại Điện Biên Phủ quyết sống mái với kẻ thù.

Đoàn dân công xe đạp thồ đưa hàng vào mặt trận Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội).
Đoàn dân công xe đạp thồ đưa hàng vào mặt trận Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội).

Kết quả là chỉ sau 3 tháng chuẩn bị và 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng vào một ngày không thể nào quên: 7/5/1954.

“Như vừa mới Điện Biên” là nhan đề bài thơ của Nguyễn Minh Khiêm có ngôn từ dung dị gồm 17 câu trong 4 khổ thơ, nhưng đủ sức làm người đọc cảm nhận được tất cả sự hào hùng của một thời quân với dân cả nước cùng một ý chí vì độc lập tự do của Tổ quốc, đặc biệt là của một lực lượng không cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường nhưng góp một vai trò rất quan trọng cho chiến thắng chung: dân công tiếp tế cho mặt trận, trong đó có lực lượng xe đạp thồ được nhắc đến trong từng câu thơ.

Ngày nay, đất nước liền một dải và đang phát triển từng ngày trong hòa bình. Trên 2 vạn dân công xe đạp thồ ngày ấy, không ít người đã hy sinh ngay trong chiến dịch và yên nghỉ tại các nghĩa trang. Số người còn lại nay cũng không còn nhiều vì thương tật và tuổi tác.

Những người hiếm hoi còn khỏe như nhân vật trong bài thơ của tác giả ít nhất cũng ở tuổi tám mươi nên những vật chứng là những cỗ xe đạp thồ ngày ấy “đã trở thành đồ cổ”. Kể sao hết niềm vui của người chiến sĩ dân công ngày ấy bên cổ vật một thời gắn bó với mình như máu thịt:

Qua vạn cây số đường

Đã trở thành đồ cổ

Hơn nửa thế kỷ được ông đưa ra tra dầu mỡ

Khởi động lại hành trình

Mỗi vết thương còn lưu dấu hay mỗi vật được thay thế của chiếc xe thồ trên đường làm nhiệm vụ đều “khởi động lại hành trình” trong trí nhớ của ông.

Đó là hàng trăm ngày đêm sá gì gian khổ cùng đồng đội bên nhau và bên chiếc xe đạp thồ ăn bụi ngủ bờ, xem thường bom đạn địch qua hàng trăm lần vượt qua sông Mã, sông Đà và hàng ngàn cây số trên vùng đồi núi hiểm trở huyện Mường Lát giáp với biên giới nước bạn Lào hay huyện Mường La của vùng Tây Bắc.

Lắm kỷ niệm có vương vấn máu xương của đồng đội khi vượt qua ngã ba Cò Nòi ở Sơn La, nơi giặc Pháp coi là điểm “điểm đỏ” để ngăn dòng tiếp tế của lực lượng kháng chiến cho chiến trường Điện Biên làm ông nhớ lại sự ác liệt tương tự như Ngã ba Đồng Lộc của thời đánh Mỹ sau này

. Thời ấy, Cò Nòi mỗi ngày hứng chịu 60 tấn bom của địch, hàng trăm đồng đội của ông đã thương vong ở đây.

Lời thơ mộc mạc cũng nhắc lại những địa danh xa lắc nhưng thắm đậm tình người trong kháng chiến mà ở đó ông đã từng cố khắc phục mọi khó khăn để cùng chiếc xe đạp thồ hàng đến kịp với yêu cầu của mặt trận:

Chiếc lốp thủng ở Mường La, Hát Lót

Chiếc khung bị bom ở ngã ba Cò Nòi

Chiếc xích dập lại bên đập Làng Cha

Chiếc cọc thồ làm bằng tre lồ ồ chặt nơi Phố Lệ

Ngày ấy, gian khổ hiểm nguy đâu chỉ từ phía địch mà còn do rừng sâu nước độc, thú dữ và bệnh tật như thử thách sức chịu đựng và tinh thần của con người, nhưng đâu đó rõ ràng vẫn “tươi nguyên” sự lạc quan:

Sốt rét thâm môi thèm ớt

Uống nhằm nước suối dừng lá nén Mộc Châu sù sụ ho suốt

Lạc rừng Mường Lát bị cọp vồ trật

Tươi nguyên vết thẹo trên người

Sự lạc quan càng thể hiện rõ hơn trong điệu hò câu hát, có cả câu chuyện hò hẹn lứa đôi vào một ngày chiến thắng không xa:

Nhớ điệu hò lơ khi đoàn xe thồ qua Thượng Lào, Tây Bắc

Bẻ cành hoa ban tặng một cô gái Thanh Hóa làm tin

Năm câu thơ dung dị của khổ thơ cuối có nhắc nhớ về câu chuyện tình xa xưa một người cựu dân công già của tác giả làm ấm lòng người đọc khi gieo vào lòng họ cảm giác rằng dù thời gian có qua đi làm “vật đổi sao dời” song những giá trị có dấu ấn Điện Biên như thế luôn là vĩnh cửu:

Khà khà ông cười rung tóc cước

Nhìn chiếc xe đạp thồ

Như vừa mới Điện Biên

HỒNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh