Cứ mỗi năm tháng 5 đến, mùa sen nở, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ… Bác tuy không còn nữa, nhưng cuộc sống hôm nay vẫn chứa chan ánh sáng và ấm áp muôn vàn tình thương yêu của Người.
ĐỖ THẠCH
Cứ mỗi năm tháng 5 đến, mùa sen nở, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ… Bác tuy không còn nữa, nhưng cuộc sống hôm nay vẫn chứa chan ánh sáng và ấm áp muôn vàn tình thương yêu của Người.
Mặt trời lặn mặt trời mang theo nắng
Bác ra đi để ánh sáng cho đời
(Phạm Tiến Duật)
Từ con người thật vốn rất đẹp trong cuộc đời, Bác Hồ đã đi vào thơ ca và đã trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức rung động và tỏa sáng mạnh mẽ. Đó là con đường đi của quy luật điển hình hóa trong thơ.
Và thơ ca đã đem đến cho chúng ta một hình tượng Bác Hồ đẹp sinh động, đạt đến mức điển hình, bởi vì ở hình tượng Bác, vừa có những phẩm chất chung ưu tú của người lãnh tụ, đồng thời lại mang những nét rất riêng của Bác, mang phong thái Hồ Chí Minh.
Bài thơ “Hồ Chí Minh” của nhà thơ Tố Hữu đã nảy sinh trên cái nền hiện thực- tình cảm của nhân dân ta với cảm hứng ngưỡng mộ khôn cùng, một con người đã tái tạo cuộc đời cho cả một dân tộc. Chúng ta hiểu vì sao hình tượng Bác Hồ lại xuất hiện sáng ngời, rực rỡ như một vị cứu tinh của dân tộc:
Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết chiến hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Vẻ đẹp của Bác Hồ theo năm tháng thời gian, ánh lên trong lòng mỗi người dân, mỗi nhà thơ và đọng lại trong trái tim của họ thành những vần thơ đẹp. Lê Anh Xuân đã nói về Bác trong trường ca Nguyễn Văn Trỗi:
Điệu lục bát, khúc dân ca
Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam
Bác Hồ là người Việt Nam dân gian nhất, dân tộc nhất: “Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ” (Chế Lan Viên) và khi về nước, Người vẫn thích nhất “món măng luộc chấm muối vừng”. Ở chiến khu, Người chữa ghẻ chốc cho trẻ em bằng cách gội rửa kỹ đầu trẻ, phủ một cái khăn giặt sạch rồi đắp tro nóng lên trên.
Khi làm Chủ tịch nước, dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn không quên tục chúc tết của dân tộc, hàng năm Bác đều có thơ mừng xuân gửi đồng bào cả nước. Và sau 50 năm xa quê, khi trở về làng Bác hòa mình vào bà con thôn xóm. Đó là con người “Đi khắp năm châu về đậu bến sông Hồng/ Nghe trăm giọng, giọng làng Sen Bác nhớ” (Chế Lan Viên).
Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhận xét rất đúng về Bác: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính cách tính tình của một người Việt Nam.
Ngôn ngữ của Người phong phú ý vị như dân quê Việt Nam; Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ, Người thích lối ca dao vì ca dao là Việt Nam cũng như núi Trường Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy”. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
(Sáng tháng năm- Tố Hữu)
Những gì là khí thiêng sông núi, hình hài Tổ quốc bản sắc dân tộc đều như quy tụ vào Hồ Chủ tịch đều có trong con người Bác.
Chính vì thế, mà hình tượng Bác Hồ được lột tả trong thơ Xuân Diệu:
Cụ Hồ đã hóa làm sông núi,
Mỗi nét lông mày mỗi nét non.
Và chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ Chim Trắng nói lên những suy nghĩ của mình về Bác Hồ:
Nghĩ về Người, ta nghĩ về những chiều
Việt Nam ráng đỏ
Về một điệu hò cấy lúa ở miền Nam,
Về đóa hoa quỳnh nở ngát hương đêm
Hay dáng một tàu dừa xanh thướt tha ngoài ngõ…
Còn nhà thơ Vũ Quần Phương, nghe thấm trong di chúc tiếng nói của người cha thân yêu gần gũi:
Ôi giọng Người hiền như giọng cha ông
Cứ mộc mạc mà thấm vào mãi mãi.
Con nghe Bác hiểu thêm tầm thời đại
Sáng thêm lòng nhân ái Việt Nam ta.
Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam, ngoài nét dân gian cái sắc màu dân tộc mà ta rất yêu quý ở Bác, còn phải hiểu ở cái ý nghĩa tiêu biểu kết tinh của nó; đất nước ta dân tộc ta đã hun đúc, kết tinh thành Bác và Bác đã hòa vào Tổ quốc non sông, tiêu biểu đẹp đẽ cho nhân dân Việt Nam.
Nhân dân ta đã ngợi ca Bác là hoa sen, bởi Bác đẹp một vẻ đẹp Việt Nam, đậm đà màu sắc dân tộc. Bác là hương sen đất Việt, hương sen ấy hóa thành Tổ quốc, non sông thơm mãi trong lòng mỗi người dân, mỗi miền quê đất nước:
Còn như Người, Người đã hóa hương sen
Trở về cái làng Sen muôn thuở
(Chế Lan Viên)
Chế Lan Viên đã viết trong sen của loài người “Ta thấy Người là sen. Nhưng Người cũng làm cho ta tự thấy ta có mầm mống- sen, có khả năng sen”. Sống dưới ánh sáng của Bác mấy chục năm nay, mỗi người dân Việt Nam, mỗi người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thấy rằng mình chịu ơn ánh sáng của Người.
Từ đó mà cũng dần dần tự phát ra được ánh sáng, như Người hằng mơ ước cho ta. Vì thế, mà trong bài thơ “Theo chân Bác” nhà thơ Tố Hữu đã giục giã chúng ta hãy nhanh chân đến với tầm cao của Bác, đến với tình thương rộng mở của Bác:
Còn những ai chưa được một lần
Trong đời gặp Bác? Hãy nhanh chân
Tiến lên phía trước! Trên cao ấy
Bác vẫn đưa tay đón lại gần…
Trong cuộc đời, Hồ Chủ tịch là “con người Việt Nam đẹp nhất” lại là “sen của loài người”, vừa kết tinh truyền thống dân tộc lại thu góp cả tinh hoa của thời đại.
Con người đẹp ấy đi vào thơ ca đã trở thành một hình tượng gần gũi thân quen mà rực rỡ tỏa sáng. Càng ngày chúng ta lại càng hiểu thêm Người, càng phát hiện ra những vẻ đẹp mới của Người, càng đến gần với Bác hơn.
Từ chỗ Bác là vị cứu tinh của dân tộc, thơ ca đã khắc họa thành công Bác là lãnh tụ kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam trong hình ảnh Người cha già dân tộc, nâng Bác lên vị trí người chiến sĩ cộng sản quốc tế và gắn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và cao đẹp của Bác với lịch sử cách mạng Việt Nam và thế giới. Đó là quá trình đi lên của nhận thức lãnh tụ bằng thơ.
Các nhà thơ đã miêu tả đúng nét hài hòa vốn là vẻ đẹp bao trùm nổi bật ở con người Bác: Giản dị mà vĩ đại, nhân từ mà kiên quyết, tình thương và sức mạnh, yêu nước và nghị lực, tình và thép, gần gũi mà tỏa sáng, khiêm tốn mà bao dung, thương người mà quên mình, truyền thống mà hiện đại, Việt Nam mà thế giới…
Những nét hài hòa này đã làm cho hình tượng Bác trong thơ chân thật, gần với cuộc đời và con người thực của Bác hơn, do đó lại càng gần gũi với ta hơn, càng đẹp và tỏa sáng hơn trong lòng người đọc.
Có thể nói, thơ ca đã xây dựng được một hình tượng Bác Hồ đẹp như con người Bác ở ngoài đời để lưu giữ lại cho thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau hình ảnh một con người mà cả dân tộc đều yêu quý và biết ơn sâu sắc, bởi con người đó, từ lâu đã hóa thành đất nước, đã tượng trưng đẹp đẽ cho Tổ quốc Việt Nam:
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Nước Nam đẹp nhất có tên cụ Hồ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin