Nhà chỉ có những bông hoa

05:04, 23/04/2017

Khi đàn chim én bay về trên bầu trời xanh và ngọn gió cuối đông se se lạnh thì mẹ cùng chị Anh Thảo và Nhi đã tất bật làm các loại mứt như: mứt bí, mứt mận, mứt mãng cầu để kịp gửi ra đảo cho ba. Mẹ làm thật nhiều và đóng gói rất cẩn thận. 

Khi đàn chim én bay về trên bầu trời xanh và ngọn gió cuối đông se se lạnh thì mẹ cùng chị Anh Thảo và Nhi đã tất bật làm các loại mứt như: mứt bí, mứt mận, mứt mãng cầu để kịp gửi ra đảo cho ba. Mẹ làm thật nhiều và đóng gói rất cẩn thận. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Mẹ bảo: “Đơn vị ba lính nhiều lắm, gửi ít, ăn sao đủ”. Thế là ba mẹ con xúm xít làm cả mấy hôm mới xong. Em nghỉ cuối tuần về “ưu tiên” được làm những công việc như: lặt lá mai, chăm sóc vườn hoa kiểng trước sân nhà, chùi lư…

***

Mẹ sinh chị Anh Thảo được năm tuổi thì có thai, mẹ bảo ông bà nội muốn có con trai cho “có tẻ, có nếp”. Nhưng mẹ lại sinh song thai hai đứa con gái! Em và Út Nhi ra đời.

Vậy là gia đình em có ba con gái. Có lẽ em và út Nhi cũng “dễ thương” nên nội và ba mẹ cũng cưng yêu dù chúng em ra đời ngoài sự chờ mong của nội.

Lúc em lớn lên, làm gì cũng hay bị nội mắng: “Tổ cha bây, sao mà giống ba bây vậy hở?” Cái tên Anh Thư mẹ đặt cho em có vẻ rất phù hợp, vì tính em hơi bướng và rất mạnh mẽ.

Đặc biệt là em không thích cầm kim may vá và cũng chẳng hứng thú vào bếp nấu ăn. Mẹ hay bảo em: “Hồi đó chắc mụ bà nắn lộn”! Em học môn Sử, rất thần tượng Hai Bà Trưng, bà Triệu và nữ tướng Nguyễn Thị Định... Tốt nghiệp trung học phổ thông, em nằng nặc đòi thi vào Học viện Quân sự.

Mẹ không đồng ý nhưng ba ủng hộ. “Hi! Vì ba em là sĩ quan quân đội mà. Nhà không có con trai thì con gái kế nghiệp ba không được sao”- em đã nói với mẹ như vậy.

Thế là mẹ thua! Hi! Em hí hửng quảy ba lô nhập học khi có kết quả thi đậu. Những ngày tháng quân trường gian nan rèn luyện và kỷ luật quân đội cũng làm em hơi khó chịu, vì em chưa quen.

Nhưng khi mẹ đi thăm, tuyệt đối em không kể lể. Bởi nghề nghiệp này là do em chọn. Mẹ cứ nhìn làn da “mặn mòi” của em mà có vẻ sốt ruột, hỏi: “Có cực khổ lắm không con?” Em tươi cười phơi phới bảo: “Vừa sức con thôi mà”.

Ra trường, em về làm việc ở đơn vị bộ đội thuộc Quân khu 9, cách nhà khoảng 30 cây số. Nghỉ cuối tuần, em về với mẹ, tuần nào trực thì không về. Ba em là bộ đội hải quân, công tác ở đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc nên thường xuyên vắng nhà.

Tết này ba cũng trực ở đơn vị. Giá em là con trai, chắc chắn em sẽ theo ba làm lính hải quân, vì em rất yêu thích quân phục của ba.

Mẹ, chị Anh Thảo, Út Nhi thường xuyên đảm đang công việc ở nhà nhưng “việc gì của đàn ông” mẹ thường để dành cuối tuần em về làm. Nào là sửa điện, sửa ống nước, chèn mái dột hoặc khênh mấy chậu hoa, kiểng…

Ba một năm về phép một lần và về tranh thủ một lần, vỏn vẹn chỉ hai lần thôi nên mẹ ưu tiên không để dành việc gì cho ba. Mẹ bảo: “Ba quanh năm xa nhà, sống ở đảo cực lắm rồi, ba về nhà để ba nghỉ ngơi, vui chơi”.

Chuẩn bị tết năm nay, em yêu cầu mẹ dạy làm dưa kiệu, dưa cải và kho thịt với trứng, em nhờ chị Anh Thảo dạy cắm hoa… Cả nhà ngạc nhiên nhìn em chăm chỉ học làm. Út Nhi như phát hiện điều gì “kinh thiên, động địa” lắm la to lên: “Em biết vì sao chị Anh Thư chịu học “chuyện của con gái” rồi! Ha ha…”

Em trừng mắt nhìn “con bé”! He he… dù sao em cũng được cất tiếng khóc “Tu oa” trước Nhi, em được làm chị mà. Em đe: “Muốn nói gì hử nhóc con?” Út Nhi hất mặt lên nói: “Em khai hết đó nhen”. Chị Anh Thảo cũng lăng xăng hỏi: “Chuyện gì, chuyện gì?”

Út Nhi cười hi hi, gương mặt thật “gian” có vẻ bí mật, xuống giọng thì thầm: “Vì anh Quân đó!” Con bé thố lộ bí mật xong, chạy tuốt ra nhà trước.

Chị Anh Thảo truy:

- Sao? Sao hả?

Em cảm giác mặt nóng bừng lên, ấp úng:

- Tết này anh Quân, đồng chí cùng đơn vị với em về chơi thôi mà. Út Nhi này lắm chuyện thật!

Mẹ chúm chím mỉm cười ý nhị:

- Nhà sẽ có khách hả con?

Em cúi mặt xếp củ kiệu vào keo và trả lời mẹ: “Dạ”

Giọng chị Anh Thảo liến thoáng:

- He he… Bây giờ mẹ hãy lo cho con, khỏi phải lo cho Anh Thư nữa nhe.

Nhà có ba đứa con gái đều đã đến “tuổi cặp kê” nên tâm lý mẹ rất lo lắng, cứ sợ mấy đứa con gái bị “lỡ thì”.

Mẹ cứ nhắc khéo mãi! Mẹ cứ trông ba chị em đưa bạn trai về giới thiệu nhưng chẳng ai động tịnh.

Em là người đầu tiên cho bạn đồng đội về nhà, lại về ngày tết nên cả nhà cứ cuống lên cho đó là “người yêu” của em.

Thật tình em và Quân có nhiều thiện cảm với nhau nhưng… là bạn đồng đội thôi mà! Đã ai nói yêu ai đâu… phụ nữ nhà em... suy diễn quá!

Em phụng phịu, càu nhàu:

- Bạn đồng đội của con thôi mà, sao cả nhà nghĩ chi… phức tạp vậy?

Chị Anh Thảo cười giòn:

- Hi hi… coi kìa… có tịch rục rịch rồi. Nào có ai nói gì đâu hở?

Mẹ thấy em có vẻ “căng thẳng”, cười giả lả:

- Thôi thì bạn đồng đội của con. Nó đến chơi thì nhà có bóng dáng đàn ông cho ấm nhà. Anh Thảo và Út Nhi cũng mời bạn đồng nghiệp về ăn tết với nhà mình đi.

Út Nhi đã trở xuống bếp, loay hoay với hũ dưa cải, nháy ánh mắt nghịch ngợm với chị. Em đưa nắm tay ra vẻ hăm dọa, Nhi rụt cổ, le lưỡi dài ra. Em và Nhi là chị em sinh đôi nên lúc nào cũng thân thiết và hay trêu chọc nhau.

Chuẩn bị cho ngày tết, ba đứa con gái đều trổ tài vặt làm cho căn nhà thêm rực rỡ. Chị Anh Thảo thì chưng dĩa trái cây và bình hoa trên bàn thờ tổ tiên thật khéo.

Út Nhi thì may những chiếc rèm cửa màu xanh thiên thanh có thêu đôi chim phượng thật đẹp. Em thì chăm sóc cội mai và hoa kiểng trên sân.

Mẹ vui vẻ nhìn “sản phẩm” của ba đứa con gái và buột miệng nói: “Qua tết, ra trực, ba tụi con về chắc chắn sẽ khen “phụ nữ nhà mình giỏi”! Hi! Đó là câu ba em hay nói mỗi khi về phép đó mà.

Mùa xuân 2017

THÚY VÂN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh