Tiếng "ô buýt" bắn ào ào vào con sông Ngãi Tứ phát ra những tiếng ùm ùm đi kèm những cột nước bắn thật cao. Đêm ba mươi mà trời sáng choang bởi những trái hỏa châu sáng rực trên bầu trời đêm.
Tiếng “ô buýt” bắn ào ào vào con sông Ngãi Tứ phát ra những tiếng ùm ùm đi kèm những cột nước bắn thật cao. Đêm ba mươi mà trời sáng choang bởi những trái hỏa châu sáng rực trên bầu trời đêm.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Chị Hai giao liên cứ bình tĩnh bơi ghe nép sát vô mấy bụi dừa nước để tránh bị tàu tuần tra của Ngụy phát hiện. Mồ hôi rịn đầy trán dù gió lạnh cứ thổi phần phật. Thỉnh thoảng, chị lại xoa xoa cái bụng bầu rồi nói một mình:
- Ráng lên nghe con, rồi đâu cũng vô đó. Mình phải bình tĩnh để đưa thuốc men, gạo thóc, vũ khí “dìa” cho mấy chú, mấy anh. Xong rồi mẹ con mình “dìa” ăn cơm cá lóc nấu canh chua bông so đũa với ba con. Ổng mê cái món này lắm đa.
Tiếng tàu tuần tra lớn dần… lớn dần. Chết rồi. Chắc tụi nó phát hiện ra mình. Làm sao bây giờ? Chị bắt đầu lo lắng. Mình có chết thì cũng đành nhưng còn cái bầu bảy tháng lỡ có gì thì tội cho nó quá.
Không. Nhất định là mình phải sống. Chị đưa tay mò mẫm dưới khoang ghe lấy ra khẩu súng AK lên đạn sẵn sàng cho trận chiến sinh tử với kẻ thù. Có chết thì cũng theo Đảng, theo Bác Hồ, nhất định không để vũ khí, lương thực rơi vào tay giặc.
Hỏa châu lại sáng rực. Gió bắt đầu thổi mạnh. Từ xa, tiếng tàu địch nhỏ dần. Ánh đèn pha sáng rực quét qua, quét lại mặt sông tạo ra những vệt sáng liên tục.
Tiếng bọn lính xì xào râm ran, thỉnh thoảng lại bắn vu vơ nhiều loạt đạn trung liên vào hai bên bờ với vẻ khoái trá. Tim chị Hai đập thình thịch, thình thịch liên hồi.
Chiếc ghe được ngụy trang bên trên vô số là lá dừa nước và mấy quày chuối già im lìm đậu dưới mấy rặng dừa to tướng. Tàu địch lại nổ máy và tăng tốc lướt qua chiếc ghe “bí mật” của chị.
- Khỏe rồi con. Vậy là tụi nó lọt tròng, té nổ hết rồi. Mẹ con mình sờ sờ ra đó nhưng tụi nó hổng thấy gì ráo trọi. Hú hồn, hú vía. Chút xíu nữa là mình “dìa” đến “cứ” rồi.
Thật bất ngờ, chạy được một khoảng xa hàng cây số bỗng nhiên tàu địch đột ngột quay lại và tăng tốc đuổi theo chiếc ghe của chị. Có lẽ chúng đã phát hiện ra điều gì đó.
Chị lên “ga” chạy ào ào, sợi dây ga đã hết độ gia tăng. Xa xa con xẻo nhỏ đi vào “cứ” đã gần kề. Một toán người đã bơi xuồng ra dẫn đường “hộ tống”. Phía sau, chiếc tàu tuần tra của địch bắt đầu nổ súng liên tục.
- Mấy chú, mấy anh đưa ghe của tui vô “cứ” lẹ đi. Chậm trễ là “nó” bắn tan tành bình địa, chết cả đám. Tui ở lại bắn chặn đường tụi nó- chị nói với giọng hổn hển.
- Đâu được. Bây “bầu bì” cũng sắp tới ngày sanh nở, đi đứng cũng khó khăn rồi. Để tụi tao bắn chặn, bây cho ghe chạy lẹ vô “trỏng” đi- chú Sáu Bí thơ nói lớn.
- Tui biết sức tui, còn chiến đấu được- chị khẩn khoản.
Vừa nói xong, chị nhảy xuống sông nghe một cái “ùm” rồi bò men theo mé sông bắt đầu nổ súng về hướng tàu địch. Chiếc tàu tuần tra giảm tốc độ và nổ súng phản công.
Hơn ba mươi phút giao tranh, chiếc ghe vũ khí đã vào tới “cứ” an toàn. Hơn mười chiến sĩ tất tả bơi xuồng quay ra hướng sông Ngãi Tứ để yểm trợ cho đồng đội. Tàu địch bắt đầu tháo lui và xa dần.
- Bây ơi! Con Hai đâu mất tiêu rồi. Ráng kiếm nó coi. Thiệt. Cái thân bầu bì khệ nệ vậy mà biểu nó ở nhà nó có chịu đâu. Thằng chồng nó tánh nết “ba gai” y chang như nó. Hễ muốn là làm chết, làm sống, trời gầm nó cũng không thèm đếm xỉa gì ráo. Thiệt... thiệt...
- Nó kia kìa. Chắc bị thương nặng lắm nên nằm im ru bà rù, máu ra từa lưa hột dưa, hổng chừng... hổng chừng...- tiếng chú Ba “Gà Mái” ngập ngừng.
- Miệng của cha ăn mắm, ăn muối nói bậy, nói bạ, hổng hên chút nào. Lẹ lên. Cõng nó lên ghe chạy riết qua mé Cần Thơ để coi cứu nó được hông- chú Sáu Bí thơ thúc giục.
Tỉnh dậy, chị Hai thấy mình đã nằm trong bệnh viện dã chiến, quanh đầu và thân thể được quấn băng trắng toát. Tiếng anh Sinh- chồng chị- khẽ khàng:
- Mình tỉnh rồi. Tui mừng quá. Lạy trời, mai mốt tui sẽ ăn chay trường để cám ơn đất đai vương trạch, ông bà, cha mẹ phò hộ cho mình. Còn... còn... - nói tới đó anh im lặng nắm thật chặt đôi tay của vợ với đôi mắt đớn đau.
Chị Hai chột dạ. Vậy là sao? Bất giác chị nhìn xuống cái bụng của mình. Lạ. Cái bầu đâu rồi. Chị nhìn chồng và chợt hiểu tất cả rồi bật lên những tiếng khóc nao lòng. Vậy là chị không cứu được con mình dù đã cố gắng hết sức mình.
Rồi thời gian cũng đi qua. Nỗi buồn mất con cũng nguôi ngoai dần. Chiều nay, chị chợt thấy bồn chồn trong dạ. Lạ. Thường thì giờ này anh đã về tới nhà. Hôm nay chị đã chuẩn bị bữa ăn thiệt ngon với món canh chua cá lóc bông so đũa, món ăn mà anh ưa thích nhất.
- Sao giờ này ba chưa dìa hả má?- tiếng con gái lớn của chị hỏi dồn dập.
- Chắc ba ghé mua bắp hay khoai cho chị em mình chớ gì- con Nguyệt- cô con gái thứ năm xen vào.
- Ờ. Chắc vậy- chị trả lời qua loa chớ bụng dạ cồn cào như lửa đốt.
Tiếng súng nổ liên tục ngoài mé sông. Tiếng người chạy thình thịch trên những bờ ruộng. Chết rồi. Hay là... Chị rùng mình không dám nghĩ tới nữa. Khi tiếng súng tạm yên, chị bồng thằng Út cùng mấy đứa con chạy băng băng ra ruộng, quên cả việc chị mới sanh thằng Út chỉ đúng bốn mươi ngày.
Anh đã hy sinh mà đôi mắt mở trừng trừng vì căm hận quân thù. Đã vậy, chuyện lấy xác thiệt “trần ai khoai củ”.
Lúc này bọn giặc thường gài trái nổ dưới xác chiến sĩ Cộng sản để tiêu diệt những người lấy xác. Đau, nhưng phải tới hôm sau khi trinh sát bò vào kiểm tra thấy an toàn thì mới tiến hành mang xác anh về chôn cất.
Những tưởng bao đớn đau, mất mát đã không còn đến với chị- một nữ thương binh đã mang đầy vết tích chiến tranh trên cơ thể. Vậy mà chị lại phải nhận lấy hai cái chết thương tâm của đứa con gái thứ ba vì trúng đạn pháo của địch ngay tại hầm trú ẩn; người con trai duy nhất còn lại cũng ra đi vĩnh viễn sau những trận bệnh hiểm nghèo.
Chị đã không còn nước mắt để khóc. Chiến tranh tàn khốc quá, tàn nhẫn quá đã cướp đi của chị người chồng thân yêu và ba đứa con.
- Bây khổ nhiều quá rồi, “hy sanh” quá mức tưởng tượng rồi. Thôi nghe tao đi, đừng tham gia chiến đấu nữa. Sống để còn lo cho con Hai với con Năm nữa chớ- chú Sáu Bí thơ vừa đốt nhang cắm lên cái bàn thờ ọp ẹp trên đó có tới 4 cái lư hương bằng lon sữa bò vừa khuyên lơn.
- Tui hiểu mà chú. Nhưng chú “ biểu” tui ở nhà thì tui thà chết còn hơn. Tụi nó tàn sát bà con, giết hại chồng con tui, “biểu” tui nhịn sao tui chịu được. Chú hổng cho tui cũng đi- chị vừa nói vừa nghiến răng nghe trèo trẹo.
- Thôi được rồi, đàn bà mà nóng như Trương Phi. Tao đầu hàng bây rồi đó.
Vậy là trên những con sông đan xen chằng chịt miệt Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm, chị Hai “Ngãi Tứ” lại âm thầm tiếp lương, tải đạn, vận động quần chúng đấu tranh với địch cho tới ngày đất nước thống nhất.
- Sau giải phóng, bà ngoại làm gì?- tiếng con Ngân- cháu ngoại bà- hỏi với vẻ hiếu kỳ.
- Ngoại làm phó chủ tịch phụ nữ xã này tới 4 nhiệm kỳ lận. Xứ này ai làm gì, sông rạch chỗ nào sâu, chỗ nào cạn, nhà của ai ngoại biết hết trơn. Vậy mới làm việc được chớ con. Vừa nói bà vừa bỏm bẻm nhai trầu rồi phun phèo phèo vào cái bô nhôm rất điệu nghệ.
- Sao ngoại hổng làm chủ tịch mà cứ làm phó hoài vậy?
- Bây nói nghe ngộ. Ngoại hồi đó chỉ biết “oánh” giặc, tiếp tế cho Việt cộng chớ có học hành gì đàng hoàng đâu mà làm lớn. Làm phó cũng là quý lắm rồi. Cái chính là đỡ buồn, đỡ nhớ ông ngoại và cậu, dì của con.
- À. Con cứ thắc mắc hoài. Thời buổi bây giờ đâu có ai ăn trầu như ngoại nữa. Hay là... hay là...
- Thôi đi cô nương. Tui ăn trầu đã mấy chục năm rồi. Trầu cau là tình quê hương, là cội nguồn dân tộc. Bỏ sao được? Thôi thì theo luôn. Ngoại đã tám mươi mốt tuổi rồi, sống mấy năm hơi- bà cười rất vui.
Hôm nay, mẹ con Nguyệt đưa bà ra sân bay đi Hà Nội dự hội nghị biểu dương người có công với nước. Nhìn ánh mắt rạng ngời của mẹ với dáng đi liêu xiêu trên mấy bậc thang máy bay trong sự dìu dắt của những nữ tiếp viên xinh đẹp, bặt thiệp, Nguyệt thấy thương mẹ vô cùng.
Xa xa lan tỏa trong không gian xanh cao vời vợi, tiếng ai hát thật ngọt ngào, truyền cảm “...Xin hát về người đất nước ơi. Xin hát về mẹ, Tổ quốc ơi! Suốt đời lam lũ. Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc. Mai mẹ lại về gánh gạo nuôi con...”.
TRẦN TRẤN GIANG (TP Cần Thơ)
(Kính tặng bà Từ Thị Hai, thương binh hạng 2/4 ngụ xã Ngãi Tứ- Tam Bình)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin