Tỏ tình trong ca dao

02:04, 11/04/2017

Từ trong kho tàng ca dao Việt Nam, những cung bậc tình yêu đôi lứa đã được thể hiện cụ thể, rõ nét, trong đó, đáng chú ý là mảng ca dao tỏ tình. Dường như, tất cả đặc điểm của tình yêu trong "cái phút ban đầu lưu luyến ấy" đã được bộ phận ca dao này chuyển tải rất thành công, nhất là thông qua các hành vi tỏ tình.

Từ trong kho tàng ca dao Việt Nam, những cung bậc tình yêu đôi lứa đã được thể hiện cụ thể, rõ nét, trong đó, đáng chú ý là mảng ca dao tỏ tình. Dường như, tất cả đặc điểm của tình yêu trong “cái phút ban đầu lưu luyến ấy” đã được bộ phận ca dao này chuyển tải rất thành công, nhất là thông qua các hành vi tỏ tình.

Tùy vào tài năng, tâm lý, tính cách hay hoàn cảnh mà người tỏ tình thực hiện hành vi tỏ tình cụ thể như thế nào.

Thật bất ngờ rằng, từ xa xưa, bằng những lời ca dao ngắn gọn, người dân lao động đã biết thực hiện nhiều hành vi tỏ tình rất hay, rất hiệu quả mà có lẽ thế hệ trẻ ngày nay vẫn cần phải lưu tâm.

Thường muốn bắt chuyện, làm quen lúc mới gặp thì chủ thể hay tỏ tình bằng hành vi “mời” (phổ biến là mời trầu) hay hành vi “xin”: “Hỡi cô gánh nước quang mây/ Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng…”

Người con trai trong bài ca dao xin nước tưới ngô nhưng chỉ xin có một gáo, nghe thật buồn cười, thật vô lý. Thế nhưng, vì mục đích của chàng trai là chọc ghẹo, tán tỉnh hay thể hiện sự cảm mến chân thành đối với cô gái nên xin một hay bao nhiêu gáo nước thì có quan trọng gì! Quan trọng là cô gái có tiếp tục đứng lại trò chuyện với chàng trai hay không.

Khi đã bắt chuyện, làm quen, nếu thấy đối phương hợp với ý mình thì chủ thể tỏ tình trong ca dao lại thường tỏ tình bằng hành vi “khen”: “Trúc xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.

Ai chẳng muốn mình đẹp, mình quan trọng trong mắt người khác. Bởi vậy, thực hiện hành vi khen trong ca dao tỏ tình, nhân vật trữ tình rất hay sử dụng những mỹ từ, từ có cánh kết hợp với cách nói so sánh, nói quá với tần số cao khiến người được tỏ tình cảm thấy vui sướng đến mức như đang trong một thế giới màu hồng, đầy lãng mạn: “Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em liếc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen…”

Người khen đôi khi còn khẳng định vẻ đẹp của đối phương như một quy luật, một chân lý: “Hoa thơm xuống đất cũng thơm/ Em giòn, rách áo đói cơm cũng giòn”. Thú vị hơn là chủ thể tỏ tình trong ca dao còn biết khen bằng những triết lý rất cụ thể, gần gũi mà ai cũng nhận thức được: “Đôi ta bắt gặp nhau đây/ Như con bò gầy gặp bãi cỏ non”.

Hành vi khen trong ca dao tỏ tình không chỉ thể hiện được chất men say đắm của tình cảm lứa đôi, của biểu hiện trân trọng vẻ đẹp đầy tính nhân văn mà còn mang theo cách nhìn, quan niệm thẩm mỹ có tính lịch sử của con người.

Ví như những tiêu chuẩn để đánh giá một người con gái đẹp theo quan niệm thẩm mỹ truyền thống của nhân dân ta trong bài ca dao “Mười thương” có nhiều điểm rất khác so với quan niệm thẩm mỹ của con người hiện đại lúc bấy giờ: tóc bỏ đuôi gà, răng nhánh (răng đen), cổ yếm đeo bùa,…

“Ướm hỏi” là hành vi tỏ tình mà nhân vật tỏ tình sẽ thực hiện khi đôi bên ít nhiều đã có sự quen biết, gần gũi. Đây có thể xem là thời khắc bản lề, rất quan trọng để nhân vật trữ tình đi đến quyết định có ngỏ lời cầu hôn đối phương hay không.

Nếu như trong thời buổi hiện đại ngày nay, chúng ta thường hỏi thẳng đối phương đã có người yêu hay chưa thì trong ca dao tỏ tình, hành vi ấy lại được thực hiện một cách rất ý nhị, tình tứ: “Thân em như tấm lụa đào/ Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai?”

Chàng trai nói lên vẻ đẹp của cô gái với thái độ hết sức trân trọng rồi mới hàm ý hỏi cô gái đã chia sẻ tình cảm cho ai, nói cách khác là đã có tình ý với ai chưa. Cách nói như vậy quả là khôn khéo, chân thành và lịch thiệp, thể hiện được nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam ta.

Và khi đã biết rõ về đối phương, chủ thể tỏ tình sẽ nói rõ ra khát vọng của mình bằng hành vi “ước”: “Ước sao ăn ở một nhà/ Ra vào đụng chạm kẻo mà nhớ thương”. Thậm chí là mơ: “Sáng trăng suông sáng cả bờ sông/ Ta được cô ấy ta bồng đi chơi/ Ta bồng ta tếch lên trời/ Hỏi ông nguyệt lão tốt đôi chăng là?”

Ở hành vi tỏ tình này, nhân vật tỏ tình trong ca dao rất hay dùng mô típ tỏ tình: “ước sao”, “ước gì”. Những bài ca dao thuộc mô típ tỏ tình này thường thể hiện khát vọng yêu thương, hòa hợp đã đến mức mãnh liệt, cháy bỏng: “Ước gì anh hóa ra chăn/ Để cho em đắp, em lăn cùng giường/ Ước gì anh hóa ra gương/ Để cho em cứ ngày thường em soi/ Ước gì anh hóa ra cơi/ Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng”.

Như vậy, không phải đợi đến văn học viết, hay đến thơ mới, tiếng nói tỏ tình của tình yêu lứa đôi mới được cất lên thành lời.

Từ những bài ca dao của người dân lao động xưa, lời tỏ tình của đôi lứa yêu thương đã được trao gửi hết sức tình tứ, mãnh liệt với những hành vi tỏ tình phong phú, linh hoạt.

Qua những hành vi tỏ tình trong ca dao về tình yêu lứa đôi, chúng ta nhận ra bao đặc điểm, quy luật trong tình yêu. Đó còn là quan niệm thẩm mỹ, vẻ đẹp truyền thống trong tâm hồn, trong cách ứng xử giao tiếp của người Việt.

  • NGUYỄN ĐÌNH THU
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh