Giữa con hẻm sâu lọt thỏm giữa lòng phố thị, chợt tôi bắt gặp đôi gánh hàng rong. Chị- người phụ nữ nhỏ nhắn với làn da sạm nắng đang nặng oằn đôi vai mà vẫn cất cao lời rao ngọt lịm: "Ai... tàu hủ, bánh lọt... hôn?..."
Giữa con hẻm sâu lọt thỏm giữa lòng phố thị, chợt tôi bắt gặp đôi gánh hàng rong. Chị- người phụ nữ nhỏ nhắn với làn da sạm nắng đang nặng oằn đôi vai mà vẫn cất cao lời rao ngọt lịm: “Ai... tàu hủ, bánh lọt... hôn?...”
Tiếng rao ngân vang xé toạc không gian vắng lặng vô hình của đời phố thị. Chị: vẫn miệt mài gánh, bước, rao. Tôi lướt xe qua chị mà lòng dâng trào nhiều cảm xúc. Sao nghe giận mà thương những gánh hàng với bao nỗi cơ cực dãi nắng dầm mưa.
Lời bài hát “Gánh hàng rong” của nhạc sĩ Lê Quốc Dũng có lẽ đã nói hộ nỗi lòng của những phận người trót mang trên mình đôi gánh hàng rong:
“Trên con phố khuya có một người đang bán hàng rong
Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi
Bao năm vẫn ngược xuôi lòng vui thấy con thơ mỉm cười
Mưa ơi thôi đừng rơi để mẹ về còn chút niềm vui”
Nghĩ cũng lạ! Không biết hàng rong có tự bao giờ mà đã vô tình trở thành nét riêng của văn hóa đô thị, gieo vào lòng người bao nỗi cảm phục mến thương.
Họ là ai? Những con người tứ xứ, nghèo nàn nhưng không cam phận: Quẩy đòn gánh trên vai, tảo tần, rong ruổi lo cho cuộc mưu sinh. Mùa nào thức nấy!
Từ củ hành, lạng thịt, mớ rau, con cá,... cho đến cả những món ăn vặt mang dáng dấp vùng miền. Thật thú vị biết bao khi giữa trưa hè oi bức được thưởng thức chén tàu hủ trắng ngà, mát lạnh cô đặc trong sóng sánh nước đường. Hay những buổi sáng đói lòng là có ngay tô bún riêu cua nóng hôi hổi.
Thích thú biết bao những trưa cuối tuần được nghỉ học, tôi thường trốn ngủ ra hàng ba trước sân nhà ngóng cô bán bánh chuối, bánh bèo.
Hay những buổi tan trường không vội vã cùng nhóm bạn học trò tạt ngang quán cóc ven đường đãi nhau ly chè bưởi, dĩa bánh plan.
Và những tối mùa mưa lạnh lẽo, quanh lò than đỏ của gánh hàng khoai bắp nướng, đôi tình nhân ngồi cạnh bên nhau hít hà, xuýt xoa trước cái nóng của củ khoai ,trái bắp và cái lạnh của tiết trời mùa mưa dầm.
Đó là thời của chợ và hàng rong: vừa tiện, vừa rẻ lại vừa tươi. Người mua: an tâm tin tưởng. Người bán: mộc mạc, chất phác, thật thà.
Những người bà, người mẹ, thậm chí là cả những người cha, chỉ một đòn gánh đơn sơ mà gánh cả cơm áo gạo tiền với bao ước mơ đến giảng đường được trở thành hiện thực:
“Ngày vui chóng qua chốn đô thành rực rỡ phồn hoa
Còn đây bóng ai thân héo gầy oằn gánh trên vai
Cho con bao ngày vui mẹ cay đắng xót xa ngậm ngùi
Ôm con trong vòng tay mẹ quên hết bao nhiêu mỏi mệt”
Đối với họ- những con người cần mẫn- dù mồ hôi thấm ướt vai, dù đôi chân mỏi nhừ trên đường đời gian khổ nhưng trong đôi mắt ấy vẫn sáng lên niềm vui và tự hào.
Vì họ biết rằng mỗi vất vả vượt qua, mỗi đồng tiền chắt chiu dành dụm được đổi từ cái gật đầu khen ngon và tiếng cười giòn của con sẽ còn vang mãi nâng những bước chân cắp sách đến trường.
Nhưng... Hàng rong giờ có còn như thế! Càng đô thị hóa, người từ nông thôn đổ về thành phố càng nhiều. Và tất nhiên, đội ngũ hàng rong càng phát triển.
Dù cũng còn những con người giữ cho mình cuộc mưu sinh chân chính, nhưng hàng rong giờ có năm bảy loại.
Vẫn củ sắn, củ khoai, bó rau, mớ cá nhưng cách trồng và cách bán đượm mùi kinh doanh. Đâu đó cứ nghe rau phun thuốc trừ sâu quá nhiều, tép được bắt bằng thuốc và khi bán lại bơm cả tạp chất vào. Kinh tế thị trường đã dạy cho “hàng rong khôn lên” đến mức thành gian dối.
Một vốn bốn lời, không thuế má, không chú trọng vệ sinh nên thành ra vỉa hè vốn dành cho người đi bộ hóa nơi kinh doanh buôn bán tự lúc nào. Nhà này mở quán cà phê, nhà kia cũng không chịu thiệt tranh thủ che chắn, bày hàng bán bún cá, cháo lòng,...
Đó là những mảng tối trong bức tranh đô thị đầy màu sắc thành ra thừa mứa âm thanh. Sự đẹp đẽ, thông thoáng của một đô thị hiện đại ngày càng thu hẹp bởi những hình ảnh xô bồ buộc ngành chức năng phải vào cuộc giành lại vỉa hè.
Rồi đây chắc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những gánh hàng, những xe đẩy hay quầy thực phẩm lưu động.
Nhưng có mấy gánh hàng còn giữ được cái thuần chất như xưa. Tiếng rao sẽ buồn, lạc lõng và xa vắng gieo vào lòng người nhiều trăn trở, nhớ mong- nhất là đối với những con người đã lớn khôn và trưởng thành nhờ gánh hàng rong:
“Với đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng ngày
Khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên
Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời
Tiếng ru thuở còn trong nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi”.
Có ai còn và muốn neo giữ một lời rao?
DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin