Đồng hành với người cổ là câu "xướng ca vô loại", người đời phần đông xếp người diễn tuồng, ca tân, ca cổ, hát xướng… gọn vào từ "văn nghệ".
Đồng hành với người cổ là câu “xướng ca vô loại”, người đời phần đông xếp người diễn tuồng, ca tân, ca cổ, hát xướng… gọn vào từ “văn nghệ”.
Theo tổ tiên chúng ta, từ này lưu hành trong dân gian từ hồi não, giờ chưa xác lập được thời điểm xuất hiện, phần nhiều nó hồn nhiên nhảy ra từ vô thức, dưới dạng câu cảm thán thường đượm sự chê bai lẫn sự yêu thương nhẹ nhàng.
Nó đánh bạn với dân gian kiểu truyền khẩu bất thành văn, giới văn nghệ sĩ chân chính đôi khi bị vạ lây phải lắc đầu chịu trận, hoặc tỏ vẻ không thèm để ý cho là chuyện nhỏ, hay dùng phép thắng lợi tinh thần để xoa dịu riêng mình, tựa anh A.Q của Lỗ Tấn.
Cùng dãy phố lèo tèo có ông Bảy ghe hàng, là lưu dân nhập cư vào xã không biết hồi nào. Trước ông có chiếc ghe nhỏ chia làm hai, phần sau làm chỗ ăn, ngủ… phần trước chứa một ít đồ tạp hóa.
Cô vợ, ông sợ nắng ăn cho ngồi trong mui, ông ở đàng sau chèo. Gần guốc chèo có gắn kèn thiến heo, mỗi lần bóp nó la “tò… tí… te” rồi la ngược lại “te… tí… tò”.
Ai cần thì gọi “bớ ghé” và ông kiếm được vài cắc lời. Lúc ế hàng, cái kèn bị hư, ông lỏng tay chèo làm vài câu mời khách. Mấy lúc ấy, cả xóm nghèo họ đang làm gì cũng dừng lại, nín nghe ông hát hò, đại loại mấy câu như vầy.
“Bớ, bớ bà con nghe tôi hò đây.
Hò ơi, làm người xin nhớ chớ quên.
Nhớ rằng… Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… ơi… hò.
Hoặc:
Hò rằng… chà chà, bóng ngày chừ qua khe cửa.
Ối ối, mây nổi chừ mộng giàu sang… ới… ới… hò”.
Xóm nghèo của tôi vốn ít học, sống cô tịch. Đói chữ nghĩa đói cả hát hò vui chơi. Bữa đó, ghe ông Bảy thả ngang, ông hò như trên, lúc tía tôi cùng mấy ông bạn cườm cườm một lít, còn tôi say mê coi mấy ổng nhậu.
Tía tôi văn hóa gộp cả vốn lời chưa bước qua được lớp ba, cỡ vậy mà được dân làng bổ tầm tới phong chức hương giáo. Nghe ông Bảy hò vài câu hoặc sửa được vài lời ca dao, ngồ ngộ, ông kính nể lắm. Ông nói:
- Học thức ông này sánh ngang thầy tuồng đó.
Tiệc nhậu nghe, nín khe chờ ông Bảy, lúc lâu không nghe hò tiếp, Sáu Đực Mẫm dốt đặc cán cuốc đứng lên hít một hơi dài, cơ bắp vun chùn, ngực cuồn cuộn nở, loa tay gân cổ về chiếc ghe nói lớn.
- Ông Bảy ơi! Ông làm ơn “văn nghệ” vài câu nữa tụi tui mượn đà nhậu chơi cho đã.
Tía kính ông Bảy, ông nói:
- Đừng hỗn, đừng hối, để thầy tuồng đặt chữ hò tiếp.
Còn tôi nghe liền chạy ra ngồi chong ngóc rễ gốc gừa chờ ông Bảy hò tiếp. Tôi nhìn chiếc ghe hàng lờ đờ trôi ngang theo trớn con nước nhửng, nước lững lờ chỗ giáp nước đầy lá bần vàng trộn với xác bông ô môi hồng cùng tơ phấn sâu bần giăng chỉ trắng chằng chịt mặt sông.
Chợt thấy, ông Bảy hững hờ guốc chèo, mắt gởi qua đám mây xa, giọng ông nghèn nghẹn bò lan man cùng lòng sông hẹp.
“Bớ, bớ lẳng lặng nghe hò đây.
Hò rằng… Chiều chiều ra đứng mũi sau.
Trông về quê vợ, ruột đau bảy, tám, chín chiều. Ơi … hò”.
Lúc ấy, cô vợ trẻ lật đật chui ra khỏi mui, tay chỉ ông, miệng nói:
- Ông này, hát hò lảng nhách. Bộ nhớ bả rồi hén.
Và, trời chiều thật, sắp tối.
Nhờ ông Sáu Đực Mẫm, tôi nghe được từ “văn nghệ” lần đầu, với tôi nó đồng nghĩa với sự ca hát hò vè… Tôi lên mười một tuổi, lủi thủi bỏ con sông quê ra tỉnh xa kiếm chữ nghĩa.
Năm hai mươi tuổi, tía bắt về cưới vợ nối nghiệp tổ tông. Đời sống gầy gò quá, tôi xin gia đình lên chợ mua một căn nhà nhỏ.
Ai ngờ, căn nhà tôi đầu, căn hộ ông Bảy cuối phố, ông bán chiếc ghe hàng và mua căn này hồi não tôi không biết. Phố toàn dân tứ xứ mua bán đầu tắt mặt tối, lo kiếm đồng lời bỏ lỗ miệng, mấy ai rảnh rang ca sang và văn nghệ.
Vợ buôn bán, tôi làm hiệu phó trường làng. Một chiều, ông Bảy đến tìm, ông nói nghe cậu lên đây mấy tháng mà bận không có dịp đến chơi.
Thế là, tôi với ông là bạn tâm giao, ông lớn hơn ba mươi tuổi, tóc bạc phiếu nhưng còn khỏe.
Ở khu phố nhờ vốn văn hóa ấy, nhờ bộ tóc bạc ấy, ông được đương nhiên coi là trưởng khu phố chợ. Mọi việc nhỏ, việc lớn trong chợ là đến nhờ ông phân giải.
Một ngày tháng năm mây đen cuộn là là, sấm phóng tia lửa điện đì ầm ngang hông trời, vẫn không xua nổi một tin giật gân làm bàng hoàng lòng người.
Vợ chú Sân- một người đẹp niềm kiêu hãnh của xóm chợ- sinh ra từ gia đình gia giáo, nề nếp từ nhỏ, cùng chồng mở quán cà phê cùng ba đứa con lộng lẫy ngoan hiền như mẹ.
Bất ngờ sáng nay, thím đã bỏ quán đi cùng thằng Giá- thằng mổ heo xấu hơn chàng Trương Chi trong tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Trung. Vợ chồng chú cho nó ở đậu sau quán mấy tháng nay.
Thím bỏ đi có báo chồng con đàng hoàng. Nguồn tin được tung từ gia đình, tức thì tất cả thành viên vùng thị phi, ùn ùn kéo lại căn nhà rộng rãi của ông Bảy.
Không đợi trà nước, trước tiên thằng chệt Vinh, quần lỡ quanh năm thường lấy câu “nửa cắc lời, nửa bữa sống” làm gốc cuộc đời, hỏi:
- Ông Bảy, theo ông, chị Sân bỏ theo thằng Giá, nguyên nhân nào?
Còn ông Ba Phì lột cái khăn quấn cái bụng chang bang chứa mối hận tình nói:
- Nguyên nhân cái con khỉ? Gái nạ dòng mê trai sung sức, do hứng tình đạt đỉnh nóc, còn nguyên nhân nguyên nghĩa gì nữa, phải không ông Bảy?
Riêng ông Tư Thủ mà mấy thằng rắn mắt đặt lại là thầy Đội Thủ, đưa tay gãi gãi cái đầu hói nói:
- Theo tôi nghĩ khác, chú Sân chồng thím có sức khỏe, có học, lại mình dây bậc thầy khoản đó. Thím bỏ đi với thằng Giá, phải có lý do khác, chắc chắn không phải lý do ông Ba vừa gán oan cho thím, phải không ông Bảy?
Là một trong nhóm từng ái mộ nhiệt tình nhan sắc và đức hạnh thím Sân, tôi nói:
- Theo tôi, vấn nạn tình yêu khó nói lắm, nó có đường đi riêng không theo quy luật nào. Tôi nghĩ chuyện này không đơn giản như mấy ông vừa nói, nó phải có nguyên nhân sâu và dữ hơn nhiều.
Chứ mấy ông nghĩ xem, một người đàn bà đang sống đàng hoàng với chồng con, dám bỏ ra đi, chuyện này khiến mình suy nghĩ kỹ lắm mới dám kết luận.
Ngày xưa Mỵ Nương mê Trương Chi không dục tình, không tiền bạc, nghiêm chỉnh do tiếng sáo. Mối tình tan vỡ.
Mỵ Nương không sống được với Trương Chi vì mãi cân nhắc, đong đếm với mớ tình cảm nhỏ nhen, không dám đi tới cùng với điều mình thích, nên thất bại.
Riêng tôi thầm phục thím Sân lắm, ở đời được một người dám yêu thương mình cỡ đó. Thề chết không hối.
Một người biết quý trọng cái đáng quý trọng dù đó là sợi tơ nhện, biết coi thường những gì đáng khinh bỉ dù đó là cọng tơ tằm. Một người đàn bà đi trước quá xa, còn chúng ta ngồi lại loay hoay với những gì không đáng. Tôi xin đa tạ.
Đợi ý kiến bà con khen chê vừa đủ, ông Bảy chậm rãi lấy cái lược tém mái tóc bạc đơn sơ, ốp yếu xìu sau ót. Ông chậm rãi quay lại rồi nói:
- Thôi bà con về đậy hàng hóa lại, trời sắp mưa lớn kìa. Chuyện này, theo tôi nghĩ thím Sân, thím “văn nghệ chút mà”. Có gì dữ dội, có gì hại tới cuộc đời này đâu.
Tối đến, tôi lật cuốn Tự điển tiếng Việt, xuất bản năm 1988 của Viện Ngôn ngữ học, bắt nó nói về từ “văn nghệ” ông Bảy nói lúc trưa, ông dùng để gỡ chuyện thím Sân một cách nhẹ hều.
Cuốn tự điển trả lời:
Văn nghệ: 1. Văn học nghệ thuật (nói tắt). Thí dụ: Hội văn nghệ, tác phẩm văn nghệ. 2. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Chuyện thím Sân đi với thằng Giá, đâu dính líu với chuyện văn nghệ nghiêm chỉnh đất nước. Tại sao ông Bảy kéo nó vào làm bình phông để giải quyết chuyện thím Sân.
Hay nó đã nhảy ra khỏi cuốn tự điển, lang thang với dân gian mà mang ý nghĩa khác. Ý nghĩa mới này, tôi càng mù tịt.
Một trưa vắng khác, nắng dát kiếng lấp lóa trên mấy vũng nước ngoài sân chợ, ba con sẻ nâu lẹt đẹt vài tiếng kêu, khua đám không khí im ắng giữa hai khu phố.
Tôi đang thiu thiu giấc gật gù ngồi giữ tiệm cho vợ dọn cơm; thì thằng Lí Lì một chữ không biết, du thủ du côn ở đâu xộc vào tiệm, hỏi mua hai điếu samit, chờ lấy thuốc.
Chợt bên kia thằng chệt Vinh ngồi canh bàn bi da, một tay xắn quần, một tay nắm đầu thằng Tới, lôi xềnh xệch ra giữa chợ.
Thằng nhỏ một tay giữ đầu, một tay nắm quần chệt Vinh tuột xuống. Chệt Vinh rơi vào tiến thoái lưỡng nan, bèn la chói lói thoát hiểm:
- Bà con cô bác khu phố chợ nghĩ coi. Nó thiếu hoài tôi không cho, hồi nãy thừa lúc tôi tranh thủ làm chén cơm. Nó nhẫn tâm vạch c… đái đầy mấy ly nước ở góc tường nhà. Tôi lôi nó qua công an cho nó biết.
Thằng Lí Lì, đang say hoạt cảnh quay lại nói tỉnh bơ:
- Ông chệt Vinh tiểu nhân, thằng Tới “văn nghệ chút mà”, ông làm lớn chuyện, lôi qua công an.
Câu nói “văn nghệ chút mà” cùng thằng Lí Lì rời khỏi tiệm tôi từ lâu. Bây giờ trưa nay tôi còn lại khoảng không nhẹ hều giữa hai khu phố chợ, sờ sờ thân quen hàng ngày trước mắt tôi, nó chợt sâu hun hút. Đừng tưởng bở.
PHẠM TRUNG KHÂU(TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin