Design là thuật ngữ tiếng Anh, có xuất xứ từ tiếng Latin "Designare" với nghĩa gốc là "thiết kế" hay "tạo dáng hình", vừa có ý nghĩa là "có một ý định". Tiếng Việt gọi là "thiết kế mỹ thuật", "thiết kế đồ họa" hay "mỹ thuật công nghiệp".
Design là thuật ngữ tiếng Anh, có xuất xứ từ tiếng Latin “Designare” với nghĩa gốc là “thiết kế” hay “tạo dáng hình”, vừa có ý nghĩa là “có một ý định”. Tiếng Việt gọi là “thiết kế mỹ thuật”, “thiết kế đồ họa” hay “mỹ thuật công nghiệp”.
Ngay từ thời đồ đá, ý thức về thiết kế đồ họa của người tiền sử đã hình thành, nhưng tất nhiên còn rất sơ khai.
Con người lúc bấy giờ, đã biết vẽ hoặc khắc họa trên các vách đá với mục đích ban đầu là nhằm truyền tin, đánh dấu hoặc ghi nhớ. Về sau này, thiết kế đồ họa mới phát triển, mang ý nghĩa trang trí nghệ thuật, và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.
Vào thế kỷ XVII, thuật ngữ Design được sử dụng để chỉ bố cục của một tác phẩm nghệ thuật. Theo thời gian, từ Design được sử dụng song hành với trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ XIX tại nước Anh, sau đó lần lượt xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở Đức, Áo và Tiệp Khắc (cũ).
Đến đầu nửa thế kỷ XX, Design đã lan tràn khắp Âu Mỹ cùng cái tên New Art (nghệ thuật mới) với sự tham gia của một số nhà mỹ thuật có tên tuổi hàng đầu thế giới như Kandinsky, Chagall, Feninger,…
Khi các vật phẩm chế tạo bằng máy móc thay thế sức người ngày càng chiếm đa số và tràn ngập trong đời sống, các nhà thiết kế cảm thấy thế giới đồ vật ngày càng trở nên đơn điệu và xấu xí do giống nhau hàng loạt và do hạn chế của công nghệ, nên người ta không thể thiết kế kiểu dáng các đồ vật một cách tùy tiện, ngẫu hứng.
Họ cho rằng vẻ đẹp của công nghiệp xuất phát từ công năng sử dụng và công nghệ. Thời đại mới có vẻ đẹp riêng của chính nó và tính chất quốc tế của thẩm mỹ công nghiệp là tất nhiên.
Nhà thiết kế phải có kiến thức tổng hợp từ mỹ thuật tới công nghệ và xã hội. Vẻ đẹp công nghiệp phải có tính phúc lợi, dùng cho toàn dân và góp phần nâng cao đời sống nhân dân lao động.
Họ có nhiệm vụ phải luôn tự vấn về ý nghĩa hữu dụng và giá trị tinh thần của một sản phẩm, sao cho sản phẩm đó phải có chất lượng tốt và thỏa mãn được các tiêu chuẩn cơ bản nhất của thời mà nó được tạo ra.
Với quan điểm này, người ta bắt đầu kết hợp các sản phẩm được sản xuất hàng loạt bằng cách quay lại kết hợp chúng với các yếu tố trang trí thủ công.
Chẳng hạn, các máy khâu sẽ được trang trí thêm các chùm nho, con sóc,… hay những đồ nội thất bằng sắt nhưng được thêm thắt rườm rà với chủ đề như hoa lá, thiên thần,… Mặt khác, do các nhà thiết kế sản phẩm và chủ nhân của nó có nhu cầu tiết kiệm chi phí từ vật tư, tiền lương công nhân cùng chi phí đóng gói, vận chuyển.
Những chi phí này có thể giảm thiểu, nếu như sản phẩm được thiết kế thích hợp. Song song đó, còn có áp lực thứ ba tới từ người tiêu dùng: họ cần những đồ vật tiện dụng, hợp công năng cộng với giá thành rẻ và độc đáo.
Dưới áp lực từ ba phía ấy, ngành Design ra đời bởi các họa sĩ chuyên thiết kế sản phẩm công nghiệp và được đào tạo riêng với nhiều kiến thức liên ngành, từ mỹ thuật đến công nghệ và kinh tế. Các công ty thành công về thương mại cũng là các công ty có các Designer (người thiết kế) giỏi.
Ngày nay, Design bao gồm tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ việc sử dụng chất liệu cho đến các công đoạn tạo dáng sản phẩm. Đây là một công việc phức tạp, đòi hỏi tính sáng tạo cao.
Thế giới đang bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, xã hội lệ thuộc vào tiêu dùng và thông tin. Đây là thời đại công nghệ phát triển cao, không hạn chế việc tạo dáng, người nghệ sĩ lại có thể hoàn toàn sáng tác theo ngẫu hứng.
Chủ nghĩa công năng thô thiển có thể giết chết cái đẹp của nghệ thuật trong khi then chốt của Design là tạo hình độc đáo cho các sản phẩm.
Với sự chênh lệch về chất lượng, công năng, giá thành,… không đáng là bao so với khi kinh tế dựa vào sự chuyển giao công nghệ và đi vào toàn cầu hóa, việc bán được sản phẩm trong các làn sóng ùn ùn hàng hóa cùng loại tùy thuộc căn bản vào vẻ đẹp của chúng, vào kiểu dáng, màu sắc,…
Người ta hy vọng thời của các đồ vật đẹp sẽ trở về, con người lại có thú vui thưởng thức vẻ độc đáo của các đồ dùng có cá tính, dù rằng việc tiêu thụ sản phẩm đã theo các nhu cầu và hình thức hoàn toàn thay đổi.
Hiện nay ở nước ta, Design có rất nhiều chuyên ngành phát triển rất nhanh, như: trang trí, thiết kế nội thất; tạo dáng công nghiệp, thiết kế các máy dân dụng và công nghiệp; thiết kế ôtô, các loại xe cộ; bao bì đóng gói, đồ gốm, thủy tinh và cả sân khấu, điện ảnh…
- Họa sĩ TÍN ĐỨC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin