Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, quyết định của Sở VHTT&DL Tiền Giang là không bình thường.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, quyết định của Sở VHTT&DL Tiền Giang là không bình thường.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: Thanh Thanh |
Trước sự việc, ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến bị Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, đây là một quyết định khó hiểu.
“Chưa cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nhưng việc Sở VHTT&DL Tiền Giang, một đơn vị quản lý văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh, nhưng lại đưa ra quyết định “cấm một ca khúc truyền thống cách mạng” là điều khó có thể chấp nhận.
“Màu hoa đỏ” là di sản âm nhạc cách mạng của đất nước. Đây là ca khúc phản ánh cuộc sống trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Giá trị và ý nghĩa của tác phẩm vô cùng to lớn.
Về mặt nghệ thuật, “Màu hoa đỏ” có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công chúng. Bởi đó là minh chứng của lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc. Bởi thế, tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu sao ca khúc lại được đặt bên cạnh những bài hát nhạc vàng khác? Và Sở VHTT&DL Tiền Giang căn cứ vào cái gì để mà cấm?”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bài hát “Màu hoa đỏ” từng đoạt giải thưởng cao nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. “Hơn nữa, vai trò của nhạc sĩ Thuận Yến đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam là điều đã được ghi nhận sâu sắc. Mới đây, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm các thủ tục hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông, chúng tôi càng hiểu điều đó.
Ông ấy là một chiến sĩ, sĩ quan của quân đội, làm công tác văn hóa của Đảng. Sau này ông ấy là Trưởng Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam thì tên tuổi, vai trò của ông đã được ghi nhận. Thế hệ những người yêu nhạc Việt Nam, ai cũng biết và từng một lần ngân nga giai điệu “Màu hoa đỏ”.
Tôi cho rằng, việc Sở VHTT&DL Tiền Giang cấm lưu hành tác phẩm “Màu hoa đỏ” là không hiểu về lịch sử cũng như âm nhạc đất nước, cần phải làm rõ. Bởi điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến nền âm nhạc cách mạng mà còn làm tổn thương gia đình nhạc sĩ Thuận Yến, nhất là khi ông ấy đã mất”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Ca khúc "Màu hoa đỏ" nằm trong danh sách bị cấm lưu hành của Sở VH-TT&DL Tiền Giang |
Trả lời báo chí về sự việc này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Vương Duy Biên, khẳng định: “Cấm hát “Màu hoa đỏ” là cách làm tùy tiện”.
“Nếu do băng đĩa đó đưa hình ảnh thiếu phù hợp với ca khúc thì phải xử lý kỹ thuật và băng đĩa đó chứ không thể xử lý ca khúc. Việc cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” là cách làm tùy tiện, không đúng của địa phương”, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng khẳng định:
“Việc quản lý phải thống nhất trong toàn quốc, tất cả các địa phương thống nhất chứ không riêng ở địa phương nào. Quản lý là để lĩnh vực ấy phát triển tốt đẹp chứ không phải cái gì không quản được là cấm. Như với 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành vừa qua, Bộ VHTT&DL cũng sẽ thu thập thông tin, sửa lại đúng lời, đúng tên tác giả để tiếp tục lưu hành chứ không phải là cấm lưu hành.
Chúng ta cũng không nên suy diễn thành vấn đề chính trị. “Có người lính ra đi từ đó không về”, đó là sự thật của cuộc kháng chiến. Giá trị của ca khúc đã được khẳng định bằng sức sống trong lòng khán giả và các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng".
Theo Thứ trưởng, Bộ VHTT&DL sẽ chỉ đạo Cục NTBD xem xét báo cáo về Bộ hướng xử lý vụ việc.
Cũng trao đổi về vấn đề này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, phía đơn vị này đang làm việc với Sở VHTT&DL Tiền Giang để tìm hiểu về sự việc. Ông cũng bày tỏ sự khó hiểu về quyết định “cấm” lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến.
Ngay sau khi nhận được thông tin ca khúc “Màu hoa đỏ” bị cấm lưu hành, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tác giả của bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc cho rằng, ông “cứ nghĩ đó là sự nhầm lẫn”.
Ông cho biết thêm, “Thời hoa đỏ” là tên bài thơ viết về người lính năm 1990. Sau này, khi nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài thơ thì mới đổi thành “Màu hoa đỏ”. Bản thân nhà thơ Đức Mậu rất thích cái tựa đề này vì nó có sức gợi hơn.
“Tôi viết bài thơ này bằng tâm thế của một người lính đã đi qua cuộc chiến với những chiêm nghiệm của riêng mình. Nhưng phải thú thật là tôi rất tâm huyết với ca khúc “Màu hoa đỏ” vì đó là cảm xúc, suy nghĩ và trăn trở của hai người lính đã đi qua cuộc chiến như chúng tôi. Tôi và anh Thuận Yến đã từng trải qua chiến tranh, đã từng nếm trải cả đau thương và mất mát nên thấu hiểu sự hy sinh của đồng đội mình. Từ thực tế đã đi qua nên trong bài thơ tôi mới có sự khái quát: “Việt Nam ơi! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con…”.
Khi anh Thuận Yến viết xong ca khúc này có quay lại trụ sở số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội) hát cho tôi nghe. Lúc đó, tôi đã rất xúc động”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết: “Tôi nghe tin ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang ra văn bản cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” mà cứ nghĩ đó là một sự nhầm lẫn. Vì nhắc đến ca khúc là ai cũng biết ca khúc này viết về người lính nào, ca ngợi cái gì… Không phải bỗng dưng một bài hát cách mạng lại có sức sống mãnh liệt như thế trong 26 năm qua”.
Theo tác giả thơ “Màu hoa đỏ”, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cần xem xét lại sự việc này, bởi làm như thế là đi ngược với ý nguyện của nhân dân, làm phai mờ lịch sử. Bài hát đâu chỉ đơn thuần là nhắc nhở thế hệ sau nhớ về một thời rực lửa của cha ông, nó còn khơi dậy niềm tự hào cách mạng nữa chứ. “Cứ cấm đoán cảm tính thế này là không được”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin