Phụ nữ là một nửa của thế giới, là người vợ, người mẹ hiền, đảm đang. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình.
Phụ nữ là một nửa của thế giới, là người vợ, người mẹ hiền, đảm đang. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình.
Là người vợ hiền, họ luôn hiểu chồng, sẵn sàng chia sẻ những ngọt bùi cũng như những đắng cay cùng chồng, khiến người chồng luôn cảm thấy yên tâm trong cuộc sống, từ đó họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Không chỉ chăm sóc giúp đỡ chồng trong gia đình, người vợ còn đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp chồng trong công việc, đóng góp vào thành công trong sự nghiệp của chồng.
Thương nhớ người vợ yêu luôn là nỗi khát khao gắn liền với các nhà thơ, nhà văn từ xưa tới nay. Đầu tiên, xin nêu đôi câu thơ của Cao Bá Quát thương người hiền thê của mình: “Từ ngày anh đi vắng/ Đêm đêm giường quạnh hiu/ Trăng khơi soi mộng lẻ/ Gió sông lạnh trời chiều”.
Rồi ông: “Áo rét cất phòng cũ/ Gương nhỏ anh mang theo/ Tạm giữ cùng an ủi/ Không để nhạt tình yêu” (Từ ngày anh ra đi, dịch thơ Hóa Dân, bài số 37).
Nhận được tấm áo bông của vợ gửi cho, ông cảm động trước tình yêu thương vợ, trong từng mũi chỉ đường kim: “Một phong thư đọc dưới ánh đèn, muôn hàng lệ chảy. Đêm nay mảnh hồn tàn trở về quanh quẩn chốn buồng thêu” (Tiếp thư của vợ gửi áo rét, bút và vài thứ, dịch thơ Nguyễn Quý Liêm, bài số 15).
Nguyễn Trãi có bài thơ Nôm với lời tỏ tình với vợ rất duyên dáng, rất tế nhị, rất lả lơi, rất đằm thắm, và rất tình: “Loàn đoan ướm hỏi khách lầu hồng/ Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng/ Ngoài ấy dầu còn áo lẻ/ Cả lòng mượn lấy đắp hơi cùng” (Tích cảnh thi-Bài 10).
Nguyễn Trãi viết bài thơ này lúc đang sống ẩn dật tại Côn Sơn. Dư luận xưa nay cho rằng, đây là bài thơ Nguyễn Trãi viết cho Nguyễn Thị Lộ, vợ ông- đang làm việc tại kinh thành Thăng Long, trong cung vua.
Trong thơ trung đại Việt Nam, các nhà thơ- nhà nho ít khi viết về cuộc sống tình cảm đời tư của mình, càng hiếm khi viết về người vợ. Nhưng Tú Xương thì khác.
Ông có nhiều bài thơ viết về vợ với những câu đầy thương mến, hóm hỉnh, thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ. Tú Xương mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về vợ mình: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông… “ (Thương vợ).
Trong thơ Việt Nam hiện đại viết về vợ cũng khá nhiều. Nguyễn Duy được xem là nhà thơ “nịnh” vợ nhiều nhất. Ông có chùm 3 bài: Vợ ơi, Mời vợ uống rượu và Vợ ốm. “Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy/ Ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời/ Lúc xơ xác bờm xơm từ sợi tóc/ Đói lả mò về/ Cơm đâu/Vợ ơi…” (Vợ ơi).
Cũng kiểu như “thương vợ” của Tú Xương, Nguyễn Duy đã thấu hiểu hơn sự đảm đang của người vợ, người phụ nữ Việt Nam hiện đại: “Nghìn tay nghìn việc không tên/ Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng/ Thình lình em ngã bệnh ngang/ Phang anh xất bất xang bang sao đành...Cha con Chúa Chổm loanh quanh/ Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia” (Vợ ốm).
Nhà thơ mới Hồ Dzếnh có bài “Thơ tặng vợ” khá hay, rất cảm động: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời”.
Rồi đưa ra tình huống cuối đời, phải lựa chọn: “Mai này tới phút chia đôi/ Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau”. Và ông đề nghị: “Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình”. Ước muốn ấy có vẻ nghịch lý, nhưng là một sự lựa chọn có chiều sâu của tình cảm yêu thương, đong đầy trách nhiệm.
Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ rất sâu tình yêu vợ bằng một cách khác. Ông không đi theo lối mòn ca ngợi những khó nhọc đời vợ, mà đưa ra một tình huống “Có một ngày”:
“Ngày em không yêu anh/ Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy/ Và chiếc áo sờn vai ấy/ Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày/ Em xóa mình đi/ Bằng chiếc khăn màu thơm ngát/ Cái ngày đó/ Anh sẽ bắt đầu/ Với anh/ Bằng bước chân ngày đón em/ Anh một chàng trai/ Với màu tóc khác/ Riêng năm tháng cuộc đời/ Thì vẫn như xưa…” (Có một ngày).
Chế Lan Viên là một trong những thi sĩ trẻ nhất có thơ được tuyển trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh- Hoài Chân.
Trong đêm rét đầu mùa “chia chăn” đắp được cho người vợ tận nơi chân trời góc bể: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em / Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa/ Một đắp cho em ở vùng sóng bể/ Một đắp cho mình ở phía không em” (Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể). Lúc này, nhà văn Vũ Thị Thường- vợ ông, đi thực tế ở miền biển Thái Bình vào thời điểm cuối thu sang đông.
Chuyện kể rằng: Là người sống cận kề với Chế Lan Viên trong nhiều năm, nhà văn Vũ Thị Thường rất hiểu tính chồng. Bà rất lo cho ông- trong quan hệ bạn bè- một lúc nào đó thiếu kiềm chế có thể dẫn đến nặng lời, rồi thì bạn bè thành ra 2 chiến tuyến.
Nhà văn, nhà báo Vũ Bằng khi đang sống ở TP Hồ Chí Minh, nhớ về miền Bắc- Hà Nội và người vợ thân yêu của mình đã viết tập tản văn “Thương nhớ mười hai”. Tập tản văn được chia thành 12 đoạn, mỗi đoạn tương ứng cho một tháng âm lịch của một năm.
Vũ Bằng viết về người vợ đã chắt chiu thương chồng từ cái ăn cái mặc thương đi: “Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt, người vợ bắt đầu thu hết những nệm thêu trải ở sập chân quỳ và gối gấm... để rồi đem cất vào tủ có trải sẵn rễ hương bài cho quần áo thơm ngát và khỏi ngậy”...
“Tháng hai tương tư hoa đào chén trà thủy tiên do vợ pha, củ hoa thủy tiên do vợ gọt thì hương tình đã dậy khắp cả gian phòng”...
Từ xưa đến nay, biết bao thơ, văn tôn vinh, ca ngợi người phái đẹp. Đặc biệt những bài thơ viết về vợ như một thứ rượu quý hiếm được chưng cất bằng cả niềm thương yêu, lòng biết ơn, đôi khi là sự hối hận và cả một sự nợ nần không dễ gì đáp lại. Bởi vậy, nó luôn có sức sống từ trong sâu thẳm người viết và người đọc.
Tài liệu tham khảo:
- http://www.thivien.net: trang thơ Nguyễn Trãi, Tú Xương, Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh, Nguyễn Khoa Điềm.
- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn Học 1976.
- Thơ Nguyễn Duy (2010), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
- Tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, NXB Văn Học tháng 9/2002.
NGUYỄN VĂN THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin