Miền Bắc nước ta có nền văn hóa Đông Sơn, đến văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa ở Nam Trung Bộ, còn đồng bằng châu thổ sông Cửu Long đã hình thành, phát triển nền văn hóa Óc Eo tạo dựng nền tảng cho sự ra đời của Vương quốc Phù Nam.
Miền Bắc nước ta có nền văn hóa Đông Sơn, đến văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa ở Nam Trung Bộ, còn đồng bằng châu thổ sông Cửu Long đã hình thành, phát triển nền văn hóa Óc Eo tạo dựng nền tảng cho sự ra đời của Vương quốc Phù Nam.
Và rồi, sau những biến thiên của lịch sử, các nền văn hóa đó đã tích hợp vào dòng chảy chung, thống nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong đó, riêng nền văn hóa, văn minh Vương quốc Phù Nam cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc, đỉnh cao rực rỡ trên nhiều lĩnh vực xã hội ngay từ thế kỷ I đến thế kỷ VII.
Vương quốc hùng mạnh và lụi tàn từ biển
Núi Ba Thê nhìn từ Di tích Gò Cây Thị, toàn bộ khu vực rộng 450ha kéo dài từ chân núi là Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo. |
Lịch sử loài người đã chứng kiến sự hình thành, phát triển rực rỡ của một đế chế vào những thế kỷ đầu Công nguyên và dần suy yếu, lụi tàn ở thế kỷ VII.
Đó là Vương quốc Phù Nam, có trung tâm đô thị đặt tại thương cảng Óc Eo- Ba Thê (Thoại Sơn- An Giang), nơi đây trong nhiều thế kỷ đã trở thành đầu mối giao thương của tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, sau đó trung tâm giao dịch đường biển này chuyển dần sang eo biển Malacca, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy yếu một đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á, Châu Á.
Phù Nam từ một vương quốc thế kỷ I- III đã phát triển thành một đế chế rộng lớn ở Đông Nam Á gồm nhiều tộc người với hàng chục nước lệ thuộc, với phạm vi lan rộng rất nhiều so với địa bàn trung tâm Vương quốc Phù Nam.
Văn hóa Óc Eo đã chứng tỏ Phù Nam có quan hệ giao lưu rộng rãi với thế giới: Đông Á, Nam Á và cả Tây Á, La Mã mà trong đó ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ là sâu đậm nhất. Văn hóa Phù Nam nổi bật lên tính cách của nền văn hóa biển và thương mại.
Còn nông nghiệp trồng lúa nước vùng đầm lầy giữ vai trò cung cấp lương thực cho cộng đồng cư dân, vùng núi Đông Bắc cung cấp lâm thổ sản, nhưng Phù Nam trở nên hùng mạnh là từ kinh tế biển và thương mại.
Từ đầu Công nguyên đến thế kỷ V, con đường mậu dịch trên biển nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương men theo ven biển từ Trung Hoa qua ven biển Chămpa, Phù Nam, bán đảo Mã Lai rồi chuyển bộ qua eo Kra và tiếp tục con đường ven biển qua các nước Nam Á đến Tây Á và từ đó nối với thế giới Địa Trung Hải. Phù Nam nằm trên vị trí cực kỳ thuận lợi của hải trình Đông- Tây này.
Di tích Nam Linh Sơn tự, được cho là ngôi đền để các vua chúa Phù Nam thực hiện các nghi thức tôn giáo. |
Đế chế Phù Nam lại kiểm soát toàn bộ con đường buôn bán ven biển qua bán đảo Mã Lai. Do đó, đô thị cảng Óc Eo- Ba Thê sớm trở thành trung tâm mậu dịch quốc tế vô cùng quan trọng. Ngoài giao thương mua bán, cảng Óc Eo còn là nơi dừng chân để lấy nước, lương thực, thực phẩm cho các thương thuyền trên hải trình thương mại quốc tế.
Trong đế chế rộng lớn đó, cơ sở và trung tâm Vương quốc Phù Nam nằm trên hạ lưu sông Mekong, chủ yếu là Nam Bộ và trong quá trình phát triển kinh đô có thể được thay đổi nhiều lần; nhưng điều chắc chắn rằng, đô thị- cảng Óc Eo- Ba Thê luôn luôn giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng và là trung tâm mậu dịch quốc tế lớn nhất của Phù Nam.
Sự phát triển cực thịnh của nền văn hóa Óc Eo
Các nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế đã có nhiều phát hiện quan trọng về văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam ở đây.
Với tư cách là một quần thể di tích lớn, nơi đây cho thấy nhiều bằng chứng về di tích cư trú, di tích tôn giáo, nhiều đồ trang sức bằng ngọc, thủy tinh, hàng ngàn mảnh vàng khắc hình thần linh, thú, người, hoa sen, nhiều hiện vật gốm và đặc biệt là hài cốt với các dạng thức mai táng.
Trong các di tích thời kỳ Óc Eo, cũng tìm được nồi nấu kim loại, khuôn đúc, công cụ chế tác, nguyên liệu và vật liệu phế thải...
Từ các khám phá mới, với dáng vẻ mỹ miều, lộng lẫy của hàng ngàn đồ vàng, bạc, đá quý, thủy tinh, tượng đá; kiến trúc nặng- gạch, đá; kiến trúc nhẹ- nhà sàn... nền văn hóa này được mọi người ngưỡng mộ, đam mê vì các chứng tích về thời kỳ thịnh vượng vàng son của lịch sử phát triển xã hội- văn hóa- tộc người vùng trũng thấp ĐBSCL ở đầu Công lịch.
Nhìn chung, những chứng tích thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo được khám phá trong các địa tầng khảo cổ học góp phần làm phong phú đa dạng thêm toàn bộ nguồn sử liệu “vật thể- phi vật thể” đồ sộ của cả một xã hội văn minh lúa nước và văn minh hàng hải ở ĐBSCL, trong quá nửa thiên niên kỷ đầu Công lịch.
Những chứng tích ấy chứng minh trình độ đỉnh cao “bàn tay tài hoa” của những thợ thủ công và các nghệ sĩ kim hoàn Nam Bộ; xác thực sự hiện diện vững vàng của nghề kim hoàn và nhiều ngành nghề hình thành trên cơ tầng nền nông nghiệp trồng lúa đại trà và phục dịch thông thương làm nên “sự vàng son” của xã hội- kinh tế Óc Eo.
Thăm nhà sưu tập đồ cổ Óc Eo ở Rạch Giá (Kiên Giang). |
Và, nó còn khẳng định thêm sự hiện diện và vai trò “thương cảng mậu dịch” quốc tế của nền văn minh đô thị Óc Eo.
Vai trò kinh tế của Óc Eo rất rõ và nổi bật nhưng cũng cần thấy rằng trong suốt gần 7 thế kỷ, Óc Eo tự nó chắc chắn phải có một thiết chế chính trị cần thiết để duy trì, quản lý các hoạt động đô thị, điều hành sản xuất đồng thời thiết lập, mở mang các mối bang giao khu vực, quốc tế.
Trong sự phát triển chung đó, con đường lan tỏa của văn hóa Óc Eo- như nhiều học giả đã chỉ ra- được thực hiện thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và thương mại.
Kể từ khi L. Malleret khai quật Gò Óc Eo (Thoại Sơn- An Giang) năm 1942- 1944, cho đến hàng loạt các phát hiện về văn hóa này của các nhà khảo cổ học Việt Nam, Campuchia, Thái Lan..., sau năm 1975 đến nay, nhận thức về nền văn hóa Óc Eo ngày càng được củng cố vững chắc.
Đã có cơ sở để tin rằng, văn hóa Óc Eo chính là những “mảnh vỡ” còn lại của Vương quốc Phù Nam, phát sinh, phát triển rồi lụi tàn ở Nam Bộ vào những năm đầu Công nguyên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc khá bộn bề để có thể hoàn thành bộ hồ sơ khoa học trình lên UNESCO công nhận Óc Eo là Di sản thế giới.
Trong đó, việc giúp nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm và hiểu về nền văn hóa này cũng là việc vô cùng quan trọng; một nền văn hóa mà chỉ cần một lần “sờ chạm” vào là như thể bị hút hồn vào đó, bởi sức quyến rũ lạ lùng của một nền văn minh cổ ở vùng hạ lưu sông Mekong.
Về văn hóa Óc Eo, chỉ riêng L. Malleret đã công bố con số thống kê đáng kinh ngạc: 1.311 hiện vật bằng vàng nặng 1.120g, 1.062 hạt ngọc và đá quý, trong đó có 779 hiện vật khai quật khảo cổ và 9.283 thu trong dân. Ngoài ra, số hiện vật bằng đồng, sắt, thiếc, gỗ lên đến hàng ngàn, số hiện vật gốm nhiều chủng loại lên đến hàng vạn. Có nhiều hiện vật có nguồn gốc nước ngoài. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin