Thăm Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm

06:02, 11/02/2017

Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm được khánh thành và đưa vào khai thác từ ngày 25/1/2017 (nhằm 28 Tết Đinh Dậu), đã góp thêm nét đẹp vào chỉnh thể của cụm văn hóa, di tích, lịch sử của vùng đất Vũng Liêm.

Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm được khánh thành và đưa vào khai thác từ ngày 25/1/2017 (nhằm 28 Tết Đinh Dậu), đã góp thêm nét đẹp vào chỉnh thể của cụm văn hóa, di tích, lịch sử của vùng đất Vũng Liêm.

Gian chính của ngôi nhà xưa nay là Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm.
Gian chính của ngôi nhà xưa nay là Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm.

Hơn thế, đây là tấm lòng của những người con trên quê hương này, cố gắng thực hiện- dù chưa 
trọn vẹn- một tâm huyết, di nguyện lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời, là thành lập Bảo tàng Nông nghiệp Nam Bộ.

Di nguyện cho đời sau

Nọc cấy, bừa, mỏ sảy, bù cào, cho đến cái đăng, cái đó, cái bung, cái lờ, cái lợp, xà di, xà ngôn, xà búp... những vật dụng rất bình thường gắn bó với đời sống của nông dân Nam Bộ, nó sẽ mãi là vật dụng bình thường, thậm chí bị vứt bỏ đi khi đã không còn công dụng.

Nhưng khi chúng được tập hợp lại, sắp xếp theo những cụm chủ đề, thì sẽ trở thành những câu chuyện kể lịch sử, văn hóa sống động về một thời ông cha ta khai khẩn, mưu sinh trên vùng đất mới phương Nam. Trong đó, thể hiện được mối giao thoa, cộng kết đậm đà giữa 2 dân tộc anh em Kinh- Khmer Nam Bộ.

Một ý nghĩa vô cùng quan trọng hơn nữa, trong sự “bào mòn” khủng khiếp của quá trình hiện đại hóa, những nông cụ, ngư cụ thô sơ nhanh chóng bị lãng quên.

Còn riêng với thế hệ sau này rất dễ bị “đứt đoạn” với quá khứ, khi mà giờ đây những đứa trẻ “nhai cơm mỗi ngày mà không biết mùi rơm rạ”.

Do đó mà trong điều kiện khó khăn chung, huyện Vũng Liêm vẫn lặng lẽ từ nhiều năm nay, cố gắng, nỗ lực hết sức để có được một nhà trưng bày khá tươm tất, đầy đủ về nông cụ, ngư cụ của địa phương là việc làm cần được ghi nhận, được quan tâm rộng rãi, sâu sắc hơn của lãnh đạo các ngành, các cấp, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chiếc mỏ sảy độc đáo làm bằng sừng trâu.
Chiếc mỏ sảy độc đáo làm bằng sừng trâu.

Nhà trưng bày hiện vật chính là ngôi nhà xưa 3 gian bằng gỗ quý có gần 100 năm tuổi, đã được chú Sáu Dân mua lại trong một lần ông về thăm tỉnh Đồng Tháp, để dành tặng cho huyện Vũng Liêm.

Ngôi nhà được lắp đặt trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện vào đầu năm 2013. Do thời gian đã hơn 6 năm rồi nên đến nay, một số cột, xuyên, kèo, đòn tay... bị hư hỏng, nên khi lắp đặt lại phải tìm mua các loại gỗ cùng loại thay thế, làm mới nhưng vẫn giữ nguyên giá trị ngôi nhà xưa Nam Bộ.

Tổng kinh phí ngân sách huyện Vũng Liêm chi cho công trình này là trên 1 tỷ đồng. Năm 2017 này, huyện tiếp tục chi 500 triệu đồng thực hiện phần đóng vách, cửa và trang trí trưng bày nông cụ, ngư cụ và được khánh thành vào 28 Tết Đinh Dậu vừa qua, đưa vào phục vụ khách tham quan.

Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- cho biết: “Sinh thời, chú Sáu Dân có ý tưởng sẽ xây dựng bảo tàng nông nghiệp Nam Bộ tại huyện Vũng Liêm, để bảo tồn văn hóa, lịch sử truyền thống lúa nước, lưu lại cho đời sau, nhằm giáo dục mọi người luôn nhớ về nguồn cội, tổ tiên, dân tộc”.

Được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long mở lớp tập huấn sưu tầm hiện vật nông, ngư cụ.

Sau đó, công tác sưu tầm được tiến hành; đến cuối tháng 6/2007, Vũng Liêm đã sưu tầm được trên 200 hiện vật với nhiều chủng loại khá phong phú. Có nhiều hiện vật thể hiện rõ nét riêng độc đáo của vùng đất Vũng Liêm.

Diện mạo một thời khai khẩn

Nông cụ sưu tầm được ở Vũng Liêm.
Nông cụ sưu tầm được ở Vũng Liêm.

Nông cụ, ngư cụ là tài sản chung của dân tộc trải qua lịch sử nhiều ngàn năm và nó luôn biến đổi thể hiện sự sáng tạo của cha ông ta, để phù hợp với từng thời kỳ, từng vùng đất khác nhau.

Do đó, nông ngư cụ của Vũng Liêm cũng thể hiện khá rõ sự riêng biệt của địa lý và địa bàn dân cư ở địa phương này.

Cũng như Trà Ôn, Tam Bình, huyện Vũng Liêm cũng có những nét tương đồng, nơi gần cuối dòng sông Cửu Long gần như độ dốc không nhiều và xuất hiện nhiều cù lao dày đặc, do sự bồi tụ của phù sa nơi giáp nước của sông và biển.

Ở đây, ngoài đất phù sa còn hình thành nên những giồng cát, điển hình như xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) và một vệt giồng cát dài, nhỏ từ thị trấn Vũng Liêm đến xã Trung Thành.

Đặc điểm này đã hình thành nên một số tập quán canh tác nông nghiệp và khai thác thủy sản với những nét riêng, dần về sau được phổ biến ở một số nơi khác.

Mỗi hiện vật, tái hiện một câu chuyện, một nếp sinh hoạt độc đáo của người dân Nam Bộ, thể hiện sự sáng tạo, thích nghi tuyệt vời với vùng đất mới.

Cùng một hình dáng giống nhau, nhưng sẽ được biến thể và đặt mồi khác nhau để có thể đánh bắt những loài thủy sản khác nhau.

Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, vào gần cuối mùa mưa năm trước cho đến cuối mùa khô năm sau là lúc nước cạn, cá trê theo nước ra sông, người dân đã chế ra cái bung để thu hoạch loài cá trê trắng.

Người ta dùng mồi chuột nướng, băm nhỏ túm vào miếng vải, thu hoạch mỗi cái bung hồi đó cả chục ký cá trê. Hay như câu chuyện nông dân sáng tạo dùng xà di có thể vừa bắt chuột trên đồng, vừa có thể bắt cá rô đồng mùa nước nổi...

Vài câu chuyện nhỏ về nông ngư cụ, để thêm một ý nghĩa rằng, trong quá trình hiện đại hóa, chúng ta cũng cần lưu giữ và học hỏi một số kỹ năng, tư duy của nền văn minh nông nghiệp xưa.

Cho nên bảo tàng nông ngư cụ không chỉ có ý nghĩa của quá khứ, lịch sử, mà chắc rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục tìm hiểu, khôi phục, học hỏi một số tập quán, cách ứng xử của ông cha xưa đối với thiên nhiên.

Đó là cách sống chung với mùa nước nổi, cách trị thủy của người xưa, cách ứng phó với nạn chuột đồng, sâu bệnh, để giữ gìn môi trường sinh thái luôn “sạch”, phong phú, đa dạng và thân thiện giữa con người với môi trường.

Có nhiều ý nghĩa quan trọng và tầm vóc cần thiết để đồng bằng này cần có một bảo tàng không gian văn hóa, văn minh nông nghiệp lúa nước Nam Bộ.

Trong đó, Nhà trưng bày nông, ngư cụ Vũng Liêm chỉ là một hạng mục rất nhỏ trong quy mô của bảo tàng cả vùng đất của một thời kỳ nhằm khẳng định sự tồn tại và phát triển của cha ông ta.

Đó không phải là lịch sử văn hóa riêng của một vùng đất, đó là mảnh ghép quan trọng nơi cuối trời phương Nam, để cùng dân tộc Việt viết trọn một hành trình lịch sử vĩ đại.

Rất cần sự quan tâm, tác động từ nhiều phía, nhiều cấp, ngành địa phương và Trung ương, để mai này Vĩnh Long có được một bảo tàng nông nghiệp đầy đặn, xứng với tầm vóc lịch sử khẩn hoang Nam Bộ.

Còn trước mắt, rất cần người dân, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ làm dày thêm Nhà trưng bày nông, ngư cụ ở Vũng Liêm.

Một số hiện vật như: cày bắp, cái bung, cái thời, xà ngôn, xà di, xà búp, xà no... là những nông ngư cụ của bà con nơi cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu dần dần được các miệt trên nguồn như: Đồng Tháp, An Giang sử dụng, có cải biến, nhiều khi đặt thành tên gọi khác. Đây là nét thú vị trong sự tiếp biến, ứng xử về đời sống văn hóa, cộng đồng giữa các dân tộc ở ĐBSCL. Ngay như cùng một vật dụng để cấy lúa, nhưng cái nọc cấy của người Kinh và cái nọc cấy của đồng bào Khmer khác nhau về hình dáng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh