Những "cỗ xe tăng" của Hoàng đế Quang Trung trong đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789

08:02, 06/02/2017

Có những loại vũ khí thông thường, nhưng khi vào tay các nhà lãnh đạo quân sự kỳ tài thời Tây Sơn như Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, chúng trở thành con chủ bài trong các chiến thuật khiến địch quân kinh hoàng, có thể kể như "voi lửa" hay "hỏa hổ", "hỏa cầu"…

Đoàn quân Tây Sơn thắng trận trở về. Nguồn: Internet
Đoàn quân Tây Sơn thắng trận trở về. Nguồn: Internet

Có những loại vũ khí thông thường, nhưng khi vào tay các nhà lãnh đạo quân sự kỳ tài thời Tây Sơn như Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, chúng trở thành con chủ bài trong các chiến thuật khiến địch quân kinh hoàng, có thể kể như “voi lửa” hay “hỏa hổ”, “hỏa cầu”…

Cuối tháng 11 năm Mậu Thân 1788, khi quân Tây Sơn trấn giữ Bắc Hà trước sức tiến công mạnh mẽ của quân xâm lược nhà Thanh đã chủ trương vừa đánh vừa lui binh chiến thuật để bảo toàn lực lượng chờ viện binh từ Phú Xuân ra.

Mũi xâm nhập chính trong 3 mũi tiến quân của đại quân xâm lược này do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến như thế chẻ tre vào nước ta và chiếm kinh thành Thăng Long đang bị bỏ ngỏ.

Đã vào cận tết và khí thế đang lên, Tôn Sĩ Nghị quyết định cho toàn quân chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán và cho phó tướng của mình là Hứa Thế Hanh nhanh chóng lập phòng tuyến phía Nam lấy đại đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long 20km làm cứ điểm tiền tiêu chính. Chúng dự tính ăn xong tết qua mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789 là tiến quân vào đất Quảng Nam xóa sổ nhà Tây Sơn.

Trước tình thế cấp bách đó, để có danh chính ngôn thuận, ngày 25/11 năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ lên ngôi vua tại Phú Xuân lấy tên hiệu là Hoàng đế Quang Trung rồi nêu cao khẩu lệnh “thần tốc, táo bạo” kéo quân ra Bắc.

Tại đất Bắc, đại quân Tây Sơn nhanh chóng hội quân tại phòng tuyến Tam Điệp của ta lúc đó và tổ chức cho tướng sĩ ăn tết trước. Trong lễ xuất binh của 5 đạo quân ngày 30 tết, Hoàng đế Quang Trung hứa hẹn trước toàn quân rằng đúng mùng 7 tết họ sẽ kịp vào Thăng Long để cùng nhân dân kinh thành đón tết lại.

Ông đã làm được điều đó: sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, sau những trận đánh thắng liên tiếp của quân Tây Sơn Nguyễn Huệ với áo bào nhuộm đen màu thuốc súng đã dẫn đầu đoàn quân chiến thắng kéo vào Thăng Long…

Hai trận thắng lớn có tính quyết định cho toàn cục ở Ngọc Hồi và Đống Đa trong Tết Kỷ Dậu 1789 đã giúp cuộc tiến quân đánh bọn xâm lược nhà Thanh do Nguyễn Huệ chỉ huy kết thúc nhanh hơn dự tính 2 ngày: tiêu diệt 5 vạn quân địch, nhiều tướng lĩnh cấp cao của địch tử trận, tướng thống lĩnh là Tôn Sĩ Nghị phải kinh hoàng bỏ chạy khỏi Thăng Long chẳng kịp lấy cả cờ hiệu ấn tín, đã làm vỡ trận của bọn xâm lược nhà Thanh trên toàn cục, được xem là chiến thắng lẫy lừng nhất của quân Tây Sơn trên đất Bắc.

 Theo một số nhà nghiên cứu, ngoài yếu tố có tính quyết định cho chiến thắng kể trên là nhân dân ta giàu lòng yêu nước, tướng sĩ mưu lược và dũng cảm trong chiến đấu, còn có một điểm son trong nghệ thuật quân sự của một “binh chủng” rất đặc biệt mà quân đội của Nguyễn Huệ cải tiến và khổ luyện là “tượng binh” cùng các thứ vũ khí được cải tiến đi kèm rất lợi hại khiến địch quân nể sợ gọi voi của Tây Sơn là “voi lửa”.

Trong 5 đạo quân của Tây Sơn tham gia chiến dịch này, có 3 đạo quân chủ lực đều có bố trí hàng trăm voi chiến đi kèm với kỵ binh và bộ binh: một do đô đốc Nguyễn Tăng Long chỉ huy giả vờ đánh lên hướng Sơn Tây nhưng nhiệm vụ chính là đánh vu hồi vào phía sau đại quân Tôn Sĩ Nghị đóng ở Thăng Long sau khi thanh toán các đội quân địch trấn giữ Khương Thượng và Đống Đa.

Đạo quân thứ hai do đô đốc Đặng Xuân Bảo chỉ huy phục binh ở Đầm Mực (làng Quỳnh Đô) làm nhiệm vụ hỗ trợ cho đạo quân còn lại có nhiệm vụ rất quan trọng là đánh vỗ mặt vào phòng tuyến địch ở phía Nam Thăng Long do chính Nguyễn Huệ chỉ huy. Đạo quân này có lực lượng tượng binh hùng hậu nhất tham gia.

Việt Nam là một trong các nước có nhiều voi ở Đông Nam Á, ngay từ thời xa xưa, quân đội các triều đại của ta đã biết dùng sức voi trong quân sự như vận chuyển lương thực, khí tài nặng.

Voi đôi khi cũng được dùng xung trận nhờ sức mạnh càn lướt nhưng thường là đi lẻ tẻ, Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xông pha giữa trùng trùng quân địch từng là hình ảnh hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Voi có ưu điểm là to lớn và có sức mạnh khiến các loài thú khác phải tránh mặt, chính vì vậy trên chiến trường, voi là khắc tinh của các đội kỵ binh- một thế mạnh đặc biệt của các đội quân xâm lược phương Bắc khi giáp trận.

Nhưng voi cũng có nhược điểm là sợ lửa, nắm được điểm yếu này, thời nhà Hồ, có lần quân ta xung trận có voi dẫn mũi thì kỵ binh tiên phong của địch đã dùng lửa và cho ngựa đeo mặt nạ sư tử giáp chiến khiến voi của quân ta hoảng sợ tháo chạy ngược trở lại giẫm đạp lên bộ binh phía sau. Quân ta vỡ trận.

Hay như trận tập kích Bích Khê của quân Tây Sơn, biết voi sợ tiếng động lớn, quân Tây Sơn khi tiến công đã cố la hét khiến 40 thớt voi của quân chúa Nguyễn hoảng sợ quay đầu bỏ chạy đạp quân Nguyễn chết nhiều hơn số bị quân Tây Sơn giết…

Những bài học thất bại của tượng binh trước đó được quân Tây Sơn khắc phục hoàn hảo. Dưới sự chỉ đạo tài giỏi của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ và nhiều tướng giỏi về huấn luyện voi như nữ tướng Bùi Thị Xuân, các đô đốc Đặng Tiến Đông, Đặng Xuân Bảo… tượng binh Tây Sơn thực sự là khắc tinh của các đội kỵ binh Thanh thiện chiến.

Bí quyết của họ là huấn luyện cho voi chiến quen với trận mạc, tức quen với đám đông người la hét, đánh nhau hỗn độn; quen với lửa khói và tiếng nổ to; quen với việc công phá các chướng ngại vật bảo vệ các thành lũy…

Khi voi Tây Sơn xung trận với vai trò là lực lượng xung kích, voi không tiến công đơn lẻ mà dàn thành một tập thể hùng hậu với hàng chục, thậm chí cả trăm thớt voi chiến đấu bên nhau trong chiến thuật riêng của từng “đội”- mỗi đội có 30- 50 voi- theo thế “voi đàn”.

Với lối đánh này, đàn voi càng hung hăng lao vào giẫm đạp và dùng vòi quật chết người ngựa của địch quân- càn quét như là những cỗ xe tăng của chiến tranh thời nay- làm rối loạn đội ngũ địch, thậm chí khiến địch hoảng sợ tháo chạy, tạo điều kiện cho kỵ binh và bộ binh đi liền phía sau tiến lên thanh toán chóng vánh trận địa.

Để tăng sức mạnh của tượng binh, quân Tây Sơn còn lắp đặt các súng thần công loại nhỏ trên các bành voi, khiến loại vũ khí có sức công phá mạnh này trở nên cơ động vô cùng lợi hại. Các con voi khác thì được binh sĩ ngồi trong các bành trên lưng có trang bị súng “hỏa hổ” và nhiều “hỏa cầu” để phối hợp với voi diệt bộ binh và kỵ binh địch.

“Hỏa hổ” là loại súng cá nhân dùng cho bộ binh và thủy binh được cải tiến từ súng “hỏa thương” có từ trước, súng được chế tạo bằng ống tre để bắn nhựa thông vào địch, người hoặc phương tiện chiến đấu trúng “đạn” nhựa thông sẽ bị loại khỏi vòng chiến đấu vì bị bốc cháy.

 Còn “hỏa cầu” sẽ hỗ trợ cho “hỏa hổ”, đó là một loại trái nổ hình cầu có quai để cầm ném đi xa, tùy loại chất nổ trong quả cầu nó sẽ gây cháy hay nổ làm miểng văng xa gây sát thương chung quanh. Sức công phá của binh chủng đặc biệt này trong trận Ngọc Hồi được sử nhà Thanh ghi rõ: “đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy…”

Sự xuất hiện những “voi lửa” càn quét- như những “cỗ xe tăng” thời hiện đại- của quân Tây Sơn trong các trận quyết chiến tại đại đồn Ngọc Hồi, ở Đầm Mực và trên gò Đống Đa đêm mùng 4 và sáng mùng 5 năm đó, đúng là thảm họa cho các đội quân xâm lược nhà Thanh, trong đó có những đội kỵ binh thiện chiến từng tung vó ngựa chiến thắng trên khắp các chiến trường Á- Âu trước đó.

HỒNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh