Sau khi ra đời, "Đường ta đi có nắng mặt trời" đã gây ấn tượng với công chúng thưởng thức.
Sau khi ra đời, “Đường ta đi có nắng mặt trời” đã gây ấn tượng với công chúng thưởng thức.
Nhạc sĩ Hồng Đăng và tôi cùng quê xứ Nghệ (Yên Thành và Hưng Nguyên). Chúng tôi thường gặp nhau ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh chúc mừng những sáng tác của tôi, còn tôi khâm phục và học được nhiều điều qua các tác phẩm của anh. Nụ cười “đồng hương” cứ giòn tan, cứ tươi tắn và tâm đắc…
Những năm 60 của thế kỷ trước, tôi rất ấn tượng về ca khúc “Đường ta đi có nắng mặt trời” của Hồng Đăng. Ca khúc ấy không chỉ vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) mà các đội Nghệ thuật quần chúng ở các tỉnh đều biểu diễn trong dịp đại hội Đảng các cấp cũng như kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2) hàng năm.
“Mặt trời lên xua hết mây mù
và xua tan những đêm dài âm u.
Trước mặt ta chói rực mặt trời.
Đảng là chân lý sáng soi ngàn nơi…”
Nghe bài hát "Đường ta đi có nắng mặt trời".
Bài hát có kết cấu chặt chẽ, gọn gàng, bố cục cân đối ở thể hai đoạn đơn. Mỗi đoạn gồm 4 câu nhạc, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Tiết tấu hơi nhanh, nhịp 4/8 khá độc đáo với việc hát ngắt âm cuối cùng của mỗi câu nhạc mà không ngân, đã tạo nên sự mới mẻ, hiện đại cho bài hát.
Nhạc sĩ Hồng Đăng (trái) và tác giả bài viết - nhạc sĩ Dân Huyền. |
Giai điệu và ca từ có sự hòa quyện khá nhuần nhuyễn. Mặt trời mọc lên, hiện diện giữa thế gian là một quy luật tất yếu như sự ra đời của Đảng vậy. Ý này đã dẫn dắt tác giả viết tiếp lời ca ở đoạn B: “Đất nước chúng ta hồi sinh từ Xô Viết năm xưa Nghệ Tĩnh. Trong Sơn La, Côn Đảo bừng lên ánh sáng dẫn đường đấu tranh”. Lịch sử luôn là sự chuyển tiếp và kế thừa. Những địa danh gợi lên bao kỳ tích oanh liệt của cách mạng Việt Nam được tác giả nhắc đến như một chứng nhân cho truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng.
Nội dung ở lời 2 mở ra chặng đường tuy còn nhiều thử thách, chông gai nhưng rộng thênh thang và dân tộc ta vững tin ở Đảng đã luôn có sự sáng suốt trong lãnh đạo để dẫn dắt, chèo lái con thuyền cách mạng: “Từng mùa xuân đến với chúng ta. Đường gian lao có Đảng dìu ta đi. Trước mặt ta chân trời mở rộng. Và lòng thêm kính yêu Đảng tiền phong”. Tác giả không quên nhắc đến những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh cách mạng để có được ngày hôm nay, cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong hòa bình. Càng yêu Đảng, chúng ta càng nhớ đến công ơn đó: “Đất nước lớn nhanh từng phút nhờ xương máu bao người thuở trước. Trông hoa xinh nhớ người trồng hoa. Tha thiết yêu Đảng chúng ta”.
Mặc dù tiết tấu nhanh nhưng không gây cho người nghe cảm giác vội vã mà vẫn khoan thai, thoải mái. Giai điệu bài hát toát lên một vẻ đĩnh đạc tôn kính.
Sau khi ra đời, “Đường ta đi có nắng mặt trời” đã gây ấn tượng đẹp trong công chúng thưởng thức, qua hai giọng nam song ca là các nghệ sĩ Trần Khánh và Trần Thụ, sau đó là Quý Dương và Trung Kiên. Với giai điệu được khống chế trong một âm vực hẹp, âm hình tiết tấu lại không rắc rối, bài hát đã khiến mọi người đều có thể dễ dàng cất giọng. Nó có thể sử dụng rộng rãi cho mọi hình thức trình diễn từ đơn ca đến tốp ca, đồng ca, hợp xướng…
Là giảng viên khoa lý luận sáng tác của Trường nhạc Việt Nam. Hồi đó, anh còn trẻ mà đã sớm nổi tiếng với nhiều ca khúc như: “Giữa mùa Sa nhân”, “Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn”, “Qùa tháng 5 dâng Người” Sau này anh có thêm “Đường về hoàng hôn”, “Hoa Sữa”, “Biển hát chiều nay”… Anh nói rằng: Mình chỉ có một bài hát viết về Đẩng là “Đường ta đi có nắng mặt trời”. Vâng, chỉ một bài mà hay, nó đã khắc sâu vào tâm khẩm của thính giả Đài TNVN và đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Điều đó vinh dự lắm chứ.
Đã 56 năm, đến nay nghe và hát lại Đường ta đi có nắng mặt trời, ta vẫn bồi hồi, dạt dào cảm xúc như lần đầu tiên được nghe, để thêm tin yêu, thêm hy vọng vào Đảng kính yêu./.
Nhạc sĩ Dân Huyền
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin