Không thể để mặc lễ hội biến thành nơi hoang phí tiền bạc, thời gian

11:02, 09/02/2017

Cả một tháng Giêng âm lịch (tháng 2 dương lịch) chỉ có "ăn chơi", với mắt nhìn của các nhà kinh tế thì đó là một sự hoang phí vô cùng.

Cả một tháng Giêng âm lịch (tháng 2 dương lịch) chỉ có “ăn chơi”, với mắt nhìn của các nhà kinh tế thì đó là một sự hoang phí vô cùng.

Không nên để sự tràn lan của lễ hội là một trong những yếu tố cho thấy chúng ta vẫn còn lạc hậu, chưa có được sự văn minh hội nhập, quá lãng phí thời gian, tiền bạc, vật chất, sức lao động. Cả một tháng Giêng âm lịch (tháng 2 dương lịch) chỉ có “ăn chơi”, với mắt nhìn của các nhà kinh tế thì đó là một sự hoang phí vô cùng.

Những lễ hội ở Việt Nam phần lớn tập trung vào mùa xuân và mùa thu, nhưng đặc biệt là vào tháng Giêng âm lịch, sau Tết Nguyên Đán. Đấy là lúc việc đồng áng, buôn bán, các công sở dường như ngưng trệ.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi?

Lễ hội - nơi “ký thác” ước mơ, hy vọng... Riêng tháng Giêng có 65 lễ hội đặc trưng về tôn giáo, lịch sử, phong tục… ở cả ba miền Bắc – Trung - Nam, mang tính quốc gia và được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng “Di sản văn hóa phi vật thể” ở nhiều cấp.

Những lễ hội ở Việt Nam phần lớn tập trung vào mùa xuân và mùa thu, nhưng đặc biệt là vào tháng Giêng âm lịch.
Những lễ hội ở Việt Nam phần lớn tập trung vào mùa xuân và mùa thu, nhưng đặc biệt là vào tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội mở ra, ngoài những yếu tố tâm linh “ký thác” nỗi buồn, niềm vui, ước mơ, hy vọng… của con người trong năm cũ gửi gắm cho năm mới, lễ hội còn là một dịp để con người ta vui chơi, giải trí, thăm cảnh đẹp đất nước, hiểu thêm tầng tầng lớp lớp những giá trị lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa để lại.

Lễ hội mở ra, với nhiều địa phương còn là cơ hội để ngành du lịch hút khách trong nước, nước ngoài, khai thác nguồn lực, mà ở các nước phát triển, thông qua lễ hội, du lịch còn được gọi là “ngành công nghiệp không khói”.

Có một điều thú vị, nếu mang những ngày khai hội ra xếp, thấy gần như không có sự trùng ngày. Cứ như “ông cha” đã sắp đặt để con cháu có thể lần lượt đi được từ lễ hội này đến lễ hội khác, đến hết tháng Giêng. Cái hiện thực đời sống từ đó mà bước vào ca dao: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”?

Dọc theo chiều dài đất nước có thể thấy con đường đến các lễ hội trong tháng Giêng thật phong phú. Miền Bắc, ngoài hai nơi được gọi là “Phật địa” - Chùa Hương, Yên Tử, mà hàng năm số khách tới có thể tính tới con số hàng chục vạn người, thì còn nhiều lễ hội không kém phần hấp dẫn.

Như: Lễ hội Đống Đa, Đền Sóc Sơn, Đền An Dương Vương, Lễ hội “Tịch điền”- Làng Đọi Tam, Lễ hội “Chạy Lợn”, Lễ hội “Lồng Tồng” của các sắc dân vùng Tây Bắc, Lễ hội Quan họ làng Lim…

Miền Trung, ngoài những lễ hội mang tính tâm linh cầu thần linh bản địa của các sắc dân Tây Nguyên dọc theo dãy Trường Sơn, còn có những lễ hội mang tính dân gian truyền thống ở vùng Thừa Thiên- Huế, những lễ hội mang tính cung đình thời Nguyễn được phục dựng lại.

Ở miền Nam, không ai không biết đến những lễ hội nổi tiếng mang tính tâm linh như Lễ hội Vía Bà ở Tây Ninh, Lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, ngoài ra còn có những lễ hội mang tính “mở đất mở cõi” phương Nam của các cư dân dọc theo châu thổ sông Mekong..

Vào Lễ hội, phần tâm linh có lẽ không nhiều, vì phần “Lễ” đã được các địa phương sở tại hoàn tất trong nghi lễ truyền thống nghiêm ngặt, còn với khách vào “lễ” chỉ là thủ tục cần có, có thể có người cầu kỳ sắm “lễ” to, nhưng cũng có người chỉ là chiếu lệ, phần chính là ở phía ngoài kia, phần tiếp theo là “Hội”, với các trò diễn xướng, trò chơi dân gian truyền thống, thi tài giữa các địa phương, cá nhân trong cộng đồng, làm sống lại không gian xưa…

Và chính đây là phần hấp dẫn để khách thập phương tìm về với Lễ hội để “ăn chơi” đúng nghĩa.

Nơi ăn theo của các loại tệ nạn!

Tháng Giêng với những lễ hội truyền thống đã cho ta được sống với những khoảnh khắc tìm về nguồn cội, tìm về những không gian xưa của cha ông, để có thêm lòng tự tôn, tự hào về dân tộc, niềm kiêu hãnh về một nền văn hóa đa dạng phong phú, được tinh lọc qua bao biến cố thời gian, thời cuộc.

Không chỉ “xem” lễ hội, mà ta còn tham gia vào lễ hội như một thành viên của đại gia đình dân tộc Việt, tạo nên không khí thiêng liêng, náo nức của lễ hội… Lễ hội càng đông càng vui, càng được nhiều người biết để năm sau lại có thêm nhiều người tìm đến.

Đến lễ hội, bên những mặt hay theo đúng nghĩa tâm linh của nó, thì ăn theo lễ hội, “ký thác” ở lễ hội còn có không ít những cái xấu, tệ nạn xã hội, mà người “hưởng hại” là khách thập phương.

Chẳng khó gì khi tưởng tượng cảnh người xe chen lấn chật như nêm, ồn ào, nhốn nháo đến nghẹt thở ở các lễ hội vào ngày khai hội. Và song song với lễ hội là kèm theo bao nhiêu những mặt trái của nó, cứ như “đến hẹn lại tới”.

Những biến tướng làm biến dạng và làm ảnh hưởng đến uy tín, tính chất trang nghiêm, linh thiêng của lễ hội năm nào cũng được các phương tiện truyền thông nhắc tới, nhưng vẫn không thấy chiều hướng giảm. Việc giữ gìn bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn sức khỏe cho du khách hành hương và khách du lịch ở nhiều lễ hội gần như bất khả kháng.

Đông người còn sinh ra nhiều “hệ quả” không chỉ ở phía khách mà còn ở phía “chủ nhà”. Rác thải bừa bãi, bẩn thỉu, môi trường cực kỳ ô nhiễm do khả năng quản lý, tổ chức của địa phương thiếu tính chuyên nghiệp.

Việc “chặt, chém” khách là chuyện bình thường ở các lễ hội, khách thập phương có kêu kiểu gì cũng “vô phương” giải quyết. Chưa kể các dịch vụ tại lễ hội được thả lỏng theo chiều “rơi tự do”, nên việc bảo đảm cho khách - các thượng đế, là không tưởng, từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng nếu xảy ra sự cố.

Việc mở lễ hội, ngoài những yếu tố mang tính lưu giữ, kế thừa, bảo tồn, phát triển…về mặt tâm linh, văn hóa… thì đây chính là một trong những cách làm kinh tế địa phương hiệu quả nhất. Mở lễ hội, là giải quyết cho người dân địa phương có công ăn việc làm, đồng thời địa phương có thêm một khoản thu nhập do các lệ phí…

Nhưng cũng chính đó nảy sinh ra các biến tướng không kiểm soát được. Nạn cờ bạc được “ẩn” trong các trò chơi tưởng chừng như rất dân gian như ném vòng cổ vịt, câu cá, đoán số, đoán chữ… Cao cấp hơn là đánh cờ, đánh tam cúc, tổ tôm, tứ sắc, bầu cua cá cọp… Chuyện cờ bạc bịp là lẽ đương nhiên.

Nạn mê tín dị đoan lộng hành. Không có lễ hội nào mà không có “đội quân” hành nghề bói toán chiếm lĩnh. Từ trong điện thờ với biến tướng “lên đồng”, lên “giá chầu”…, ngoài sân thì xem bói đủ kiểu từ xem tay chân, mu rùa, xin âm dương, bói trầu cau, đến đoán vận mệnh tử vi theo mấy loại sách in ấn lậu không gốc tích.

Vì lợi nhuận của địa phương mà một số các lễ hội đã bị biến tướng, làm mai một tính chất lễ hội truyền thống, sự linh thiêng không còn nghiêm cẩn trang trọng.

Nhưng mặt trái của lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất đó là sự lãng phí. Lãng phí thời gian, lãng phí vật chất, lãng phí sức người sức của. Nghỉ Tết đã là một thời gian dài từ 5-7 ngày, nhưng xong Tết, nhiều người vẫn chưa thể đi làm được vì còn “bận” đi lễ hội.

Mà không chỉ một lễ hội gần, còn là nhiều lễ hội  xa. Mọi công việc trì trệ, uể oải, gần như bị đóng băng. Chưa kể, trong các lễ hội, có bao nhiêu tiền đã đổ vào một đức tin không cơ sở có xuất xứ ở ngoại bang phương Bắc và mang tính mê tín dị đoan nhiều hơn là tính tâm linh thuần khiết của người Việt.

Có nên “ăn chơi” trong tháng Giêng?

Không xem nhẹ lễ hội vì đây là nhu cầu có thực của đời sống xã hội, của tự do tín ngưỡng, đồng thời cũng là một cách giữ gìn, bảo tồn, phát triển những tinh hoa văn hóa dân tộc, như một “báu vật thời gian” của lịch sử, của tổ tiên để lại cho muôn đời con cháu.

Nhưng cũng không thể để mặc lễ hội biến thành nơi “đốt” cháy, hoang phí tiền bạc, thời gian, sức người, sức của, làm giảm đi ý nghĩa vị thế một quốc gia đang phát triển trên con đường hội nhập

Cần một tư duy mới về lễ hội. Không có quốc gia nào là không có lễ hội, vì lễ hội là văn hóa, là biểu tượng của sự tồn tại và phát triển của quốc gia trong cộng đồng nhân loại.

Cũng đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm nên ngồi lại với nhau để xem xét với một tư duy mới về lễ hội, đưa lễ hội vào một quy hoạch mang tính vĩ mô, quản lý và hướng dẫn các địa phương tổ chức một cách chuyên nghiệp, có hệ thống, không xem nhẹ và thả lỏng, tùy nghi phát triển, tùy nghi thực hiện, mạnh ai nấy làm, địa phương nào làm theo địa phương ấy… như hiện nay.

Thời gian là quý giá, lễ hội có cần phải kéo dài ngày, trọng hình thức mà thả nổi ý nghĩa nội dung, nhất là những lễ hội được xếp hạng “quốc gia”?./.

Theo CTV Hoài Hương/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh