Cột mốc biên giới 67 nằm hai bên biên giới Việt – Trung được người dân huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu coi là vật thiêng...
Cột mốc biên giới 67 nằm hai bên biên giới Việt – Trung được người dân huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu coi là vật thiêng...
Nằm trên khuôn viên của một hộ dân, cột mốc 67 (2) ở bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được đồng bào dân tộc Dao nơi đây coi là vật thiêng của cả bản. Bà con giữ gìn, bảo quản cột mốc như vật báu của gia đình, dòng họ; bởi từ khi trông coi nghiêm ngặt, giữ yên bờ cõi quốc gia, cột mốc đã mang lại cho người dân những mùa xuân no ấm.
Bên cột mốc 67 (2) trên miền biên viễn Hùng Pèng, gia đình ông Lý A Nhị hôm nay nhộn nhịp hơn những ngày thường. Cái lạnh như được xua tan bởi ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng đoàn kết ngay giữa sân. Bà con trong bản đã gác lại việc ruộng, nương để tụ họp chuẩn bị ăn tết Nguyên đán, với lời hứa cùng nhau bảo vệ mốc giới.
Quân dân bản Hùng Pèng dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị đón Xuân |
Cột mốc biên giới 67 nằm hai bên biên giới Việt - Trung, trong đó trên đất Việt Nam là mốc 67 (2) và được phân định bởi đường phân thủy sông Nậm Cúm. Vị trí đặt cột mốc nằm trang trọng giữa sân nhà ông Nhị, từ lâu được dân bản coi là vị trí bất khả xâm phạm. Việc chăm sóc cột mốc này từ lâu đã được xem là nhiệm vụ chung của cả bản. Nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân trong bản lại mang lễ vật đến tạ ơn trời đất và sơn sửa cột mốc, dưới sự hướng dẫn của bộ đội biên phòng.
Trong câu chuyện xuân, ông Nhị kể, có lần đang làm nương chuối cạnh cột mốc đôi 67(2), ông phát hiện một số người lạ mặt ở nơi khác vào sát khu vực mốc để phát nương, tìm đất ở. Thấy vậy, ông đã trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về định canh, định cư; đồng thời báo cho bộ đội biên phòng, chính quyền xã tới ngăn chặn. Ông Nhị ví von rằng, bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự bản làng cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình. Gia đình có ổn định thì mới tập trung làm ăn được, để từ đó mới có những cái tết no ấm, hạnh phúc.
Ông Lý A Nhị tự hào nói: “Từ năm 2001, nhà nước đặt cột mốc ở nhà tôi. Tôi thấy rất là vinh dự vì được bảo vệ biên giới và cả cột mốc nữa. Bà con trong bản cũng cảm thấy rất vui vẻ và phấn khởi. Chúng tôi đã tuyên truyền với bà con rất sâu sắc, không cho ai đập phá, thấy ai đập phá thì cũng phải nhắc nhở cho nhau”.
Cũng như các hộ dân trong bản khác, chị Lý Thị Sinh và các thành viên trong gia đình nhiều năm nay đã coi cột mốc 67 (2) như người bạn tâm giao để bầu bạn, chăm sóc. Cùng với việc chăm sóc vườn chuối của gia đình quanh cột mốc, hàng ngày, chị luôn cùng người nhà dõi theo đường biên để nắm bắt tình hình. Cột mốc giới thiêng liêng này như lời nhắc nhở mỗi người phải luôn tuân thủ đúng pháp luật biên giới, có ý thức bảo vệ. Từ khi gia đình chị và bà con rời bỏ cuộc sống hoang lạnh trên các triền núi dốc về đây định cư, lấy cột mốc làm vật thiêng của bản, chịu khó làm ăn, nên cuộc sống cũng dần được cải thiện.
Chị Lý Thị Sinh vui vẻ cho biết: “Tôi và người trong bản thường xuyên kiểm tra cột mốc. Thấy ở đây có gì bất thường lại báo cho bộ đội biên phòng đến xem ngay thôi”.
Có cột mốc thiêng liêng, nên nhiều năm nay, ngôi nhà ông Nhị ở bản Hùng Pèng cũng đã trở thành điểm đến thường xuyên của tổ công tác Đồn Biên phòng trong mỗi lần tuần tra nắm tình hình và tuyên truyền những thông tin, quy định mới cho đồng bào các dân tộc địa phương.
Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết: “Đồn biên phòng tuyên truyền bà con nắm rõ, phân biệt rõ các dấu hiệu của đường biên giới và cột mốc biên giới. Đồng thời, đồng bào thông tin với Đồn biên phòng, với cấp ủy, chính quyền địa phương khi có các dấu hiệu khác thường xảy ra trên biên giới. Từ đó để làm sao Đồn biên phòng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra”.
Hương xuân đang tỏa khắp núi rừng. Bên cột mốc 67 (2) linh thiêng, tiếng nhị, tiếng khèn ngân vang như lời cam kết về tinh thần cộng đồng, gắn bó với mảnh đất biên ải đầy khó khăn. Bằng tình yêu quê hương, Tổ quốc, bà con nơi đây nguyện đoàn kết, bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc, cùng nhau làm nên những mùa xuân no ấm.
Theo Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin