Nhiều người đánh giá việc làm của ông Bùi Văn Toàn thể hiện lòng tự trọng của một cán bộ, đảng viên; thể hiện lòng yêu nước của một công dân.
Nhiều người đánh giá việc làm của ông Bùi Văn Toàn thể hiện lòng tự trọng của một cán bộ, đảng viên; thể hiện lòng yêu nước của một công dân.
Những ngày qua, việc ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam quyết định xin từ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đã nhận được sự quan tâm của dư luận cả nước.
Ông Bùi Văn Toàn (trái) - người đã xin từ chức Chủ tịch xã (Ảnh: Người Lao Động) |
Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Toàn trên báo Lao Động, lý do mà vị Chủ tịch xã này có đơn xin từ chức là không hoàn thành nhiệm vụ và không làm được như lời hứa với dân. Một trong những việc ông Toàn thấy trách nhiệm của mình không hoàn thành là sau khi đạt danh hiệu xã nông thôn mới vượt kế hoạch 1 năm, xã Tam An còn nợ các doanh nghiệp xây dựng trên 5 tỉ đồng. Ông Toàn cho biết, việc không hoàn thành nhiệm vụ là trách nhiệm của cả tập thể lãnh đạo xã Tam An, nhưng ông là người đứng đầu nên ông chịu trách nhiệm.
Ông Toàn cũng day dứt khi không làm được như lời hứa với nhân dân đó là: Vào năm 2010, khi ông bắt đầu làm Chủ tịch xã Tam An, còn 16 hộ dân mua đất đã được cấp sổ đỏ nhưng lại không có đất. Ông Toàn nhiều lần hứa với các hộ dân sẽ sớm giải quyết nhưng đến nay vẫn còn 4 hộ chưa giải quyết xong. Vì vậy, ông tự nguyện xin từ chức để người khác có năng lực hơn thay thế.
Một lãnh đạo Huyện ủy Phú Ninh cho hay, đang xem xét việc của ông Toàn, trước mắt thì thấy "không có vướng về tài chính, ngân sách"…
Trước sự việc có thể nói là rất hy hữu này, ông Phạm Lữ, năm nay gần 60 tuổi đảng cho biết, cả tuần nay, ông cùng một số cán bộ nghỉ hưu trong phường Đa Kao, quận 1 thường bàn luận về việc ông Bùi Văn Toàn ở tỉnh Quảng Nam xin từ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã.
Ông Lữ cho rằng việc ông Toàn xin từ chức khi nhận thấy mình không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ cho nhân dân, là một hành động đẹp, mở đầu cho một chương mới về văn hóa từ chức của đất nước mình. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng.
Để thể hiện được văn hóa từ chức, theo ông Đặng Xuân Định, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có trí tuệ và bản lĩnh cao để có thể dễ dàng dời bỏ chức vụ đang đảm nhận. Cần khuyến khích việc làm này ở cán bộ các cấp.
“Việc xin từ chức thể hiện lòng tự trọng của bản thân người cán bộ đó khi thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ hay làm việc không tốt, không hiệu quả. Không ai có thể chê bai hành động từ chức, thể hiện tính văn hóa sâu sắc”, ông Định nhấn mạnh.
Ông Lương Văn Tác, một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, hiện đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ khu phố 1, Phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao hành động từ chức của ông Bùi Văn Toàn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quyền lực và lợi ích, ông Tác cho rằng: “Đây đúng là một hành động đẹp, một văn hóa mẫu mực đáng để mọi người học tập. Tuy nhiên, có thể vì ông Toàn là lãnh đạo cấp xã có thể mạnh dạn được. Còn nếu ở cấp huyện, cấp tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng thì việc từ chức là vấn đề khó”.
Cảm kích, hoan nghênh và khâm phục là tâm trạng chung của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trước hành động dũng cảm của ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam khi xin từ chức. Nhiều người còn đánh giá việc làm của ông thể hiện lòng tự trọng của một cán bộ, đảng viên, là thể hiện lòng yêu nước của một công dân./.
Theo Huy Sơn/VOV-TPHCM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin