Tiếng gà trở thành thinh âm biểu tượng của quê hương xứ sở. Tiếng gà là niềm thương, nỗi nhớ của bao người trong khoảng cách giữa hai dòng sông, giữa quê và chợ, giữa thao thức chiêm nghiệm một quãng dài ly hương và "Hồi hương ngẫu thư"...
Tiếng gà trở thành thinh âm biểu tượng của quê hương xứ sở. Tiếng gà là niềm thương, nỗi nhớ của bao người trong khoảng cách giữa hai dòng sông, giữa quê và chợ, giữa thao thức chiêm nghiệm một quãng dài ly hương và “Hồi hương ngẫu thư”...
Trong hồn quê “xao xác gà trưa”, người ta còn nhận ra “mình còn trong đó”. Còn biết mình đã bị phôi phai đi, bào mòn đi trong dòng chảy của cuộc sống, của những đổi thay muôn mặt,...
“Xao xác gà trưa gáy não nùng”- có lẽ ai cũng đã từng nghe biết bao tiếng gà trưa ở quê hương mình. Nơi bình yên xa xăm, với nắng, với gió, với bóng trưa hè êm như ru đã hằn in vào không gian sống của một thời thơ với biết bao niềm vui, nỗi buồn.
Ở góc khuất bờ tre, con đê sâu hút thẳm xa ngoài đồng- nơi tiếng gà đang gáy in bóng dáng của ba, của mẹ theo dòng thời gian trên cánh đồng mỗi sớm chiều, mưa nắng dãi dầu.
Có lẽ trong tiềm thức, ai nghe đến tiếng gà của Chế Lan Viên trong “Nắng mới” sẽ thấy một điệu thanh âm xuyên thấu vào lòng cái buồn rượi quê ru, dội vào lòng người biết bao thổn thức, bồi hồi đến “não nùng”:
“Mỗi lần nắng mới hắt bên sông,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng gợi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không”
Tiếng gà của Chế Lan Viên vọng thanh cứa vào niềm thương, nỗi nhớ về một không gian yên bình với nhà lá, với bụi tre, giàn mướp... bên dòng sông, bên cánh đồng. Hồn quê thương nhớ đó làm cho kẻ xa quê muốn trở về với quá khứ. Ở nơi đó, không chỉ có tiếng gà ò... ó... o... mỗi ngày cất lên, mà chìm dần trong lồng lộng tiếng gà gáy kia:
“Nắng hanh hao nắng mẹ còn nông sâu,
Đêm dài gà gáy canh thâu,
Mẹ xào xạc bếp lửa luồn vách rơm,
Rồi mùa rũ bóng sớm hôm
Gà chưa gáy sáng mẹ còng đôi vai”
(“Nghe tiếng gà quê”-
Miên Trường).
Âm thức tiếng gà không còn là vọng thanh báo hiệu sáng, trưa, chiều như lệ. Nó mang cả bóng hình của người quê vào bức tranh sống.
Gà gáy hừng đông, ba đánh trâu kéo bừa ra đồng khi những khối sương chưa tan; mẹ gói cơm ra đồng tay sâu mạ cấy đến khi tiếng gà trưa não nùng vang lên giữa đồng không.
Rồi như thế, tiếng gà cứ truyền trôi thời gian mỗi ngày với hai mái đầu sương gió phai màu; với sự biến đổi của quê theo quy luật của cuộc sống.
Ở vùng quê Nam Bộ, con người, xóm nhà, lũy tre làng,... bị “lọt thỏm” trong mênh mông đồng ruộng. Cảnh chiều như “nhấn chìm” xuống bờ tre, con kinh có cái trại, cái lều, cái “nhà đạp” nằm thoi loi giữa đồng.
Giữa bốn bề hiu quạnh, tối đen như mực, tiếng gà cất lên làm “đánh động” tâm hồn con người lạc lõng, bơ vơ giữa mênh mông. Tiếng gà cũng là thanh âm báo hiệu sự sống con người không là đơn nhất.
Tiếng gà, con gà trở thành “vật” bầu bạn mỗi ngày. Rồi như thế, tiếng gà, đàn gà cục ta, cục tác,... nhảy lên nóc nhà vỗ cánh “phành phạch”,... trông thật êm đềm, vui nhộn và hạnh phúc lạ kỳ ở vùng đất mà chiều về con người chỉ biết “ngắm trời đêm”, ngắm trăng,... lẻ loi chim nhạn.
Vào mùa lũ ở ĐBSCL, tiếng gà còn lạc lõng hơn. Mỗi mùa lũ về, tiếng gà, con gà cũng lênh đênh theo con nước cùng người. Những hôm sóng mạnh, gió giật, “gà cú rũ” nơi chiếc lồng đặt ở góc nhà sàn, nơi mũi xuồng hay gò đất thoi loi ngoài giông gió.
Gà có gáy chăng thì âm thanh cũng “gió giật sóng dồi” giữa không trung. Mấy năm nước lớn, gà sống trên bụi gáo, bụi tre,... ngày mưa lũ “ủ rũ” bơ vơ một mình, gà cũng không cất nổi tiếng gáy hàng đêm báo sang canh.
Gió giông mạnh, quật gà giăng xuống nước đập cánh “phành phạch” vài cái rồi cuộn theo cơn sóng dữ trôi biệt trùng đâu đó lạc dòng...
“Lụt to, ăn củ co”, người ta không thể “ngồi một chỗ để sống” nên gà cũng được “úp bội” trên mũi xuồng, mũi ghe,... theo mưu sinh cùng người. Tiếng gà lắm nổi trôi, dù vậy cũng trở thành mạch nguồn sống cho con người giữa trời nước bao la. Gà là bạn.
Tiếng gà phía mũi ghe, xuồng báo hiệu hoạt động sống lênh đênh từ lúc hừng đông đến hoàng hôn. Tiếng gà có khi thanh, khi “rung lắc” bởi con sóng, cây chèo,... phiêu dạt.
Tiếng gà trong không gian, hoàn cảnh “trời trăng mây nước” đã dội vào lòng biết bao người trong một giai đoạn “ăn củ con, bông súng” mùa lũ ở ĐBSCL.
Cứ như thế, tiếng gà theo suốt cuộc hành trình của những người con, người cháu rời bỏ bờ ruộng, bờ tre, bỏ những tiếng gà trưa, tiếng gà báo sáng trong mọi hoàn cảnh khác nhau để ra đi lập nghiệp.
Họ thao thức, ước ao về một tiếng gà trưa, tiếng gà sang canh, tiếng gà của buổi chiều rơi đọng hoàng hôn, tiếng gà ò...ó...o, tiếng đập cánh “phành phạch” trên nóc nhà, trên cây rơm, trên mũi xuồng, trên dòng nước lũ... khi quê hương đã chuyển mình như giấc mơ đổi đời của hai mái đầu sương theo hàng triệu tiếng gà âm hiệu của vô thức áo cơm mỗi ngày.
Giờ đây, “Một tiếng gà trưa gáy não nùng”, “Đêm dài gà gáy canh thâu/Mẹ xào xạc bếp lửa luồn vách rơm” đã khuất lấp với thời gian, với bao biến đổi của bức tranh quê lẫn lộn muôn ngàn thanh sắc.
Quê giờ còn đó, lũy tre còn đó,... nhưng tiếng gà trưa, tiếng gà cầm canh để ra đồng giờ như đã tắt, khiến cho lòng thương nhớ, “Lòng gợi buồn theo thời dĩ vãng”. Thèm một góc quê tiếng gà vọng ngàn từ quá khứ...!
TRIỆU MAI HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin