Dán nhãn phim 18+, nhiều người lo ngại cảnh nóng sẽ tràn ngập trên dòng phim dành cho lứa tuổi này.
Dán nhãn phim 18+, nhiều người lo ngại cảnh nóng sẽ tràn ngập trên dòng phim dành cho lứa tuổi này.
Điện ảnh Việt Nam đang nóng lên với câu chuyện về phân loại phim. Theo đó phim được dán nhãn cao nhất là 18+ trong đó có những cảnh nóng táo bạo sẽ có cơ hội ra rạp nguyên bản mà không phải bị cắt xén như trước.
Đón nhận quy định mới của Cục Điện ảnh về việc phân loại phim, nhiều đạo diễn và nhà sản xuất đã tỏ ra hài lòng và vui mừng. Họ xem điều này như một tín hiệu đáng vui, mở ra nhiều cơ hội cho điện ảnh nghệ thuật vị nghệ thuật.
Dán nhãn cao nhất cho phim 18+, điều này có nghĩa, những bộ phim có nhiều cảnh nóng táo bạo, thậm chí cả bạo lực cũng sẽ được điềm nhiên ra rạp mà không hề bị cắt xén bất cứ một đoạn nào. Tuy nhiên, cảnh nóng phim Việt có thực sự đã được cởi trói?
Một cảnh trong phim “Cha và con và...” của đạo diễn Phan Đăng Di. |
Đạo diễn Phan Đăng Di, người nổi tiếng với những thước phim “nóng rẫy” cho rằng, cảnh nóng mang tính nghệ thuật xưa nay vẫn qua cửa kiểm duyệt mà không hề vấp phải bất cứ rào cản nào. Dán nhãn phim mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất có thể chiếu nguyên bản bộ phim nhưng lại vô tình hạn chế số lượng đối tượng khán giả.
“Trong khi, lâu nay, các nhà kiểm duyệt vốn vẫn hay soi cảnh nóng ở những bộ phim mang tính giải trí, thị trường. Bởi cảnh nóng trong những bộ phim này thường thiếu tính nghệ thuật. Cảnh nóng mà làm không tới thường sẽ gây phản cảm”, anh nói.
Dán nhãn phim nghĩa là nhà sản xuất chấp nhận bị hạn chế về đối tượng khán giả nhưng họ lại có cái lợi là có thể giới thiệu đến công chúng tác phẩm của mình một cách nguyên vẹn. Nhưng việc bị đánh mất khán giả dẫn đến thất thu sẽ là bài toán đối với các nhà làm phim, đặc biệt là phim thị trường. Vì thế, họ sẽ phải cân nhắc khi thực hiện các cảnh nóng.
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng, cảnh nóng không còn là điều gì xa lạ đối với khán giả thời nay. Họ đến xem để thưởng thức nghệ thuật chứ không phải vì sự tò mò, vì những thứ họ tò mò đều có thể tìm kiếm trên mạng. Điều quan trọng là cảnh nóng đó có phù hợp với tổng thể bộ phim, phải bao hàm một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phải đánh thức được giá trị nghệ thuật trong đó. Nếu chỉ gợi dục, cảnh nóng đó hoàn toàn vô nghĩa.
“Ngoài ra, quy định đối tượng khán giả của Cục Điện ảnh chỉ có ý nghĩa ở rạp phim. Phim 18+ chỉ cấm được khán giả dưới 18 tuổi ngoài rạp chiếu phim thôi chứ không cấm được họ xem trên mạng. Phim ra rạp thì ngay lập tức là đã có thể xuất hiện trên internet. Mà ở thời đại này, chỉ cần một cú click thôi là mọi thứ đều có thể kết nối. Thế giới đã phẳng và mọi sự cấm đoán đều bị xóa nhòa. Vì thế, thay vì lạm dụng cảnh nóng, hãy biến nó thành những thước phim đầy tính nghệ thuật, mang đậm giá trị nhân văn”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Ở góc độ khác, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, cảnh nóng là điều tất yếu và là thứ dễ dàng hấp dẫn khán giả. Cho nên việc các nhà làm phim hay sử dụng cảnh nóng, thậm chí lạm dụng nó như một chiêu bài để thu hút người xem là điều bình thường. Với quy định mới này, nhiều đạo diễn xưa nay vốn e dè với cảnh nóng sẽ có thêm sự tự tin để thực hiện.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhu cầu xem phim có cảnh nóng là nhu cầu rất thật của khán giả, thậm chí ngày càng nhiều, đặc biệt là với những khán giả trên 18 tuổi. Họ đã ở tuổi trưởng thành thì tại sao lại cấm họ xem những cảnh nóng hay bạo lực?.
“Cảnh nóng trên màn ảnh Việt sẽ được cởi trói, cho dù muộn so với thế giới, thì đó vẫn là một tín hiệu đáng mừng đối với khán giả và các nhà làm phim”, đạo diễn “Mỹ nhân kế” khẳng định.
Một cảnh nóng trong phim "Mỹ nhân", bộ phim có nhiều cảnh nóng gây tranh cãi. |
Cảnh nóng vốn là đề tài tranh cãi với bất kỳ một bộ phim nào có sự xuất hiện quá nhiều về nó, từ những phim thị trường hài nhảm, làm cảnh nóng không tới cho đến những bộ phim giàu tính nghệ thuật.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết “cảnh nóng” đã từng làm khó các nhà thẩm định phim rất nhiều. Có nhiều bộ phim, dù giám khảo nhận thấy ở đó các đạo diễn đã có sự sáng tạo và vận dụng tài tình nhưng vẫn không thể đặt bút đồng ý cho phim ra rạp mà không cắt đi cảnh nóng đó. Đơn giản vì không thể phổ biến đối với các khán giả dưới 18. Quy định mới về phân loại phim không chỉ giúp các nhà làm phim định hướng được đối tượng khán giả mà còn “nới rộng biên độ” cho những người kiểm duyệt.
Tuy nhiên, quy định này không phải đã làm vừa lòng hoàn toàn các đạo diễn. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng: “Một vài nội dung trong quy chế này vẫn chưa thực sự cụ thể. Ví dụ như khái niệm về “thuần phong mỹ tục” chưa rõ ràng. Hầu hết chúng tôi không hiểu hết phạm vi của giới hạn thuần phong mỹ tục là như thế nào mà chỉ ngầm hiểu rằng cái nào được, cái nào chưa để tránh. Nghệ thuật hay hay không là ở góc nhìn, và nếu không có tự do nghệ thuật sẽ chết”.
Cảnh nóng trong phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. |
Phân loại phim hay nói đúng hơn là giải pháp để phân loại phim có nhiều cảnh nóng. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, dù tranh cãi về cảnh nóng không được xem là thước đo của sự thành công thì nó vẫn khiến bộ phim hấp dẫn thêm. Có thể sẽ có nhiều nhà làm phim xem việc “tăng cường” cảnh nóng như một giải pháp cứu cánh để bù cho việc phim bị dán nhãn và bị hạn chế về số lượng khán giả. Như vậy, nguy cơ về việc cảnh nóng sẽ tràn ngập phim 18+ là điều có thể xảy ra. Kể cả khi đó là cảnh nóng giàu tính nghệ thuật hay cảnh nóng gợi dục thì vẫn là hệ lụy của quy chế mới, buộc các nhà quản lý phải “đau đầu”. Nếu có tình trạng này thì đây sẽ là bài toán mới đối với cơ quan thẩm định, họ lại phải đưa ra thông tư mới để xử lý.
Ở góc độ khác, diễn viên Thùy Anh, cô gái thực hiện nhiều cảnh nóng trong bộ phim gây tiếng vang “Đập cánh giữa không trung” cũng bày tỏ, quy định mới là một bước tiến của điện ảnh Việt. “Điều này giúp nhiều cảnh nóng giàu ý nghĩa trong phim không bị cắt xén”. Tuy nhiên, điều nữ diễn viên lo ngại là nhiều đạo diễn sẽ lạm dụng quy định mới để tăng cường cảnh nóng trong các bộ phim do mình thực hiện.
Quy định mới về phân loại phim, với các mức độ C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi), C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) và mức độ P (phổ biến rộng rãi) được xem như một động thái tiến bộ của cơ quan quản lý, mang đến cơ hội sáng tạo cho nhà sản xuất và cơ hội thưởng thức nghệ thuật cho khán giả. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định những quy định này liệu có được áp dụng thành công trong thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay hay không, thậm chí còn đặt ra nhiều bài toán khó đối với các nhà quản lý và thực thi chúng. Dán nhãn phim 18+ nghĩa là nới rộng biên độ về cảnh nóng, bạo lực trong những bộ phim dành cho lứa tuổi này nhưng không có nghĩa là nới rộng để những tình huống phản cảm, nhảm nhí, gợi dục tồn tại./.
Theo CTV Đào Bích/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin