PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, bà may mắn khi được làm một người bạn thân của nhà thơ Xuân Quỳnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, bà may mắn khi được làm một người bạn thân của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ Xuân Quỳnh là một người bạn vong niên. Và cơ duyên cho cả hai khi đã cùng chứng kiến những bi kịch tình ái trong cuộc đời của nhau.
Nhà thơ Xuân Quỳnh và PGS.TS Minh Thái lúc còn trẻ. |
Khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp bằng chân biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học thì chị Xuân Quỳnh lúc đó đã rất nổi tiếng trong giới văn chương. Một người đàn bà vừa đẹp vừa làm thơ tình hay như vậy, có ai mà không quý mến.
PGS.TS Minh Thái. |
Lần đầu tiên nhìn thấy chị, tôi đã tò mò hỏi một đồng nghiệp và hiểu rằng, hóa ra bấy lâu nay mình đã yêu thơ của một người đàn bà xinh đẹp đến thế. Sau này, may mắn hơn, chị trở thành một người bạn vong niên của tôi. Tôi may mắn (hay không may mắn) khi chứng kiến những bi kịch tình ái của chị và ngược lại, chị là người chứng kiến hết những bi kịch tình ái của tôi.
Với tôi, Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết. Cho nên chị không giữ lại cái gì cho riêng mình. Yêu cho đến lúc chết đi vẫn yêu, “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi”, (Thơ “Tự hát” – Xuân Quỳnh).
Những năm tháng quen Xuân Quỳnh, tôi biết lúc đó chị đang rơi vào bi kịch tình ái. Lúc đó chị vừa mới ly dị người chồng cũ và đang yêu một người nhưng biết không bao giờ cưới được người đó. Chị yêu trong vô vọng, chênh vênh, như từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu.
Tôi nhớ những vần thơ khắc khoải lúc đó chị viết: “Em từ nhà đi đến ngã tư/ Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất/ Chờ qua đường đèn xanh vừa bật/ Em lại trở về thành phố mùa đông.
Bi kịch tình yêu ấy Xuân Quỳnh không chia sẻ với ai. Sau này, khi tôi rơi đúng vào hoàn cảnh giống như nhà thơ Xuân Quỳnh, chị ấy bảo: “Em thấy chưa, không ai giúp được gì mình đâu. Em phải tự cứu lấy mình thôi, cũng giống như chị hồi đấy!...”.
Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh từ những ngày như thế. Tôi yêu Xuân Quỳnh, yêu con người và yêu mái tóc của chị. Bức ảnh nổi tiếng mà chị chụp cùng anh Lưu Quang Vũ, với mái tóc ngắn là do tôi cắt cho chị ấy. Chị Quỳnh rất thích được tôi cắt tóc cho chị bù lại, chị hay nấu canh cua cho tôi ăn.
Tôi ám ảnh bởi gương mặt và vóc dáng của Xuân Quỳnh. Một gương mặt đẹp, đôi mắt sâu đen láy, nhưng những khi buồn thì gương mặt ấy sẵn sàng “đi vắng” tận đâu, rất xa, dù chị ấy vẫn đứng nói chuyện với mình trước mặt. Tôi sợ phải nhìn thấy Xuân Quỳnh trong những khoảnh khắc ấy, cái lúc mà chị rơi vào những trạng thái chênh vênh, cô đơn, buồn tủi.
Còn cái dáng đi mỏng manh của chị Quỳnh, tôi chứng kiến nhiều lắm. Và đó là những hình ảnh đầy ám ảnh mà tôi nhớ về chị. Năm 1987, chị Quỳnh sang thành phố Xanh Petecbua học. Tôi từ thành phố Lê-nin Grat đi lên để hỗ trợ chị ấy về Tiếng Nga. Lên đến nơi, tôi chưa kịp vào thì chị đã đi ra tít ngoài đường để đợi. Tôi ở bên này đường nhìn chị bên kia đường. Đường quốc lộ Liên Xô thời đó, rộng thênh thang. Tuyết rơi bời bời, tôi nhìn dáng chị bé nhỏ, mỏng manh, thất thần đi giữa giá rét. Tôi không thể gọi chị được, đành quay về chỗ chị ở để chờ. Nhưng cái dáng đi cô đơn và hoang hoải ấy của chị cũng ám ảnh tôi từ đó.
Có lần Xuân Quỳnh xuống Lenin Grat thực tế, ở ký túc xá phòng 6m2 với tôi. Suốt tuần ấy chúng tôi không ngủ, và Xuân Quỳnh không ngừng kể chuyện chồng con, ao ước mua cho họ cái này, cái kia. Nhưng lấy đâu ra tiền để mua. Tôi nghĩ ra cách kêu gọi sinh viên Việt Nam ở 3 trường ĐH lớn của Liên Xô lúc bấy giờ đến nghe nhà thơ Xuân Quỳnh nói về thơ tình. Sinh viên vì yêu chị đã góp tiền và cuối cùng cũng đủ để chị mua mấy cái quạt điện tai voi mang về Hà Nội. Khỏi phải nói Xuân Quỳnh sung sướng đến mức nào, đến mức chị ấy khóc vỡ òa như một đứa trẻ. Chị ấy khen tôi giỏi còn tôi thì nhận ra một điều, thơ của chị đã thực sự đi vào trái tim của hàng triệu trái tim bạn trẻ.
Năm 1988, tôi về Việt Nam nghỉ hè. Sau đó tôi sang lại Liên Xô được một tháng thì nhận được tin chị mất. Xuân Quỳnh ra đi, cả nền thơ ca nghệ thuật lúc đó bàng hoàng, sửng sốt và tiếc nuối cho một tài năng đang nở rộ.
Và đến hôm nay, thêm một lần chúng ta tiếc nuối khi nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016./.
Theo Đào Bích/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin