Nguyễn Huy Dung có cách sống lặng lẽ nhưng mỗi bài báo của anh lại là những nhận xét, những góc nhìn riêng sắc sảo về các vấn đề của cuộc sống.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Huy Dung (đứng thứ nhất, bên phải) cùng các bạn bè, đồng nghiệp. |
Nguyễn Huy Dung có cách sống lặng lẽ nhưng mỗi bài báo của anh lại là những nhận xét, những góc nhìn riêng sắc sảo về các vấn đề của cuộc sống.
Tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi và Nguyễn Huy Dung cùng về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho đến ngày cả hai về hưu. Nhưng trước đó, khi nhập trường Đại học Tổng hợp ở Tràng Dương, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (cũ), chúng tôi đã ở cùng nhau vì tôi, Dung và một bạn nữa cùng được phân về ở trọ nhà ông Chung - một lão nông tri điền - gốc ở Thái Bình. Cha ông đã bỏ đất Thái Bình lên Đại Từ rồi định cư ở Tràng Dương trước 1945. Ông dành cho ba đứa gian nhà đầu hồi và rất quý các sinh viên, mà ông coi là “những người có học”.
Hôm giỗ bố, ông chờ ba chúng tôi từ lớp về mới nhấc mâm cỗ xuống. Ông xẻ bát tiết canh làm bốn và đó lần đầu tiên trong đời tôi ăn tiết canh, rồi cũng lần đầu tiên uống chén rượu cam. Với tôi đó là điều mới lạ và chả mấy hứng thú. Thế nhưng, đến giờ tôi vẫn nhớ rõ: Huy Dung ăn tiết canh và uống rượu một cách khá bình thường. Sau này về thăm nhà Dung ở Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây - nay là Hà Nội), tôi hiểu thêm cái “cách ẩm thực” của chàng sinh viên Huy Dung.
Quê anh là một làng cổ, tuy cũng làm nông, nhưng cuộc sống dường như cái gì cũng có “khuôn”, có phép. Từng ngôi nhà, từng lối đi, từng cổng và ngõ rồi các con đường lát gạch nghiêng đều nhuốm màu rêu phong. Lớp người sinh ra sau này có dịp ra khỏi làng mới bắt đầu có những nét thay đổi, nhưng khi về quê dù ít ngày lại sống và nói gần như nguyên vẹn cái chất Sài Sơn, chất làng Thầy.
Rồi khi rời Tràng Dương về La Nội (thuộc thị xã Hà Đông, nay là quận Hà Đông, Hà Nội), tôi và Dung lại được phân trọ cùng một nhà dân và tắm chung một ao ở trong làng… Tốt nghiệp, tôi, Huy Dung cùng 7 người khác về Đài TNVN. Huy Dung cùng Phạm Thị Chóng, Trần Trọng Trủy về Ban đối nội (tiền thân của nhiều Ban biên tập phát thanh của Đài TNVN sau này); Nguyễn Hoàng Vũ về Ban các chương trình phát thanh đối ngoại; Nguyễn Thị Thanh Hiển về Chương trình phát thanh thanh, thiếu nhi do Trung ương Đoàn quản lý.
Tôi, Nguyễn Trường Phước, Ngô Kim Long, Bùi Nam Hương về Ban Truyền hình (lúc đó nằm trong Đài TNVN). Vì Đài không có đủ nhà tập thể, nên tôi, Dung và Chóng phải nằm ngay ở phòng làm việc tại 58 Quán Sứ. Thế là, nếu không đi công tác, cứ hết giờ làm việc tôi và Dung lại có dịp gặp nhau “bù khú” đủ thứ chuyện. Hơn một năm ở Ban Truyền hình (sau này phát triển và tách ra thành Đài Truyền hình Việt Nam), tôi được điều về Ban các chương trình phát thanh vào Nam. Kết thúc chiến tranh, tôi chuyển về phòng phát thanh Văn xã, nơi Dung làm phóng viên từ lúc về Đài.
Khi Đài có nhà tập thể, tôi và Huy Dung lại được phân ở cùng một phòng vì cả hai đều là hộ “độc thân” ở cơ quan. Chúng tôi cùng ăn chung một bếp tập thể, rồi sau này chúng tôi tự nấu ăn trên căn hộ ở tầng 5. Dung nấu ăn khá ngon và biết cách tạo nên một bữa cơm tươm tất khi chúng tôi có khách hoặc bạn đến chơi. Khi chuyển sang ngôi nhà tầng mới trong khu tập thể, Dung ở tầng 4 còn tôi tầng 5. Hai căn phòng cũng giống hệt nhau.
Không chỉ biết rõ về công việc của nhau ở cơ quan, chúng tôi tất nhiên còn hiểu không ít chuyện riêng tư của mỗi người. Dung sống lặng lẽ và hầu như chả tỏ ra cáu gắt với ai bao giờ. Thế nhưng mỗi bài báo của anh lại là những nhận xét, những góc nhìn riêng về các vấn đề của cuộc sống. Cách viết ấy nhanh chóng đưa Huy Dung sớm trở thành một cây bút của Đài TNVN.
Trong mỗi phóng sự của anh hầu như đều có những hình ảnh và chi tiết về những con người thực trong các lĩnh vực. Và có không ít cộng tác viên hoặc cán bộ tuyên truyền của các ngành ở Trung ương và địa phương đã trở thành người bạn thân thiết của anh. Vào dịp ngày Báo chí Việt Nam 21/6 mới đây, khoảng 20h, tôi bỗng nhận được một cú điện thoại từ Đông Hưng, Thái Bình gọi về nhà riêng. Thì ra, đó là một nhà giáo làm cán bộ tuyên truyền của ngành giáo dục Thái Bình về hưu đã lâu, hỏi thăm sức khỏe và chuyển lời chúc mừng tới Huy Dung...
Huy Dung là một trong số ít những nhà báo viết chữ khá đẹp và khéo tay. Những năm đầu mới về Đài, cứ vào cữ 26 hoặc 27 Tết, mặc dù bận rộn chuẩn bị các chương trình phát thanh mừng năm mới, nhưng thế nào Huy Dung sắp xếp thời gian về quê mà theo lời Dung là “gói bánh chưng, bánh gai cho gia đình và nhà anh em”. Nhìn bánh chưng, bánh gai mà Dung đem ra Hà Nội “vuông thành, sắc cạnh”, trông rất bắt mắt, có lần tôi tếu táo: “Ông nên làm thêm nghề… chủ hiệu gói bánh thuê cũng kiếm ăn được đấy!”. Phải chăng đó cũng là một nét, một chất “văn hóa” của anh mà các bạn đồng nghiệp dễ nhận ra?
Rồi sau này Dung còn “lộ” chuyện là từ những năm học cấp 2, cấp 3, anh đã đi làm kiếm tiền bằng cái nghề chả mấy nhẹ nhàng: kéo xe chở hàng vào mỗi dịp hè. Chả là quê Dung có một nhà máy xi măng, hàng ngày thải ra khá nhiều xỉ và cả vôi tả - một thứ phế liệu của xi măng lò đứng. Dung theo những người quen đem xe ba gác đi thu lượm về bán kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình, mặc dù bố mẹ chỉ có mình anh.
Cuối năm 1978, tôi và Dung lại cùng được điều về phòng Thời sự. Tôi chuyên viết bình luận, còn Dung được bổ sung vào tốp phóng viên chính trị viết về các vấn đề nóng lúc đó như tình hình biên giới Việt-Trung; vụ người Hoa ở Quảng Ninh, Hải Phòng vượt biên giới ở Móng Cái về Trung Quốc. Rồi khi cuộc chiến tháng 2/1979 nổ ra ở biên giới phía Bắc, Dung theo các đơn vị chiến đấu ở mặt trận Lạng Sơn và viết bài gửi về để kịp phát trên làn sóng của Đài TNVN.
Năm ấy, bút kí về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở biên giới phía Bắc mà nguồn tư liệu và cảm xúc chắt từ những ngày ở mặt trận Lạng Sơn của anh đã được trao giải Nhất “Những bài viết hay của Đài TNVN”. Và những năm tháng ở phòng Thời sự, Huy Dung là một trong những phóng viên được cử đi viết về các sự kiện lớn của đất nước và quốc tế có liên quan đến Việt Nam, từ sự kiện nhà du hành đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ đến đoàn học sinh Việt Nam đoạt giải Vàng môn Toán học quốc tế tại Anh…
Làm báo trong thời bao cấp đòi hỏi mỗi người phải biết cách tự vượt lên và tìm ra sự đam mê cho mình. Dung đam mê trong lặng lẽ, theo phong cách của anh. Ngoài các bài báo, anh làm thơ. Rồi thơ của anh được giới thiệu trong chương trình “Tiếng thơ” của Đài. Tập thơ đầu của anh in ở nhà xuất bản Lao Động mang tên “Nguyệt Cầm trong bão”. Đó cũng là tên một bài thơ mà tôi biết là anh viết về người cha - một nông dân xứ Đoài nhưng biết chơi Nguyệt Cầm.
Bức tranh của một họa sĩ không đề tên vẽ hình một người đàn ông luống tuổi đang chơi Nguyệt Câm đã ngả màu treo ở nhà anh có lẽ lấy từ hình ảnh của cha anh? Tôi chưa bao giờ nghe Huy Dung nói cụ thể về bức họa đó vẽ về ai nhưng rõ ràng đó không phải là vẽ về một nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi đàn. Huy Dung cứ say mê làm thơ. Năm 1991, Huy Dung ra tập thơ thứ hai “Sau mưa” do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành; năm 2007 là tập “Ẩn trong cây” cũng của nhà xuất bản Hội Nhà văn. Những suy ngẫm về cuộc sống và những sự kiện riêng tư của anh trong đều có trong các bài thơ. Thế là cùng với những bài báo, là những bài thơ có những câu đến bất ngờ:
… Lối này năm ấy mình qua
Lòng em chợt nhắc màu hoa tặng thầm
Cảm ơn buổi sớm tay cầm
Mười năm…ờ đã mười năm giật mình
Và câu em hỏi vô tình
Mười năm biết có giữ dành cho nhau ?
(trích trong bài thơ”Cảm ơn buổi sáng hôm nay”)
Trong sự phát triển của Đài TNVN, tôi có niềm tự hào về hai người bạn là Nguyễn Huy Dung và Phạm Thị Chóng, những nhà báo phát thanh đã để lại một dấu ấn: mở ra chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”. Đây là chiếc cầu nối sớm nhất của ngành truyền thông nước ta với hàng triệu người Việt vì những lí do khác nhau đã phải rời đất nước ra sống ở nước ngoài. Dung và Chóng là những người đầu tiên xây dựng và phát triển chương trình phát thanh này.
Về sau, Phạm Thị Chóng cùng các đồng nghiệp và Ban biên tập Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng nâng cao về nội dung và cách thể hiện của chương trình “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của bà con Việt kiều. Đến nay, đây vẫn là một chương trình phát thanh và là một trong những diễn đàn chưa thể thay thế được của Tổ quốc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sau này, Huy Dung được đề bạt làm Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, rồi Giám đốc Hệ Phát thanh Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2) và nghỉ hưu năm 2010.
Huy Dung còn ấp ủ ra một tập thơ mà anh định đặt tên là “Nhà trong phố”. Nhưng sức khỏe đã không cho anh làm được cái việc đó nữa. Trả “triện đồng” về nghỉ hưu chưa được bao lâu, Huy Dung bị căn bệnh quái ác hành hạ. Anh trở về quê, làng cổ Thụy Khuê (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) dưỡng bệnh. Cái làng cổ có ngôi nhà của anh giờ không còn giống như xưa, cái ngày anh rời làng lên Tràng Dương để bắt đầu bước vào cuộc hành trình đầy hứng thú với một ý thức sáng tạo của nghề viết báo…
Cùng với các thầy thuốc, những người thân yêu lại là nguồn tiếp cho anh sức sống. Các bạn đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam và cả các bạn Khóa 12, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn nhớ anh và dành thời gian đến thăm anh để nhớ về những năm tháng cùng nhau… Giờ đây, anh thanh thản về với đất mẹ. Nhưng bạn bè, đồng nghiệp và thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn luôn nhớ tới anh - nhà báo, nhà thơ Nguyễn Huy Dung./.
Theo Đào Nguyễn/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin