
LTS: Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) hoạt động rất sôi nổi, rộng khắp ở nông thôn và thành thị, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và thị hiếu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
LTS: Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) hoạt động rất sôi nổi, rộng khắp ở nông thôn và thành thị, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và thị hiếu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Việc gắn kết nghệ thuật ĐCTT với hoạt động du lịch sinh thái- di tích lịch sử văn hóa góp phần lan tỏa những giá trị riêng có của nó.
![]() |
Đờn ca tài tử tại vườn |
Bài viết của tác giả Lê Minh Hùng tuy chỉ mang tính khái quát nhưng đầm sâu trong đó là tâm huyết của một người làm công tác văn hóa. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được tổ chức UNECO vinh danh là loại hình nghệ thuật phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, nghệ thuật ĐCTT- một loại hình văn hóa rất độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt và không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của cư dân Nam Bộ Việt Nam sẽ được lan tỏa khắp nơi trên thế giới.
Những âm điệu nhặt khoan, du dương, trầm bổng, lúc ưu tư, ai oán, lúc rộn ràng, sôi nổi… tạo nên một sức sống mãnh liệt, lãng mạn và phong phú, biểu hiện được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh sống của cộng đồng trên vùng đất phì nhiêu, màu mỡ Nam Bộ.
Vĩnh Long- một trong những tỉnh thuộc châu thổ ĐBSCL- có sông rạch chằng chịt, đất đai trù phú, đồng lúa mênh mông, cây trái bốn mùa, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có những dải cù lao xanh rất thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.
Là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và phong trào ĐCTT hoạt động rất sôi nổi, rộng khắp ở nông thôn và thành thị, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và thị hiếu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng với cơ quan quản lý, các cơ sở du lịch tập trung khai thác các tour, tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Vĩnh Long và tuyến du lịch trên sông Tiền, kết hợp tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng...
Các điểm du lịch sinh thái ở các xã cù lao Vĩnh Long đều có phục vụ ĐCTT theo yêu cầu của du khách.
Song, những hoạt động ĐCTT ở các điểm du lịch sinh thái vẫn còn là các ban, nhóm, hoạt động theo hợp đồng thường xuyên của ngành du lịch, thường là đờn ca các bài bản ngắn, ca vọng cổ, ca cảnh hay trích đoạn của sân khấu cải lương... chứ ít khi hát những bài ca tài tử, vì trên thực tế một số tài tử cũng không thuộc các bài, bản ĐCTT. Họ hát theo sự đam mê, theo thói quen, theo yêu cầu, không thể hiện được phong cách ca tài tử theo truyền thống.
Vì thế, ĐCTT ở các điểm du lịch, đã làm ảnh hưởng không ít đến nhận thức về nghệ thuật ĐCTT, có phần làm hạn chế trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT.
Chúng ta giữ gìn nghệ thuật ĐCTT là giữ gìn cái tinh túy, cái đã được chọn lọc, sự trong sáng, cái hồn và cốt cách nghệ thuật mà ông cha ta bao đời để lại. Đó chính là sự gắn bó thân thiết, chặt chẽ giữa sinh hoạt ĐCTT với đời sống văn hóa cộng đồng.
Người tham gia ĐCTT ít nhất cũng phải học thuộc 5 trong 20 bài bản tổ của nhạc tài tử Nam Bộ và sáng tạo theo phong cách tài tử.
Vì trước tiên, người chơi là do yêu thích, đam mê, họ muốn giúp vui và “tự hưởng”. Vì vậy, người chơi thường ở dạng thính phòng (chơi sa-lông). Trong cuộc chơi, người chơi chủ yếu trình diễn “ngón đờn, lời ca”, chỉ một nhóm người cùng nghe, cùng thưởng thức theo lối tri âm, tri kỷ.
Bởi lẽ, chơi nhạc tài tử dưới dạng thính phòng mới thể hiện hết được tài năng, cao, thấp giữa các nghệ nhân và tài tử, đồng thời sẽ giữ gìn và nâng cao được nghệ thuật qua các bài bản tài tử, vì nó có phạm vi hẹp, trong một không gian nhất định, ít người, dễ dàng trao đổi và thưởng thức được trọn vẹn những âm thanh trong nghệ thuật ĐCTT.
Ngày nay, với mặt trái của nền kinh tế thị trường, với sự xuất hiện của nhiều phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau của các quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế rất phong phú và đa dạng.
Trong đó, không tránh khỏi những sản phẩm văn hóa độc hại, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa của dân tộc ta- đặc biệt là giới trẻ.
Vì vậy, việc chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa truyền thống nhằm bổ sung, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam là không thể thiếu. Trong đó, nghệ thuật ĐCTT là một giá trị văn hóa phi vật thể rất độc đáo của vùng Nam Bộ Việt Nam, đại diện cho nhân loại cần phải được giữ gìn và quảng bá.
Nếu nghệ thuật ĐCTT góp mặt trong hoạt động du lịch sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long nói chung, Vĩnh Long nói riêng thì đây cũng chính là điểm nhấn, nhằm giữ gìn, phát huy và quảng bá loại hình này trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Xin được trình bày một số giải pháp để chúng ta cùng tham khảo:
Một là: Viện Âm nhạc Việt Nam phải sưu tập, phân loại hệ thống bài bản nhạc tài tử chính thống, có sự thống nhất chung về bài bản tài tử. Biên soạn, in thành sách để làm cơ sở về kiến thức bài bản nhạc tài tử, đồng thời các địa phương phổ biến cho các nghệ nhân tài tử, các CLB trong toàn tỉnh, nhất là các CLB phục vụ du lịch giữ gìn và quảng bá.
Hai là: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật lưu trữ nhạc tài tử bằng nhiều hình thức như làm phim tư liệu về sinh hoạt ĐCTT ở các huyện- thị, các CLB, các nghệ nhân, tài tử...; ghi âm, ghi hình những hoạt động, những bản đờn, bài ca của các nghệ nhân tài tử, chụp ảnh các nhóm, CLB nhằm lưu trữ, làm tư liệu quảng bá nghệ thuật ĐCTT ở địa phương và cho du khách.
Ba là: Các CLB phục vụ các điểm du lịch ít nhất phải có từ 3 loại nhạc cụ trở lên, xây dựng chương trình ĐCTT theo phong cách truyền thống, thời lượng khoảng 30 phút, trong chương trình nên trình bày các điệu thức Nam, Bắc, Oán, vọng cổ và hòa tấu nhạc cụ...
Nghệ nhân tài tử mặc trang phục truyền thống, sẽ tạo được ấn tượng với du khách (tạo phong cách và nét riêng).
Bốn là: Biên soạn các bài ca tài tử ca ngợi về quê hương, đất nước, con người Việt Nam; về tình yêu, lòng thủy chung, về cảnh quan môi trường, về du lịch sinh thái miệt vườn, vùng sông nước... để các tài tử trình diễn vừa mang tính phục vụ, vừa quảng bá tác phẩm nghệ thuật ĐCTT.
Năm là: Cần có hợp đồng kinh phí chi trả cho các tài tử theo tour du lịch, ngoài ra các dịch vụ du lịch hỗ trợ bồi dưỡng thêm cho các tài tử, để họ đảm bảo được cuộc sống và gắn bó với nghề. Vì ngoài thời gian phục vụ khách, các tài tử cần có thời gian tập dợt các bài bản tài tử.
Nghệ thuật ĐCTT gắn với hoạt động du lịch sinh thái không những là sân chơi bổ ích mà còn là một hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn du khách; góp phần giữ gìn và quảng bá quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng và không gian văn hóa lành mạnh, đối trọng lại các loại hình văn hóa phẩm độc hại, đang có xu thế gia tăng trong sự phát triển của xã hội.
- Bài, ảnh: LÊ MINH HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin