Năm Đinh Dậu, nhiều người băn khoăn, lo lắng, có nên cúng gà vào giao thừa và những ngày đầu năm mới hay không?
Năm Đinh Dậu, nhiều người băn khoăn, lo lắng, có nên cúng gà vào giao thừa và những ngày đầu năm mới hay không?
Thượng tọa Thích Thanh Huân, Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pháp Vân cho biết, trong văn hóa Việt Nam, gà trống là biểu tượng của 5 phẩm chất tốt đẹp.
Gà trống có mào trên đỉnh đầu, cùng 2 cái mào ở dưới giống như chiếc mũ cánh chuồn của các Tiến sỹ thời xưa, biểu tượng cho văn. Cựa gà như thứ vũ khí, tượng trưng cho võ. Gà trống luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đàn của mình, biểu tượng cho dũng.
Gà trống đầu đàn khi được ăn thì luôn gọi cả đàn đến chứ không ăn một mình, tượng trưng cho chữ nhân. Mỗi buổi sáng sớm, gà trống luôn cất tiếng gáy đúng canh, tượng trưng cho sự tín.
Từ xa xưa, người Việt cho rằng, giao thừa là thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, dùng gà trống để cúng với mong muốn "đánh thức" mặt trời, xua đuổi những điều xấu, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong năm mới.
Tuy nhiên, vào năm Đinh Dậu, nhiều người băn khoăn, lo lắng không biết có nên cúng gà hay không. PV VOV.VN đã có những trao đổi với các nhà sư và các nhà nghiên cứu văn hóa về vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì không có chuyện năm gà sẽ không được cúng gà. Theo ông thì: “Quan điểm này cực kỳ sai lầm. Tôi nhớ rằng quan điểm này đã từng có trước đó, vào năm Quý Dậu 1993, làm cho người buôn gà bị lỗ tơi bời”. PGS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh rằng quan điểm năm gà không được cúng gà hay năm hổ phải cúng giò lợn là hoàn toàn không có căn cứ.
Giải thích thêm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, tục cúng gà trong năm mới xuất phát từ quan niệm “lưỡng phân lưỡng hợp” của cư dân nông nghiệp từ xa xưa. Người ta quan niệm rằng mọi thứ đều có 2 mặt đối lập chuyển hóa cho nhau để tạo ra sự sống. “Có dương thì có âm, có cao thì có thấp, có nam phải có nữ…”. Những cặp đối lập đó được tượng trưng bằng những con vật, mà gà trống là con vật tượng trưng cho ánh sáng, cho ban ngày.
Theo GS.TS- Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, con gà tinh thần là con gà của năm gà, con gà vật chất là con gà của việc tế thần nên năm nào cũng có thể dùng để cúng lễ được. Lưu ý gà cúng phải là gà trống đỏ. Con gà ấy tượng trưng cho mặt trời, gắn với sinh khí. Cúng gà trống nhất thiết phải có thêm bông hoa hồng đỏ gắn ở mỏ gà. Khi đặt trên bàn thờ phải để gà chầu vào hoặc chầu ngang, hướng về bát hương thần linh.
Thượng tọa Thích Đồng Huệ - Trụ trì chùa Nôm (Văn Lâm - Hưng Yên) cho biết, cúng gà là cúng thổ công, thần linh chứ không phải cúng "Con gà" nên không phải kiêng trong những ngày lễ Tết, cúng lễ quan trọng là sự thành tâm.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì năm Dậu vẫn cúng gà bình thường, đó là theo quan niệm dân gian. Còn theo đạo Phật thì nên chay tịnh, không sát sinh mọi vật, tốt hơn cả là cúng cỗ chay để mâm cỗ ngày Tết được thanh tịnh./.
Theo Minh Trang/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin