Mỗi khi nghe gió chướng hay hay thổi về, nghe mấy bụi chuối sau hè lào xào, làm cho mỗi sáng thức dậy, lòng thấy nôn nôn là biết mùa cưới đang đến. Hồi xưa, bà hay nói vậy.
Mỗi khi nghe gió chướng hay hay thổi về, nghe mấy bụi chuối sau hè lào xào, làm cho mỗi sáng thức dậy, lòng thấy nôn nôn là biết mùa cưới đang đến. Hồi xưa, bà hay nói vậy.
Bây giờ thời buổi công nghiệp, đám cưới thường gắn với nhà hàng, mâm cỗ thì được nhà hàng chuẩn bị sẵn. Khách đến chúc vui đôi ba giờ đồng hồ, dùng hết các món theo cái thực đơn cũng là lúc tàn tiệc.
Còn đám cưới quê hổng phải vậy. Ở quê, mặc dù thời nay có ít nhiều ảnh hưởng do các dịch vụ mọc lên như nấm, với lại một số gia đình neo đơn mà kinh tế khấm khá nên thuê các nơi nấu mâm cỗ cưới đãi bà con. Tính chơn quê cũng vì đó có phần nào phai nhạt.
Nói là vậy, nhưng có không ít lần tôi được may mắn “thưởng thức” đám cưới ở quê. Tháng trước đây thôi, tôi nhận được điện thoại báo tin vui của đôi bạn thân ở tận Cà Mau, “chúng nó cưới nhau”. Lân la hỏi thì bạn nói là toàn theo kiểu “cây nhà lá vườn”, nên lòng háo hức lắm.
Vào trước ngày nhóm họ, công việc được phân công cụ thể lắm. Các bà, các chị hàng xóm đến phụ tỉa củ làm dưa, làm bánh.
Còn cánh đàn ông, con trai phụ dựng rạp, khiêng vác bàn ghế mượn ở các nhà lân cận về bày trí trong nhà, ngoài rạp, vật tới mấy con heo làm thịt thết đãi họ hàng, bạn bè. Mấy ông cụ, bà lão thưởng trà, kể chuyện xưa cho không khí vui vầy hơn.
Nói đến cái cổng cưới mới thấy “khoái gì đâu”. Ta nói chỉ có mấy loại cây lá thân thuộc: đủng đỉnh, lá dừa, cây chuối… mà cái cổng trở nên xinh xắn, “không đụng hàng”.
Trên cổng là bảng hình chữ nhật có chữ “Vu Qui” (bởi tôi đang ở nhà gái mà). Mấy cái chữ cũng công phu lắm nha, nó được ghép bằng bông dừa, bông đủng đỉnh đính lại với nhau.
Công việc trang hoàng cổng cưới được chính ba nhỏ bạn tôi mần. Ông nổi tiếng khéo tay và cũng thường xuyên làm cổng cưới cho nhiều đám trong xóm.
Lâu lắm rồi tôi mới được thấy cái đám cưới quê bình dị, thân thương như thế, những tưởng chỉ còn trong miền ký ức xa xôi.
Cái vui, cái hay của đám cưới quê không chỉ có vậy mà nó còn thể hiện ở cái tình, cái nghĩa xóm giềng. Ngày nhóm họ, từ sáng sớm, đã nghe tiếng bà con lối xóm í ới gọi nhau “đi dọn đám”.
Mà nghĩ cũng ngộ, người đến phụ đám hễ thấy thiếu cái gì mà nhà mình có thì cũng tự động về nhà mang lại cho mượn, không hề suy tính, đắn đo.
Dân phụ đám ở quê thì khỏi phải bàn, cái gì cũng biết, cái gì làm cũng nhanh gọn. Mấy cô con gái, con trai ở cái tuổi cặp kê cũng được cho qua phụ đám để rồi biết đâu lại có thêm đôi tân giai nhân nữa bén duyên với nhau.
Anh Tư bên xóm cứ hỏi chị Bảy, là con gái chị có mối nào chưa, hay tui với chị mần sui luôn cho nó tiện. Nếu được vậy chắc xóm làng lại thêm một phen chộn rộn, xôn xao.
Hồi còn sống, bà tôi cũng hay kể, ngày xưa bà với ông cũng gặp nhau trong lần đi dọn đám cưới. Bà thương ông hiền lành, chất phác, ông mến bà ở chỗ đảm đang, khéo léo, rồi ông về nhờ mai mối, cau trầu cưới hỏi. Bà và ông cưới nhau cũng vào cái mùa mấy ngọn gió chướng tình cờ ghé qua xóm, xào xạc bụi chuối sau hè...
Những câu hỏi thăm nhau làm cho không khí thêm phần náo nhiệt, cái tình cái nghĩa cũng vì thế mà khắng khít hơn.
Từ 2 giờ sáng, tôi chở cô bạn ra tận tiệm trang điểm ở huyện. Về đến nhà cũng vừa kịp đãi khách, chụp vài “pô hình” kỷ niệm. Đến khi về già, lại lôi ra khoe với con, cháu “ngày xưa bà với ông còn trẻ cũng đẹp lắm, đám cưới cũng rình rang 2 họ”.
Nhà cô dâu cách nhà chú rể mấy khoảnh vuông tôm, đi bộ non 10 phút là tới ngay cổng, nên 2 gia đình quyết định đi bộ rước dâu. Cô dâu, chú rể trong bộ áo dài khăn đóng vui vầy hạnh phúc, hai họ mừng vui chúc tụng nhau, mấy đứa con nít quanh xóm cứ ríu rít chỉ trỏ khen cô dâu chú rể “đẹp ơi là đẹp”.
Họ rước dâu trên đường làng để hình ảnh tình duyên thân thương soi bóng nước. Nơi cây cầu gỗ bắc qua con sông nhỏ lưu giữ kỷ niệm không thể nào quên của đôi bạn hôm nay.
Rồi đây, rất có thể theo dòng xoay của thời gian, những đám cưới quê như thế này sẽ chỉ còn là một miền ký ức đẹp. Song tôi vẫn tin rằng đám cưới quê sẽ luôn là những ký ức khó phai mờ đối với nhiều người trong đó có tôi mỗi khi nhắc nhớ về một miền ký ức quê yên bình.
NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin