Tục cúng Táo quân có bản chất là tục thờ thần bếp, do đó nhiều người cho rằng ngày 23 tháng Chạp làm lễ cúng tại bếp mới đúng.
Tục cúng Táo quân có bản chất là tục thờ thần bếp, do đó nhiều người cho rằng ngày 23 tháng Chạp làm lễ cúng tại bếp mới đúng.
Tết ông Công ông Táo đã trở thành một trong những ngày lễ quan trọng trong năm, ăn sâu vào đời sống tín ngưỡng của người Việt từ nông thôn ra thành thị. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại dọn dẹp bếp núc, biện lễ cúng, sửa sang nhà cửa tiễn ông Táo về chầu trời và đây cũng là lúc chuẩn bị diễn ra một loạt các hoạt động đón Tết.
Cúng Táo quân dưới bếp?
Phong tục cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp đã có từ xa xưa, theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tín ngưỡng này bắt nguồn từ tục thờ lửa, thờ thần bếp của cư dân theo mẫu hệ. Sau này, khi những giá trị văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam, do ảnh hưởng của Đạo giáo mà dân gian ta quen gọi là ngày Ông công ông Táo. Từ đó dân gian tin rằng hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng những chuyện hay dở trong năm, đồng thời thay các gia đình thể hiện những ý nguyện trong năm mới.
Theo tục xưa truyền lại, ngày 23 tháng Chạp lại sắm lễ tiễn ông Táo về chầu trời. (Ảnh Internet). |
Còn theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội), Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tục cúng Táo quân có một ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ về mặt tâm linh mà còn mang ý nghĩa giáo dục cao. Niềm tin về sự tồn tại của vị thần bếp, cai quản mọi việc trong gia đình sẽ hướng con người tới lối sống ngay thẳng, tránh làm điều ác. Đây cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn với vị thần đã cho lửa, mang lại no ấm cho gia đình trong suốt một năm. Đồng thời cũng là lúc để mọi người trong gia đình cùng đoàn tụ bên mâm cơm cuối năm.
Nói về việc cúng Táo quân trên bàn thờ gia tiên hay dưới bếp mới đúng với phong tục truyền thống xưa, Thượng tọa Thích Thanh Huân tiếp: Với văn hóa người Việt, bếp có một vai trò đặc biệt quan trọng. Xưa kia hầu hết mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trong gian bếp, từ việc nấu nướng, cỗ bàn đến ăn uống. Bếp là một không gian thiêng trong mỗi ngôi nhà. Tục cúng Táo quân về bản chất chính là thờ thần bếp, thần lửa. Tuy vậy, không nhất thiết phải cúng ông Công ông Táo trong bếp.
Đặc trưng trong văn hóa Việt vốn là đa tín đa thần, thần có ở khắp mọi nơi, trên nhà dưới bếp, ngoài ngõ. Do đó, việc thực hành lễ cúng Táo quân có thể diễn ra trên bàn thờ gia tiên hay dưới bếp các thần đều chứng giám được. Đơn giản hơn, ngày này, mỗi gia đình chỉ cần dọn dẹp bếp núc sạch sẽ, sửa soạn một mâm lễ để cúng trên bàn thờ gia tiên.
Còn theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, từ xa xưa, người Việt đã có bàn thờ đặt trong bếp hướng theo hướng nhà hoặc ở vị trí thuận lợi nhất. Đến sau này khi mọi nghi thức được đơn giản hóa, bàn thờ dưới bếp dần được xóa bỏ, ngày 23 tháng chạp cũng chỉ được cúng trên bàn thờ gia tiên là chủ yếu. Việc cúng lễ dưới bếp không mang tính bắt buộc, tùy theo từng gia chủ. “Nếu cẩn thận, gia chủ có thể lập một bàn thờ trong bếp, đặt trên bàn, hay ghế, bát hương gạo, cùng xôi, gà, hoa quả để làm lễ”, PGS.TS Đính nói.
Mâm lễ cúng táo quân
Về lễ vật cúng trong ngày 23 tháng Chạp, theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, lễ vật cúng Táo quân tùy theo điều kiện từng gia đình mà biện lễ. Thông thường, lễ vật dâng lên ông Công ông Táo gồm có: hai mũ cánh chuồn dành cho ông Táo, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà, cá chép. Ngoài phần mũ mã, các lễ vật thường là mâm lễ mặn hay lễ chay để tiễn Táo quân về chầu trời. Lễ mặn với xôi, gà, các món canh… lễ chay thường có trầu, cau, hoa quả, tiền vàng…
Tuy nhiên, theo quan niệm của nhà Phật, lễ cúng nên chay tịnh, có thể sử dụng chính những sản vật trong gia đình như ngũ cốc, hoa quả, nước sạch. Thượng tọa Thích Thanh Huân nhấn mạnh, “lễ vật chỉ là một phần, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ, tế như tại tế thần như thần tại”. Bởi ý nghĩa sâu xa của ngày cúng Táo quân là sự nhắc nhở con người nhớ ơn, cảm tạ vị thần bếp đã phù trợ, cho một năm sung túc, no đủ.
Xưa nay dân gian vẫn tin rằng, mọi điều trong nhà đều được ông Táo mang lên báo cáo với Ngọc Hoàng, chính niềm tin này có ý nghĩa giáo dục con người hướng tới lối sống ngay thẳng. “Nếu như chỉ thành khẩn cúng bái, làm những điều tốt vào ngày 23, nhưng lại lãng quên vào những ngày còn lại trong năm thì việc cúng ông Công ông Táo cũng không còn ý nghĩa nữa”, Thượng tọa Thích Thanh Huân nhấn mạnh./.
Về thời gian cúng lễ, Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết theo dân gian, lễ tiễn Táo quân về chầu trời nên được thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Sau giờ này, Táo quân đã thăng thiên để tấu với Ngọc Hoàng./.
Theo CTV Nguyễn Trang/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin