Gốm Nam bộ xưa ở Cần Thơ

02:12, 24/12/2016

 Những pho tượng, đồ thờ, gia dụng, trang trí… đều ghi dấu thời gian, nhưng màu men, nước gốm vẫn óng ánh khiến người xem trầm trồ trước tạo tác của những nghệ nhân Nam bộ xưa.

Những sản phẩm gốm của các làng nghề nổi tiếng miền Nam đã có dịp "hội ngộ" tại gian trưng bày chuyên đề "Gốm Nam bộ xưa" của Bảo tàng TP Cần Thơ. Những pho tượng, đồ thờ, gia dụng, trang trí… đều ghi dấu thời gian, nhưng màu men, nước gốm vẫn óng ánh khiến người xem trầm trồ trước tạo tác của những nghệ nhân Nam bộ xưa.

Gốm Nam bộ nổi danh từ khoảng giữa thế kỷ XVIII, phát triển mạnh vào thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX và duy trì đến nay. Nhắc đến gốm Nam bộ, giới nghiên cứu và nhiều người hoài cổ vẫn thường hay nhắc đến ba dòng gốm: Cây Mai (Sài Gòn), Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương).

Tại trưng bày, Bảo tàng TP Cần Thơ đã giới thiệu với khách tham quan 200 hình ảnh và hiện vật, thể hiện những nét đặc sắc của gốm trang trí, kiến trúc, tín ngưỡng và gốm gia dụng ở Nam bộ.

Dĩa con gà- sản phẩm đặc trưng của gốm Lái Thiêu. Ảnh: DUY KHÔI
Dĩa con gà- sản phẩm đặc trưng của gốm Lái Thiêu. Ảnh: DUY KHÔI

Có thể nói, trong lịch sử khai phá và lập nghiệp ở vùng đất Nam bộ, đồ gốm luôn đồng hành cùng cư dân vùng đất mới. Trong đó, các tượng, đồ thờ, linh vật trang trí đình, chùa… thường được người Nam bộ xưa chọn chất liệu gốm để thể hiện.

Khách tham quan thích thú với hiện vật là đôi tượng Ông Nhật- Bà Nguyệt thuộc dòng gốm Cây Mai, niên đại thế kỷ XX. Từ dung mạo, sắc mặt đến chi tiết trang phục, vóc dáng của đôi tượng sống động như tranh vẽ, cho thấy tài hoa của người thợ gốm.

Hay những vật dụng trang trí trong các đình, chùa như Lưỡng long tranh châu, Phụng hàm thư (tượng chim phụng), tượng rồng, tượng lân, cá hóa long… được tạo tác tinh xảo, sắc mặt các linh vật hiền hòa, vui tươi.

Dạo một vòng không gian trưng bày được sắp xếp khoa học với những chủ đề khác nhau mới thấy hết tài nghệ của người Nam bộ xưa.

Hàng trăm hiện vật là bình hoa, lộc bình, tượng Thần Tài, Thổ Địa, đôn voi, đôn ghế, chậu kiểng đến bình vôi, khay trầu, khay nước, tĩn, hũ, vịm, dĩa, tô… cái được tráng men trắng, cái được phủ men xanh rất bắt mắt.

Những hiện vật này cho thấy gốm đã đồng hành và trở thành chất liệu thân thiết với đời sống sinh hoạt của người Nam bộ xưa và nay.

Nếu so với nghệ thuật tạo tác gốm, tráng men ở một số nước châu Á, thì có lẽ gốm Nam bộ không bằng ở sự tinh tế, sắc sảo nhưng lại có một vẻ đẹp bình dị rất riêng và ứng dụng cao trong cách sử dụng.

Điều làm người xem thích thú ở trưng bày này là đã khơi gợi hồi ức về tuổi thơ mà nhiều người đã trải qua.

Đó là cái tô, cái dĩa con gà với hình ảnh chú gà trống ngẩng cao đầu của gốm Lái Thiêu mà nhiều người đã bới cơm ăn ngày nào; rồi chiếc đôn voi để chậu hoa kiểng, chiếc ấm trà hình bông cúc phai dấu tháng năm, chiếc đèn mù u men trắng thắp sáng trong mái nhà quê thuở nhỏ…

Bác Nguyễn Chiến Thắng, khách tham quan 74 tuổi đến từ quận Bình Thủy, nói: "Bây giờ mình xài chén kiểu, chén thủy tinh, chớ thời trẻ của tôi toàn xài đồ đá, đồ gốm.

Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cái dĩa con gà với mấy cái thố, đôn voi bằng gốm này. Hồi xưa thấy bình thường, giờ nhìn lại đẹp quá!".

"Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí"- các nghệ nhân gốm xưa đã đúc kết như vậy. Bởi để làm ra một sản phẩm gốm đẹp, việc tìm ra những thớ đất dẻo, mịn, kết dính là khâu then chốt rồi đến nung sản phẩm, sau đó tạo hình và trang trí.

Một sản phẩm gốm đẹp có sự kết hợp giữa kỹ thuật và cả trí tưởng tượng, sáng tạo của người thợ. Bởi những hoa văn như "Thất tiên trúc lâm", mẫu đơn kê (hoa mẫu đơn với gà trống), mẫu đơn điểu (hoa mẫu đơn với chim), lý ngư (cá chép)… thì chẳng có một công thức hay quy tắc nào trong những nét vẽ.

Cũng nhờ vậy, người thợ gốm Nam bộ xưa đã gửi tình vào những sản phẩm với những hình ảnh rất Nam bộ như con cua, cây chuối, con cá, bông cúc, con gà…

Một không gian của trưng bày hẳn sẽ không thể nói hết sự phong phú, đa dạng của gốm Nam bộ xưa nhưng đủ để người xem hiểu về một loại hình tạo tác độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng đất này.

Những thớ đất vô tri qua bàn tay điệu nghệ của người thợ, dưới cái nóng của ngọn lửa nung lại được "đổi đời" trở thành vật dụng có ích cho đời. Thế nên ai đó đã cảm hứng gọi gốm là "hoa của đất"!

Ba dòng gốm đặc trưng Nam bộ

- Gốm Cây Mai: Tên gọi bắt nguồn từ địa danh Cây Mai (nay là góc đường Hùng Vương- Nguyễn Thị Nhỏ, TP Hồ Chí Minh), thời xưa có nhiều lò gốm hoạt động. Các sản phẩm độc đáo và đặc trưng của gốm Cây Mai sản xuất vào cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX là gốm men nhiều màu như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng...

- Gốm Biên Hòa: Ra đời từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, kỹ thuật chế tác bắt nguồn từ gốm bản địa và tiếp thu kỹ thuật làm gốm của người Hoa ở Nam bộ và các nước phương Tây. Gốm Biên Hòa thiên về trang trí hoa văn dày đặc, bao quanh sản phẩm bằng phương pháp vẽ nét chìm hoặc lấy nét chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men.

- Gốm Lái Thiêu: Ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX, sản xuất đồ gốm gia dụng phục vụ nhu cầu của giới bình dân. Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu có nhiều dạng khác nhau, thường có đường nét to, thô nhưng không vì thế mà kém trau chuốt, sinh động. Gốm Lái Thiêu nổi tiếng hơn cả là các sản phẩm vẽ hình gà trống.

Theo Cần Thơ Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh