10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật nhất năm 2016

07:12, 30/12/2016

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu nhất năm 2016 sau cuộc bỏ phiếu kín với 125 phóng viên chuyên trách vào sáng nay, tại Hà Nội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu nhất năm 2016 sau cuộc bỏ phiếu kín với 125 phóng viên chuyên trách vào sáng nay, tại Hà Nội.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh

Ngày 1/12/2016, tại kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên minh chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopa, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản thứ 9 của Việt Nam được ghi danh vào danh sách này.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tôn vinh, đề cao vai trò của người Việt; góp phần gia tăng lòng khoan dung giữa các tộc người và tôn giáo; thể hiện sự sáng tạo của con người trong các thực hành nghi lễ, lễ hội, các sinh hoạt văn hóa liên quan.

Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, những yếu tố văn hóa, nghệ thuật như: hát chầu văn, nhạc lễ, múa thiêng, trang phục, trình diễn… mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.

Nghệ sỹ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Nghệ sỹ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Việt Nam có Di sản Tư liệu Thế giới

Tại Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 18-21/5/2016, tại thành phố Huế (Việt Nam), Ủy ban này đã vinh danh hai di sản Thơ văn kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang là Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Nguyễn (1802-1945) có thơ văn và được trang trí “nhất thi nhất họa,” “nhất tự nhất họa” - tổng số có 2.679 ô thơ văn và cũng có từng ấy ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ. Đây thực sự là một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn.

Mộc bản Trường học Phúc Giang (còn được gọi Mộc bản Trường lưu) là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ ở Việt Nam. Mộc bản là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học.

Hình thức khắc tinh xảo, phong phú, thư pháp đẹp trên chất liệu gỗ thị, lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu, khẳng định bản quyền của 5 nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình ba thế hệ của dòng họ Nguyễn Huy (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) ở thế kỷ XVIII, chứa nhiều thông tin về lịch sử, chính trị-xã hội, tư tưởng-văn hóa, ngoại giao…

Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

“Mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội

Chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội, công diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ biểu diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao đã được giới nghề nghiệp và khán giả công nhận về chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng.

Đây là luồng gió mới trong hoạt động nghệ thuật chuyện nghiệp công lập trong năm 2016.

Đợt biểu diễn đã nâng tầm chất lượng của các chương trình, vở diễn khi được biểu diễn tại khán phòng sang trọng, tạo nên bầu không khí phấn khích trong giới nghệ sỹ, nhận phản hồi tích cực từ phía khán giả yêu nghệ thuật chân chính, cũng như sự quan tâm của dư luận xã hội và báo giới.

Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội "mở cửa" cho các tác phẩm sân khấu chất lượng nghệ thuật cao. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế

Lần đầu tiên Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, phục vụ 62 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành Du lịch, khẳng định vị thế và sự đóng góp của toàn ngành đối với phát triển kinh tế, xã hội.

Lượng khách quốc tế đến Việt nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay: Tổng số khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong 1 năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015).

Chuyến bay đưa vị khách quốc tế thứ 10 triệu tới Việt Nam. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Chuyến bay đưa vị khách quốc tế thứ 10 triệu tới Việt Nam. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bộ Chính trị họp và nhất trí ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao xây dựng đề án “Phát triển ngành du lịch Việt nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn,” báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo.

Đề án đã được xây dựng trên cơ sở quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch Bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tại nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn.

Thu hồi hạng sao 36 khách sạn từ 3 đến 5 sao

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai chiến dịch “Thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam.”

Theo đó, Bộ đã tổng kiểm tra, rà soát và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú tại 25 tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm và ra quyết định thu hồi hạng sao đối với 36 khách sạn từ 3-5 sao.

Chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và những người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Từ đó tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, giáo dục ý thức ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện tại các cơ sở lưu trú.

Chiến dịch thay đôi hình ảnh du lịch Việt Nam bắt đầu từ việc tổng kiểm tra, rà soát, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Chiến dịch thay đôi hình ảnh du lịch Việt Nam bắt đầu từ việc tổng kiểm tra, rà soát, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Hoàng Xuân Vinh lập kỷ lục tại Olympic Rio 2016

Lần đầu tiên Thể thao Việt Nam đoạt 1huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, thiết lập kỷ lục tại Olympic Rio 2016 qua thành tích thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử 70 năm qua. Hoàng Xân Vinh cũng đi vào lịch sử lần này. Thành tích của anh đã giúp cho thể thao Việt Nam lần đầu tiên có được vị trí 48/206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Thế vận hội.

"Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có trường bắn hiện đại, để cho người dân có thể vào tập luyện," xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chia sẻ. (Nguồn: TTXVN)

Lê Văn Công phá kỷ lục tại Paralympic

Lần đầu tiên Thể thao Việt Nam đoạt 1 huy chương Vàng, phá kỷ lục Paralympic, phá kỷ lục thế giới ở mức tạ 183kg, do vận động viên Lê Văn Công mang lại.

Đây là huy chương Vàng đầu tiên của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại đấu trường thể thao người khuyết tật thế giới, kể từ khi hòa nhập với cộng đồng thể thao người khuyết tật quốc tế từ năm 2000 đến nay.

Đặc biệt, tấm huy chương Vàng này được xem là biểu tượng cho ý chí, nghị lực phi thường của con người Việt Nam luôn vươn lên chiến thắng số phận.

U19 Quốc gia lọt chung kết FIFA U20 World Cup

Đội tuyển bóng đá U19 Quốc gia giành vé tham dự vòng chung kết FIFA U20 World Cup.

Tại vòng chung kết U19 châu Á 2016, U19 Việt Nam nằm ở bảng B cùng các đội được đánh giá rất mạnh gồm U19 Công hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, U19 UAE và U19 Iraq.

Dù bị xem là đội “lót đường” nhưng ngay ở trận ra quân, U19 Việt Nam đã tạo cơn địa chấn khi đánh bại đội đương kim Á quân U19 châu Á, U19 Triều Tiên với tỷ số 2-1. Và U19 Việt Nam cũng cầm hòa được U19 Iraq với tỷ số 0-0.

Kết thúc trận bán kết, đội tuyển mặc dù giành hạng 3 của vòng chung kết U19 châu Á, nhưng được đánh giá là bất ngờ thú vị của bóng đá châu Á.

Ngay cả Tổng thư ký ban tổ chức FIFA U20 World Cup 2017 cũng đã thay mặt ban tổ chức FIFA U20 World Cup 2017 gửi lời chúc mừng và bày tỏ khâm phục nỗ lực cũng như tính thần thi đấu tuyệt vời của đội tuyển U19 Việt Nam tại vòng chung kết U19 châu Á 2016.

U19 Việt Nam lần đầu giành vé dự World Cup sau khi đánh bại U19 Bahrain. (Nguồn: AFC)
U19 Việt Nam lần đầu giành vé dự World Cup sau khi đánh bại U19 Bahrain. (Nguồn: AFC)

"Cô gái vàng" Nguyễn Thị Ánh Viên lập kỳ tích

Năm 2016 tiếp tục ghi dấu ấn về sự tiến bộ thành tích chuyên môn của bơi lội Việt Nam, nhờ vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu xuất sắc giành huy chương Vàng và phá kỷ lục tại Giải vô địch Bơi châu Á, nội dung 400m hỗn hợp, với thành tích 4 phút 37 giây (4’37’’71), và 3 huy chương đồng ở nội dung 200m tự do, 200m cá nhân hỗn hợp và 800m tự do.

Đây là thành tích xuất sắc nhất của Bơi lội Việt Nam từ trước tới nay. Và Ánh Viên cũng đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách là vận động viên đầu tiên đoạt huy chương Vàng bơi châu Á.

Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên trên đường bơi. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên trên đường bơi. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh