Lễ hội Hoa ban của người Thái

01:11, 18/11/2016

Hàng năm, vào mùa hoa ban nở rộ, người Thái ở Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ (Sơn La) tổ chức Lễ hội Hoa ban để tưởng nhớ tới hai cô gái (Hai nàng), là những phụ nữ đảm đang và tinh khiết như hoa ban rừng được dân tộc Thái tôn thờ như "hai bà chúa".

Hàng năm, vào mùa hoa ban nở rộ, người Thái ở Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ (Sơn La) tổ chức Lễ hội Hoa ban để tưởng nhớ tới hai cô gái (Hai nàng), là những phụ nữ đảm đang và tinh khiết như hoa ban rừng được dân tộc Thái tôn thờ như “hai bà chúa”.

Dân bản dâng lễ vật, cầu xin Hai nàng phù hộ sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, lúa ngô đầy bồ.

Thầy mo và dân bản rước Hai nàng về nhập đền thờ.
Thầy mo và dân bản rước Hai nàng về nhập đền thờ.

Chuyện xưa kể rằng, có một gia đình sinh được hai người con gái, chẳng may người bố bị bệnh mất sớm. Gia đình gặp khó khăn, mẹ phải vào rừng hái lượm để nuôi hai con. Hai nàng khôn lớn, ngày càng xinh đẹp, nết na, tài sắc và chăm chỉ khéo léo trong trồng bông dệt vải, thêu thùa. 

Dân bản ai cũng yêu quý Hai nàng. Một hôm chị cả tắm ở suối, vua đi qua thấy đẹp, yêu mến, muốn đưa về cung, nhưng nàng không đồng ý và đằm mình xuống dòng suối tự vẫn. Cô em bị tạo bản ép về làm vợ lẽ, không đồng ý nên nàng bỏ vào rừng nơi chôn cất người chị khóc thảm thiết. 

Nàng kiệt sức chết và biến thành cây Ban. Người dân thương tiếc và cảm phục những đức tính tốt đẹp của Hai nàng nên góp công sức xây đền thờ để thờ cúng.

Nghi lễ cúng Hai nàng xong, dân bản cùng vui chung bên ché rượu cần.
Nghi lễ cúng Hai nàng xong, dân bản cùng vui chung bên ché rượu cần.

Tiết trời ấm áp, già làng, thầy mo, cùng với các vị chức sắc trong bản chọn ngày, giờ tốt để tổ chức Lễ hội Hoa ban. Chuẩn bị xong lễ vật và các thủ tục cần thiết dâng lên đền. 

Thầy mo mặc trang phục truyền thống, đầu đội khăn xếp dẫn đầu, tiếp theo là 9 thiếu nữ trong trang phục váy cóm, quàng khăn piêu rước Hai nàng. Đến cửa đền, đặt Hai nàng xuống, thầy mo nói với dân bản: “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, người dân Chiềng Khoa làm lễ cúng mời các thần linh về phù hộ và chứng kiến lòng thành của dân làng Chiềng Khoa”.

Trai, gái trổ tài trò chơi tó mák lẹ .
Trai, gái trổ tài trò chơi tó mák lẹ .

Thầy mo kiểm tra các mâm lễ vật xong, rồi thực hiện lễ cúng: “Mời các thần linh/ Thần cao thần thấp/ Các thần linh thiêng/ Mời thần núi hai bên/ Thần thác trên thác dưới/ Thần núi trước núi sau/ Thần bản trên bản dưới/ Mời các thần về ngồi mâm trên/ Mời các thần ăn cỗ/ Mời các thần uống rượu/ Mời ăn thịt trâu đen/ Ăn thịt vịt béo/ Ăn rồi phù hộ cho dân bản Chiềng Khoa/ Làm việc gì được việc đấy/ Bản mường ngày giàu hơn/ Chăn nuôi không bị dịch/ Bản mường xin cảm tạ các vị thần linh”.

Thực hiện nghi lễ cúng xong, thầy mo mời dân bản vào uống rượu cần và gửi tới nhau lời chúc tốt lành. Nam thanh, nữ tú tham gia chơi các trò chơi dân tộc truyền thống (tó mask lẹ, đẩy gậy, kéo co, bắt cá, ném còn). 

Người chơi thi nhau tranh tài quyết liệt, để phân bua ai thắng được thưởng... Tiếng trống, chiêng vang lên, già trẻ, gái trai cầm tay nhau bước theo nhịp xòe hoa và cất theo giọng hát “inh lả ơi”.

Lễ hội Hoa ban được truyền từ đời này sang đời khác, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Phần lễ cảm tạ tổ tiên và “Hai bà chúa”, các thần linh đã phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ngày càng phát triển. 

Phần hội diễn ra vui vẻ, khẳng định tình đoàn kết, tính sáng tạo trong lao động sản xuất của dân bản Chiềng Khoa.

Theo Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh