Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng nước ta, quần chúng cả nước hừng hực khí thế cách mạng, phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân ta được thổi bùng lên bởi luồng sinh khí mới.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng nước ta, quần chúng cả nước hừng hực khí thế cách mạng, phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân ta được thổi bùng lên bởi luồng sinh khí mới.
Cao trào cách mạng những năm 1930- 1931- mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh- đã giáng những đòn chí tử vào bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến. Tiếp đến, từ cao trào dân chủ 1936- 1939, Đảng ta đã đưa cả dân tộc vào cao trào cứu nước 1939- 1945.
Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước biến đổi mau chóng, một cao trào cách mạng mới dâng lên chưa từng có trong cả nước.
Tiếp sau cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940) là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, báo hiệu một thời kỳ toàn dân nổi dậy cầm vũ khí đánh đổ bọn cướp nước và bán nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Cũng như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra là sáng kiến của tổ chức Đảng và đồng bào địa phương.
Phạm vi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ rộng hơn nhiều cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh. Theo kế hoạch của Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, các tỉnh ở Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân.
Nhưng thực tế, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở các tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên… Kế hoạch bị lộ, nên địch đã ngăn cản cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Sài Gòn.
Trong cuộc đụng đầu với nhà cầm quyền thực dân Pháp, nhân dân ta đã chiến đấu hết sức anh dũng. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị địch phát hiện khi nó chưa bắt đầu.
Thực dân Pháp đàn áp rất dã man. Hy sinh của đồng bào và chiến sĩ ta rất to lớn. Theo thông báo chính trị của Thống đốc Nam Kỳ, số 73-CP, tháng 12/1940, thì số người bị chúng bắt từ ngày 23/11 đến hết tháng 12/1940 như sau: khu liên tỉnh Gia Định 903 người; khu liên tỉnh Mỹ Tho 2.901 người; khu liên tỉnh Cần Thơ 1.729 người.
Đó là chưa kể số người bị chúng bắt sau khi quân khởi nghĩa đánh chiếm Hòn Khoai (Bạc Liêu)… Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu. Nhiều làng mạc bị địch ném bom, nhà cửa bị đốt phá. Phần lớn các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy nhiều tỉnh bị bắt và hy sinh.
Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí lãnh đạo khác bị địch xử bắn.
Thời cơ và lực lượng chưa hội đủ, nên cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại.
Trước tình hình đó, lực lượng nghĩa quân còn lại rút về khu Trương Mít ở Thủ Dầu Một và Bình Hòa nằm trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố, tập hợp lực lượng và chờ thời cơ mới.
Cũng như sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp không đè bẹp được tinh thần yêu nước của nhân dân ta, càng không thể ngăn cản được những cuộc bùng nổ cách mạng diễn ra mãnh liệt hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào ta quyết nối gót người xưa, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích. Việc lớn chưa thành, không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”.
Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công, nhưng Đảng ta đã rút ra nhiều bài học quý vì đó là một cuộc diễn tập đấu tranh vũ trang giành chính quyền, thiết thực góp phần cho quá trình chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (1941) khẳng định thời cơ giải phóng dân tộc sẽ đến khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai do chủ nghĩa phát xít quốc tế gây ra thất bại và quyết định chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, với bài học kinh nghiệm về chuẩn bị lực lượng cách mạng, nắm vững thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng ta từng bước được tôi luyện, trưởng thành về nhiều mặt trong đấu tranh vũ trang giành chính quyền.
Nhờ vậy, chưa đầy 5 năm sau thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ, Sài Gòn- Gia Định và Nam Bộ đã cùng cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa, lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra trên mảnh đất anh hùng của cuộc khởi nghĩa Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, và cũng chính trên mảnh đất này lại mở đầu 2 cuộc kháng chiến thần thánh và trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những cuộc đồng khởi đầu những năm 1960, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến anh dũng bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đất nước ta từ thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu đang bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chủ nghĩa yêu nước gắn quyện với chủ nghĩa anh hùng cách mạng là di sản tinh thần vô cùng quý báu mà cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại cho các thế hệ mai sau.
Nếu cuộc Khởi nghĩa Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng thứ nhất thì cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là đỉnh cao của cao trào cách mạng thứ hai, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng nước ta.
Nguyễn Xuyến (Thừa Thiên- Huế)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin