"Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha, ngân nga em vẫn hát, tích tịch tình tang, tích tịch tình tang...".
“Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha, ngân nga em vẫn hát, tích tịch tình tang, tích tịch tình tang...”.
Tự bao giờ, những thanh âm trầm bổng của tiếng đàn bầu đã hòa lẫn theo tiếng mẹ ru ầu ơ. Từ thuở nằm nôi thì với đa phần người Việt đều quen thuộc với những thanh âm trong trẻo và mát lành ấy. Và cứ thế, theo thời gian, tiếng đàn bầu đã đi vào đời sống văn hóa, gắn liền với tâm tư tình cảm của người dân Việt bao thế hệ.
Thế nhưng hiện nay đàn bầu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “xâm hại chủ quyền”. Đó cũng chính là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại hội thảo khoa học “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” do Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức vừa qua.
Trong đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc, gợi mở vấn đề: “Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu Việt Nam được đánh giá rất đặc sắc, độc đáo bởi đây là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ; có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam”.
Tiết học đàn bầu của sinh viên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. |
Trao đổi với PV Báo CAND, NSƯT Toàn Thắng chia sẻ, đàn bầu của Việt Nam là điều không thể phủ nhận được, trong cuốn “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đã dẫn ra một đoạn trong “Sử giao tập” của Trần Cương người Trung Quốc, theo đó nhiều học giả cho rằng những nhạc cụ dây như tì bà, tranh, bầu xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng thế kỷ XIII.
Ngoài ra, trong cuốn sách “Cây đàn bầu, những âm thanh kỳ diệu”, tác giả Phạm Phúc Minh cho rằng đàn bầu ra đời ở khoảng thế kỷ IX – X. Nhiều học giả dẫn theo Đại Nam thực lục còn chỉ rõ cụ thể là đàn bầu được chế tạo vào năm 1770.
Miền Bắc trước có quả bầu nậm, ngày xưa các cụ hay sử dụng vỏ quả bầu nậm làm đàn nên có tên gọi là đàn bầu, trên vùng Hòa Bình có 1 dân tộc có cây đàn sáng lợn. Đàn bầu còn có tên gọi là “độc huyền cầm”, là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng, đàn bầu chia hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.
Đàn bầu có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Đàn bầu không chỉ được người Việt Nam ưa thích mà còn được nhiều khán-thính giả trên thế giới hâm mộ. Có mặt trong hầu hết các loại hình âm nhạc dân gian Việt Nam như: hát xẩm, tuồng, chèo, cải lương, hát trống quân…
Thế nhưng, gần đây đã xuất hiện một số hoạt động của nước ngoài có dấu hiệu xâm hại "chủ quyền" đàn bầu của Việt Nam.
Tại hội thảo, các GS.TS đã đưa ra nhiều dẫn chứng như việc học giả Tôn Tiến người Trung Quốc nghiên cứu sâu về đàn bầu với luận văn cao học năm 2009 về “Đàn bầu với việc giảng dạy tại Trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc” và bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2015 về “Nghệ thuật đàn bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam”.
Thậm chí trong những năm gần đây, đàn bầu đã xuất hiện trong những festival nhạc dân tộc ở Trung Quốc. Hiện ở Học viện Quảng Tây, Trung Quốc có hẳn một khoa giảng dạy về đàn bầu.
NSƯT Toàn Thắng cho biết, nên đệ trình UNESCO để được công nhận đàn bầu là di sản phi vật thể của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nước ta cũng nên phổ cập cho toàn dân về đàn bầu thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, đưa vào trường học mở các lớp dạy về đàn bầu để bảo tồn di sản này. Đàn bầu cũng như tất cả các thể loại nhạc cụ khác cũng tồn tại một số nhược điểm.
Vì vậy chúng ta phải tự mình tìm cách khắc phục, mở rộng kỹ thuật để cho đàn bầu Việt Nam hoàn thiện hơn. Còn một khó khăn nữa đối với những nghệ sĩ cũng như sinh viên học chuyên ngành đàn bầu ở khu vực phía Nam đó chính là việc thi đầu vào đã rất ít sinh viên, cả Nhạc viện TP Hồ Chí Minh chưa có đến 10 sinh viên theo học.
Tuy nhiên đầu ra lại rất lãng phí. Lãng phí ở đây chính là việc các em ra trường không tìm được một nơi chuyên nghiệp để thể hiện và sống với nghề.
Đa phần các em đều phải biểu diễn tại các nhà hàng. Vì vậy việc quan tâm hơn đến công tác giáo dục về chuyên ngành đàn bầu cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì và bảo vệ âm nhạc dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Em Vũ Văn Cảnh, sinh viên năm 4 khoa âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh chia sẻ, không những em mà đa phần các sinh viên khác trong nhạc viện những ngày qua đều cảm thấy rất lo lắng cho đàn bầu của Việt Nam.
Em mong nước ta, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, những người làm công tác văn hóa sẽ nhanh chóng giúp đàn bầu Việt Nam được UNESCO công nhận.
Về bản thân, em suy nghĩ sẽ cố gắng học tốt và sau này sẽ đi tới các trường học để tuyên truyền về lịch sử đàn bầu Việt Nam.
“Tiếng đàn bầu Việt Nam, ngân tiếng vàng trong sáng, ôi cung thanh cung trầm, ru lòng người sâu thẳm, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh!”.
Những câu thơ của nhà thơ Lữ Giang đã nói hộ lòng người Việt dành cho đàn bầu. Đàn bầu ngày xưa, ngày nay và mai sau vẫn mãi mãi là đàn bầu của người Việt vì nó đã là một phần chính kết nối tâm hồn người Việt tự bao đời.
Theo CAND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin