Ngày 3/11, Hội sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, do Hội Sinh vật cảnh Việt Nam chứng nhận.
Ngày 3/11, Hội sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, do Hội Sinh vật cảnh Việt Nam chứng nhận.
Cây sao ở chùa Cũ (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ- Tam Bình). |
Có 10 cây, cụm cây được chứng nhận gồm: Cây sao tại chùa Cũ (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ- Tam Bình), cây bằng lăng tại UBND xã Mỹ Lộc (Tam Bình), cụm cây sao (26 cây) tại Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long), cây đa cửa Hữu thành Long Hồ (Phường 1- TP Vĩnh Long), cụm cây dầu, cụm cây sao, cụm cây me, cụm cây bồ đề, cụm cây cọ, cây còng tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Long được đón 10 bằng công nhận cho các loại cây, cụm cây văn hóa di tích lịch sử của tỉnh nhà. Đây cũng là niềm vinh dự lớn cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung khi lần đầu tiên ở một địa phương có nhiều cây và cụm cây được công nhận.
Theo quy chế xét công nhận cây di sản Việt Nam của chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, để được công nhận, tiêu chí đầu tiên cây đó phải là cây cổ thụ, lâu năm, tiếp theo là tiêu chí về lịch sử văn hóa, cây đó được trồng hoặc mọc lên tại khu di tích mang nhiều đặc trưng về lịch sử về văn hóa, đặc biệt là văn hóa cách mạng.
So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước có cây, cụm cây được công nhận cây di tích lịch sử văn hóa đợt này thì tỉnh Vĩnh Long ngoài yếu tố cây cổ thụ, các cụm cây như cụm cây ở Bảo tàng tỉnh, cụm cây sao ở khu di tích Văn Thánh miếu, cây đa ở di tích cửa Hữu thành Long Hồ, cây sao ở chùa Ba Phố, cây bằng lăng ở xã Mỹ Lộc- Tam Bình đều gắn với những sự kiện văn hóa lịch sử cách mạng tại địa phương.
Cây bằng lăng ở UBND xã Mỹ Lộc có tuổi thọ hơn 250 năm tuổi. |
Việc các cụm cây được Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhân đã tạo sự phấn khởi của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương cùng với quyết tâm gìn giữ, bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.
Trong số cây, cụm cây được công nhận, cây sao ở chùa Cũ (còn có tên khoa học là Hopea odarata) có tuổi thọ cao nhất. Cây có tuổi thọ 416 năm, chiều cao 55 mét, đường kính gốc trên 2 mét, độ phủ tán hơn 500m2.
Trãi qua hơn 4 thế kỷ, cây sao này đã cùng với bà con 2 dân tộc Kinh- Khmer quây quần sinh sống và chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử.
Ngoài việc tô điểm cho vẻ uy nghiêm của ngôi chùa cổ, cây sao và ngôi chùa còn là điểm hẹn liên lạc cất giấu tài liệu, chở che cán bộ cách mạng, cạnh gốc sao còn có di tích hầm bí mật bảo vệ nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng của địa phương.
Cây bằng lăng ở UBND xã Mỹ Lộc có tuổi thọ hơn 250 năm tuổi, có chiều cao hơn 8 mét, đường kính gốc hơn 1 mét.
Do cây cổ thụ lâu năm nên thân cây sần sùi thể hiện nét thời gian rõ nét, khoảng giữa thân cây được tách ra thành nhiều ngọn với đường kính tán cây khoảng 8 mét.
Trong 2 cuộc kháng chiến, nhất là thời kỳ chống Mỹ, du kích thường dựa vào gốc cây bằng lăng này để chống càn bắn giặc, hạn chế địch càn quét. Trên thân cây vẫn còn những vết tích trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt.
Cụm cây sao ở Văn Thánh miếu (Phường 4, TP Vĩnh Long). |
Cụm cây ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã từng chứng kiến nhiều diễn biến qua quá trình chống Pháp chống Mỹ. Ngày giải phóng miền Nam chính cụm cây này đã chứng kiến cảnh bàn giao chính quyền lại cho cách mạng để giải phóng Vĩnh Long.
Anh Nguyễn Văn Nhanh- cán bộ Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long: “Công tác tại sở 36 năm, về Bảo tàng thì các cây này đã có từ lâu, sau khi được Hội Sinh vật cảnh Vĩnh Long triển khai tôi lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích, hôm nay được công nhận các cây di tích, bản thân rất tự hào.
Mong rằng mọi người đều gìn giữ làm sao để thế hệ mai sau hiểu về môi trường xanh, sạch, đẹp và những cây cổ thụ được công nhận di sản”.
Chị Nguyễn Thị Đào- Phó chủ tịch UBND Phường 1- TP Vĩnh Long vui vẻ bày tỏ cảm xúc về cây đa cửa Hữu: “Tôi làm ở đây cũng khoảng 14 năm, cây đa này vẫn vậy, cứ đứng sững sững che mát cho cả khu vực UBND phường.
Hôm nay được trung ương công nhận, về góc độ địa phương rất vui mừng phấn khởi, bản thân làm bên văn hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động bà con để giữ gìn và bảo quản cây di tích mình ngày càng đẹp hơn”.
Ông Nguyễn Văn Mẫn- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long cho biết về công tác bảo tồn: “Sau đợt mình đón các bằng công nhận này rồi tôi sẽ lập tờ trình UBND tỉnh để có quy chế, kinh phí cho bảo vệ, chăm sóc về lâu dài để cho cây được đứng bền vững tiếp tục trong lương lai xa và sẽ là chứng cứ lịch sử để lưu truyền mãi mãi và để giáo giục các thế hệ mai sau về lịch sử dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của ông cha”.
Đúng vậy, việc các cây, cụm cây được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận cây di tích lịch sử văn hóa lần này vừa là niềm vui, cũng vừa là trách nhiệm để tỉnh Vĩnh Long quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc, bảo tồn cây xanh trên địa bàn, qua đó cũng thực hiện tốt hơn công tác gìn giữ bảo vệ môi trường vì cuộc sống xanh, sạch và văn minh.
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin