Dân Nam Bộ rất lạc quan trong chiến đấu, loại máy bay nào của địch họ cũng đặt cho một cái tên nghe rất buồn cười, tùy theo hình dáng của nó để phân biệt.
Trực thăng “cán gáo” CH 6 Cayuse. |
Dân Nam Bộ rất lạc quan trong chiến đấu, loại máy bay nào của địch họ cũng đặt cho một cái tên nghe rất buồn cười, tùy theo hình dáng của nó để phân biệt.
Như các loại vận tải bay rè rè như Dakota, Caribou… thì họ gọi là loại máy bay “chở nước tương”, còn thằng có 2 thân như OV 10 bay ù ù chụp ảnh lụp bụp phục vụ cho bọn đánh bom tọa độ vào ban đêm mà bà con hay gọi là “bỏ bom lén” thì họ rất ghét nên gọi là máy bay “chuồng heo”, thậm chí là “cầu tiêu”.
Nhóm máy bay trực thăng cũng không ngoại lệ, ngoài thằng “bồ nóc” thân tròn óc nóc chuyên dùng đổ quân, còn có thằng “đầu láng” giống y vậy nhưng cái mũi của nó sáng bóng thì đó là thằng để chở bọn chỉ huy, đặc biệt cặp bài trùng một thời gây ấn tượng với nhiều người là thằng “cán gáo” đi cặp kè với thằng “cá lẹp” thì có nhiều chuyện để kể hơn…
Ở tỉnh Vĩnh Long, thằng “cá lẹp” xuất hiện trước kể từ sau Tết Mậu Thân 1968, nó chính là loại máy bay lên thằng chiến đấu chủ lực của Mỹ AH- 1 hay UH- 1 Cobra mà chúng đặt tên là “Hổ mang chúa”.
Đây là một trong 10 loại trực thăng chiến đấu được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới thời đó, cấu tạo mình của nó không tròn dài như rắn mà dẹp lép như cá lẹp nên bị đặt cho cái tên không như chủ nhân của nó mong muốn.
Còn thằng “cán gáo” khi bay trên trời thì rõ ràng chẳng khác gì cái gáo dừa dùng múc nước của bà con ta. Loại trực thăng này xuất hiện trên chiến trường đồng bằng sau thằng cá lẹp vài tháng gì đó, cái tên chính thức của nó là OH 6 Cayuse, địch còn gọi nó là “cái trứng bay”.
Thằng “cán gáo” hay “cái trứng bay” có tính năng rất đặc biệt: đang bay, nó có thể dừng tại chỗ rồi đột ngột bốc cao, nó có thể bay rất thấp luồn lách theo các địa hình. Có người nói rằng bên Mỹ người ta lợi dụng tính năng đó để dùng nó chăn bò, nhưng trong chiến tranh Việt Nam nó được giao nhiệm vụ trinh sát chiến trường luôn đi kè kè với thằng “cá lẹp” thành một cặp bài trùng.
Người trên chiếc “cán gáo” đầy đủ là 3 người, 2 người lái và người còn lại làm nhiệm vụ chiến đấu. Ở chiến trường đồng bằng, tên làm nhiệm vụ chiến đấu có vẻ như có cả kho lựu đạn trên máy bay, hễ thấy nơi nào khả nghi thì ném vào đấy một quả.
Thực tế thời ấy anh em ta chỉ dè chừng thằng “cán gáo” thôi, dù nó phát hiện công sự khá chính xác, mà trong cặp bài trùng này thì ngán thằng “cá lẹp” đi kèm. Khi “cán gáo” chỉ điểm bằng trái màu thì thằng “cá lẹp” sẽ phóng pháo xuống ngay đó, mà pháo của nó rất nguy hiểm, nắp hầm dày non một thước đất là khó chịu nổi.
Các lần đầu cặp bài trùng này xuất hiện đã gây nhiều lúng túng cho cán bộ, chiền sĩ ta trong đối phó và cũng gây cho ta không ít thiệt hại. Loại “cán gáo” bay rất thấp nên dễ phát hiện các công sự của ta- nhất là các công sự nổi.
Tại xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), gần chục cán bộ ta đã hy sinh trong một công sự nổi khi bị chúng phát hiện. Gặp những công sự kiên cố, chúng có thể dùng thuốc nổ mạnh để đánh cho sập, anh Minh Triết, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Hồ kể, lúc anh còn là cán bộ thuộc Tiểu ban Tuyên truyền (Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long), có lần nhóm của anh bị bọn này vây đánh trong một công sự nổi.
Nó ném lựu đạn nổ tan nát các cây nga trồng nghi trang cho công sự nhưng không làm ai sợ. Khi chúng bỏ đi thì họ mới phát hiện có một thùng thuốc nổ trên nắp công sự này. Tuy nó đã bị tịt ngòi nhưng lúc đó ai thấy nó và nhớ lại mới… lạnh sống lưng!
Không ít chuyện được thêu dệt quanh thằng “cán gáo”, nào là nó sà xuống giữa đồng bắt người hay xét… căn cước, kể cả mấy chuyện tiếu lâm là nó thảy bồ cào vào các bụi cây rậm để móc… người ra!
Nhưng bao giờ cũng thế, “cái khó ló cái khôn” với quá trình dày dạn chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ ta, nhiều cách đánh “cán gáo” đầy sáng tạo nghe ra rất buồn cười và địch cũng không ngờ tới nhưng vô cùng hiệu quả.
Chẳng hạn như: tạo một công sự nửa kín nửa hở với một thằng bù nhìn rơm mặc áo đàng hoàng lấp ló ở miệng công sự, “cán gáo” tưởng người thật sà xuống là lãnh ngay một loạt đạn do anh em phục kích gần đó hay lãnh ngay một quả mìn định hướng khó mà thoát thân, mà có thoát được thì nói theo cách nói của dân gian là sẽ “tởn tới già”.
Từ đó, chiến thuật nói trên của cặp bài trùng này hoành hành không lâu- chắc chỉ vài tháng gì đó- nhất là khi thằng “cá lẹp” đổi loại pháo bắn khi thằng “cán gáo” chỉ điểm, từ loại pháo có sức công phá mạnh bằng loại pháo đinh gây sát thương nhiều.
Loại này khi khai hỏa trên máy bay có xịt khói màu tím, nhưng đinh của nó dù có nhiều bao nhiêu thì ai cũng “cóc” sợ khi đã vào được công sự.
Một số thằng “cán gáo” đã bị hạ, kinh nghiệm hạ “cán gáo” được phổ biến khắp nơi, trên một kỳ xuất bản tờ tạp chí văn nghệ “Lửa Hồng” của tỉnh Trà Vinh cũng có đăng bài tường thuật một vụ tiêu diệt trực thăng “cán gáo”. Người viết bài này còn khẳng định thằng “cán gáo” chịu đạn… dở ẹt, bởi vỏ bọc thân của nó mềm xèo dao găm đâm còn lủng nói chi là đạn của súng…
Thế là ở nhiều vùng, khi cặp bài trùng này xuất hiện- trừ những trường hợp muốn “ém quân” thì ở các trường hợp khác, anh em du kích thường hăm hở săn “cán gáo”, đạn nổ chi chát khắp nơi, người có súng ngắn cũng bắn nên thằng “cán gáo” chẳng dám bay thấp mà tâng lên cao.
Thế là nhiệm vụ trinh sát chiến trường của nó chẳng là gì khiến thằng “cá lẹp” bị vạ lây. Chiến thuật này bị ta làm cho vô hiệu nên bọn lãnh đạo quân sự chóp bu Mỹ đã mau mắn dẹp bỏ. Từ đó, ở đồng bằng ít ai được thấy thằng “cán gáo”, có người lại đồn rằng chúng đã đưa nó về Mỹ để… chăn bò (?).
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin