Múa bóng hay múa bóng rỗi là hệ thống của giá trị tinh thần, là di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần của con người sáng tạo.
Múa bóng hay múa bóng rỗi là hệ thống của giá trị tinh thần, là di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần của con người sáng tạo.
Nghi thức múa mâm. Nguồn: Bảo tàng Vĩnh Long |
Nghệ thuật diễn xướng này đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước thường nhấn mạnh cái thiêng trong múa như các tác giả: Cuisinier, Maria Gabriele- Wosien,… hay tạp chí “Người đưa tin UNESCO” lấy tên là “Múa- ngọn lửa thiêng”; còn với Lambersy: “Nhảy múa không chỉ là biểu hiện của lòng khao khát được thoát ra khỏi kiềm chế của các quy luật trọng lực, mà hơn thế nữa, là biểu hiện của ước vọng được hòa mình vào với sự hài hòa của vũ trụ”.
Bản chất của tín ngưỡng, tôn giáo là niềm tin vào cái thiêng liêng, các điệu múa là múa thiêng. Múa trong không gian thiêng của nghi lễ, cho nên nó phải mang tính định chế và bắt buộc.
Để giúp cho người đọc có cách nhìn rõ về đối tượng của chủ thể thì có rất nhiều cách phân loại. Tuy nhiên, ở đây tôi căn cứ vào cách phân loại của Ngô Đức Thịnh, từ đó phân chia múa trong tín ngưỡng, tôn giáo có 2 loại là múa trước thần linh và múa của thần linh.
Từ đó, múa bóng hay múa bóng rỗi là loại múa trước thần linh hay múa dâng thần linh. Tức là loại múa không phải của thần linh, có thể do thầy cúng, những người tham dự thực hiện,…
Thông qua các điệu múa với quan niệm là dâng lễ vật, cầu xin, tạ ơn với thần linh mà đối tượng cụ thể là Bà…
Do đặc điểm của Nam Bộ là trong những vùng đất nông nghiệp ở Việt Nam và đời sống của cư dân gắn liền với nghề nông. Những công việc đồng áng luôn gắn bó với người phụ nữ đồng thời họ có một vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình.
Trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là một trong những loại hình có từ lâu đời tồn tại trong lòng của cư dân nông nghiệp.
Các buổi lễ cúng Mẫu luôn mang đậm các yếu tố giao lưu, tích hợp văn hóa của nhiều tộc người ở Nam Bộ đồng thời các nghi thức luôn phản ánh được nét đẹp trong văn hóa của người Việt dưới các hình thức giao lưu và tiếp biến.
Nguồn gốc múa bóng rỗi
Múa bóng rỗi được các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một loại diễn xướng dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng trong các lễ cúng Bà của người Việt ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ cùng với người Chăm.
Loại hình này có nguồn gốc từ múa Pajao Chăm trong lễ thờ nữ thần Mẹ xứ sở- Po Inư Nagar.
Với điểm xuất phát đó, cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu hay thờ Bà trong quá trình vào Nam và theo quy luật chung của giao lưu văn hóa đã hình thành nên sắc thái múa bóng rỗi của địa phương.
Hiện nay ở các tỉnh- thành Nam Bộ đều có loại hình diễn xướng bóng rỗi và được xem như một nghề chuyên nghiệp và được thể hiện dưới các yếu tố như: chủ thể sáng tạo, truyền dạy, gìn giữ và diễn xướng được đào tạo cơ bản từ 10 tuổi trở lên; nghề có ông tổ; nghiệp mưu sinh.
Đồng thời, có địa phương đã hình thành nên xóm Bóng như ở Nha Trang:
“Ai về xóm Bóng thăm nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?”
Trong diễn xướng thì yếu tố tạo nên đạo cụ hỗ trợ rất quan trọng, vì đòi hỏi người hành nghề phải có kinh nghiệm và kỹ năng để cắt dán mâm vàng, mâm bạc hay mâm ngũ sắc; mâm có hình tháp 3 tầng tượng trưng cho Thiên- Địa- Nhân.
Trong đó mâm ngũ sắc dâng lên Bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ); mâm vàng dâng lên Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc; mâm bạc dâng lên Quan Thánh Đế Quân.
Nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi
Múa bóng: Đây là hệ thống các điệu múa được kết hợp với âm nhạc, bao gồm: Múa dâng bông hay còn gọi là dâng hoa cho thần linh.
Nghệ nhân mang bình hoa hay chén hoa trên tay hoặc đặt trên đầu vững chắc với lòng tôn kính, kết hợp với các động tác đứng, nằm, ngồi tiến dần vào vị trí thờ Bà và múa liên tục 3 lần nên được gọi là tam chập.
Tuy nhiên, ở các nơi khác nhau về nội hàm của nghi lễ thì giống nhau nhưng cách thức múa của từng nghệ nhân có thể khác nhau.
Múa dâng mâm là điệu múa tiêu biểu mang yếu tố tạp kỹ. Cho nên nghệ nhân phải vững tay nghề như là phải sử dụng tay, đầu và toàn thân cùng với động tác lật mâm, chuyền mâm, tung mâm, bêu mâm. Ý nghĩa của điệu múa này là dâng tháp cho thần linh (Bà):
“Lạy linh Bà ngự chốn miếu trung
Cho nữ xứ đáo lai hiến võ”.
Khi múa hoàn tất các động tác thì nghệ nhân quỳ trước bàn thờ cho người chủ lễ tại nơi diễn đốt tháp trên mâm đến khi cháy hết.
Bên cạnh 2 điệu múa chính thì còn các điệu múa tạp kỹ khác như: dâng lộc, múa hoa huệ, múa dù, múa lu, múa ghế đẩu, múa dao phay, múa rót rượu,…
Đây là những điệu múa mà các nghệ nhân chủ yếu phục vụ cho công chúng nhằm làm phong phú thêm cho nghi lễ cúng Bà.
Các điệu múa này đòi hỏi người diễn phải đáp ứng các yếu tố về sức mạnh và sự khéo léo. Có thể thấy rằng các điệu múa mang tính tạp kỹ xuất phát từ nghi lễ được dân gian hóa dần thành xiếc hóa để xâm nhập vào đời sống văn hóa công chúng.
Hát rỗi: Đây là lối hát phục vụ nghi lễ trong tín ngưỡng thờ cúng Bà (Mẫu). Nội dung chính là ca ngợi các vị thần linh, mời gọi, thông báo cho các vị về chứng giám và cầu xin những điều tốt đẹp cho mọi người:
“Bà Kim sanh bạc, hóa vàng
Bà Thủy sanh nước dẫy đầy biển khơi
Bà Hỏa sanh ngọn lửa hồng
Bà Thổ sanh đất đầy đồng nơi đây
Bà Mộc sanh cội hóa cây
Năm Bà năm phép tới đây hợp cùng”.
(Bài Chầu Năm Bà- người hát Bóng Ba- 76 tuổi, Quận 10- TP Hồ Chí Minh)
Bên cạnh đó, các bài rỗi còn ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, hiện tượng của cuộc sống, sự giàu sang,…
Tính ngẫu hứng, sự linh hoạt và uyển chuyển trong các bài hát rỗi của người dân Nam Bộ cho ta thấy sự phong phú và đa dạng trong tâm hồn, cũng như một niềm tin tất yếu vào tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trong hát rỗi phải có sự kết hợp hài hòa với âm nhạc làm nền và trống tổ giữ nhịp, cùng các loại nhạc khác hỗ trợ như: trống chiến, đờn cò, đờn sến, đờn kìm, mõ, song loan, chập chõa, guitar, trong đó đờn cò là nhạc cụ chính của diễn xướng bóng rỗi.
Âm nhạc trong diễn xướng bóng rỗi mang đậm dấu ấn nhạc lễ truyền thống của Nam Bộ được sử dụng hơi như: Ai, Xuân, Đảo. Đây là một lối tư duy mở của người Nam Bộ.
Tiết tấu của âm nhạc sẽ thay đổi từ chậm đến nhanh rồi chậm lại và luôn thay đổi, không bao giờ cố định, nhiều nhịp điệu, nhiều hơi nhạc. Đây cũng là quan niệm về sự dung hòa quy luật giữa trời và đất, giữa âm và dương.
Diễn chập: Ngày nay, trong nghi lễ cúng Bà ở một số nơi, múa bóng rỗi đã tạo nên hình thức sân khấu hóa dân gian và được gọi là diễn chập. Đây cũng là một trong những kỹ năng ngoài hát rỗi và múa bóng truyền thống.
Nội dung các cốt chuyện của diễn chập luôn có sử tích gắn liền và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như: Địa- Nàng, Xang Nhựt nguyệt,...
Ở đây chập Địa- Nàng là lối diễn đối đáp, tung hứng giữa Địa và Nàng. Qua phong cách diễn chập chúng ta sẽ được chứng kiến tính ngẫu hứng nhưng rất khớp nhau giữa nghệ nhân biểu diễn và âm nhạc tạo nên sự phong phú và đa dạng trong hoạt động nghệ thuật của văn hóa dân gian.
Di sản văn hóa
Múa bóng rỗi là di sản văn hóa, là một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc, là một trong những giá trị văn hóa có sức sống trường tồn đã vượt qua sự thẩm định của thời gian để mang thông điệp của quá khứ về hiện tại.
Nghệ thuật múa bóng rỗi ở Nam Bộ đã gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân nông nghiệp. Đây là hoạt động văn hóa tiêu biểu thuộc loại hình diễn xướng dân gian, mang giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc trưng.
Nội hàm của diễn xướng bóng rỗi luôn mang hình thái phản ánh đời sống xã hội, đạo đức của cộng đồng, luân lý con người, sự hòa nhịp với thiên nhiên.
Đặc biệt ở đây là thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người, tính cố kết cộng đồng cùng phát triển mạnh mẽ để tiến đến xây dựng một xã hội phồn vinh.
Nghệ thuật múa bóng rỗi đã có thời điểm bị đánh đồng với mê tín dị đoan. Ngày nay đã được xã hội nhìn nhận đúng đắn và khoa học đồng thời nghệ thuật này đã và đang phát triển mạnh trong đời sống tinh thần của cư dân Nam Bộ.
Song song với việc phát triển loại hình diễn xướng này thì cũng cần phải quan tâm đến chất lượng hoạt động, tránh lạm dụng làm thay đổi giá trị nghệ thuật của dân gian đã tồn tại lâu đời.
HỒ VĂN MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin