Đêm trên sông Hậu đen thăm thẳm và sâu hun hút. Gió thổi phần phật lạnh thấu da thịt kèm theo những đám mưa bắt đầu rơi xuống mỗi lúc mỗi nặng hạt.
Đêm trên sông Hậu đen thăm thẳm và sâu hun hút. Gió thổi phần phật lạnh thấu da thịt kèm theo những đám mưa bắt đầu rơi xuống mỗi lúc mỗi nặng hạt.
Bão đang về ầm ập. Sóng đầu nguồn dâng cao va đập vào chiếc ghe nhỏ nhoi giữa sông rộng phát ra những tiếng kêu “huỳnh huỵch”.
Tiếng máy Kole 7 vẫn đều đều. Xa xa, những chiếc tàu tuần tiễu của Mỹ- ngụy thỉnh thoảng lại pha liên tục những ánh đèn sáng rực để tìm kiếm những tàu ghe có dấu hiệu bất thường.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Cũng là chuyện bình thường bởi sau Tết Mậu Thân, bọn chúng đã hoang mang cực độ khi nhận ra chuyện Việt cộng có mặt khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ trên cạn tới dưới sông, từ trẻ tới già, từ đàn ông tới đàn bà. Bởi vậy chúng ra sức tuần tra, càn quét liên tục để Việt cộng không còn đất sống và hoạt động.
- Thật ơi! Con lạnh và đói hông?- tiếng “Năm Thắng” hỏi con.
- Dạ… dạ… con… con…
Nói tới đó, Thật im lặng với đôi mắt đỏ hoe hoe.
- Ráng lên nghe con. “Dìa” tới Trà Ôn, má mua khoai cho con ăn. Con lấy tấm bạt ny lông trùm cho kín mít đầu cổ nghe, mưa lớn lắm.
Hỏi con có đói cho có hỏi chớ chị biết thằng nhỏ đang đói. Cũng phải, bởi từ sáng tới giờ nó chỉ ăn có nửa ổ bánh mì lúc bắt đầu đi kèm với mấy chùm me chua ăn với muối ớt.
Chị cũng vậy. Thương con đứt ruột, đứt gan nhưng biết làm sao hơn. Khó khăn của đơn vị là vậy. “Chế độ” của một người đội trưởng vận chuyển vũ khí chỉ có vậy. Nhìn thấy cái mặt xanh mét, miệng mồm tím rịm vì lạnh của con, chị bật khóc.
Len lén nhìn chị trong cái tấm bạt ny lông cũ xì, thằng Thật thấy hết. Tuy mới sáu tuổi nhưng nó đã biết má nó đang nhớ về ba nó nhiều lắm, nó biết má nó thương nó nhiều, thấy nó đói nên khóc chớ đâu.
Bởi vậy nhiều lần má nó hỏi có đói hông, dù cái bụng đói kêu ọt ọt, nó cũng làm bộ tươi cười với mấy cái răng sún đen thui và câu trả lời “… con hổng đói…”.
Mỗi khi đi lấy súng, đạn cho mấy ông Việt cộng dưới quê, nó thấy má nó đốt nhang trước bàn thờ, dòm lom lom vô tấm hình ba nó rồi khấn vái: “… Anh sống khôn, thác thiêng về đây đi theo và phù hộ cho tui với thằng Thật mạnh khỏe, công tác trót lọt để đất nước sớm giải phóng và cũng để trả thù cho anh, anh Thành ơi…”
Tiếng máy bay bắt đầu quần đảo và ném bom xuống dày đặc mặt sông. Trên bờ, hai bên bờ sông rộng, đạn pháo cũng “rót” xối xả đi kèm.
Chiếc ghe nhỏ chấp chới trong cơn giông bão của đất trời, của bom đạn kẻ thù. Có lẽ địch đã rút kinh nghiệm: Việt cộng thường lợi dụng lúc chúng mất cảnh giác hay thời tiết mưa bão để ra tay hành động nên dù trời đang mưa rất lớn thì chúng vẫn ném bom, bắn đạn pháo đầy sông.
- Thật! Con coi phía trên ghe mấy tấm bạt đậy kín chưa? Lỡ nước văng vô súng đạn, chất nổ thì hư hết. Nhớ “khỏa khỏa” cho đều mấy trái khóm với dưa hấu trên mặt.
Đừng sợ nghe con! Hổng sao đâu. Mà nếu có chết thì hai má con mình cùng chết, có chết thì gặp ba con chớ có sao đâu!- chị nói rất lớn trong tiếng mưa, trong tiếng bom đạn đì đùng, ầm ầm, rát rạt.
- Dạ, con biết rồi má! Mà con chưa muốn chết lúc này đâu. Con còn phải sống để trả thù cho ba con chớ!
- Ờ, thì má chỉ nói vậy thôi. Chớ mình còn phải chuyển vũ khí “dìa” tới nơi, tới chốn cho mấy chú, mấy bác có cái để đánh giặc.
Đang nói chị chợt giật mình. Xa xa trong cơn mưa trắng xóa, chị nhìn thấy hai chiếc tàu tuần tiễu của địch từ mé Sa Đéc băng băng lao ra.
Chết rồi. Chắc nó phát hiện ra chiếc ghe của mình. Nhanh như chớp. Chị tăng ga bẻ lái chiếc ghe hướng vô bờ ngược lại với chúng. Tim chị đánh thình thịch.
- Thật! Con lấy cây súng AK đưa đây cho má! Chuyến này “gay go” rồi đây. Lỡ có bị phát hiện, mình cũng “nhận” ghe luôn, hổng để cho chúng lấy súng đạn của mình. Anh Thành ơi, về đây giúp em với thằng Thật nghe anh!
- Má! Phía trước có cái xẻo nhỏ, lục bình, bông súng, cỏ năn dày đặc, mình “chui” vô đó được hôn má?- tiếng Thật lo lắng.
- Được. Con ngồi cho chắc nghe. Má tăng ga hết cỡ đây.
Tiếng máy Kole 7 rống lên bần bật. Chiếc ghe nhanh chóng trườn vào cái xẻo tối om đầy cỏ dại, lục bình phủ đầy rồi tiếng máy im lặng. Chị bồng con nhảy thót xuống nước.
Thằng Thật im re bà rè. Chỉ còn thấy hai đôi mắt trong những đám bông súng to bè. Ngoài sông cái, hai chiếc tàu tuần tiễu “quần” tới, “quần” lui liên tục trong sự giận dữ, tức tối vì đã để vuột mất “con mồi” mà chúng nghi là của Việt cộng.
Sau hơn một tiếng tìm kiếm không thành, chúng nã hàng loạt đạn đại liên vào bờ một cách vu vơ như để trút giận rồi bỏ đi.
Đón hai mẹ con chị Năm Thắng tại sông Ngãi Tứ, chú Tám bí thơ nói vui:
- Năm Thắng ơi. Tụi tao tưởng chuyến này hổng gặp lại mẹ con bây. Anh em trông tới trông lui bởi mọi khi “giác” này là bây “dìa” tới đây “mấy đời vương” rồi. Bữa nay trễ tới ba tiếng đồng hồ, tụi tao lo quá trời, hổng biết có chuyện gì hông nữa.
- Tại bữa nay, tụi nó khùng khùng nhào ra bất tử nên hai má con phải “núp lùm”. May mà yên ổn. Súng đạn còn “y nguyên”. Chắc anh Thành “dìa” phù hộ hai má con của con đó- chị cười rất tươi.
- Mà… Thắng ơi, bữa nay chú đề nghị vậy nghen. Mai mốt bây bỏ thằng nhỏ ở nhà để tổ chức chăm sóc. Đi vậy “ớn” lắm. Tội nghiệp thằng nhỏ. Nó mới sáu, bảy tuổi đầu lại mồ côi cha… Thiệt… tao…
- Hổng sao đâu chú, riết rồi cũng quen mà. Nó hổng chịu xa má nó đâu. Ví lại, có nó, con mới dễ qua mắt tụi địch. Chú nhớ cái trận tụi biệt kích đốt nhà con hông? Chút xíu nữa là nó tiêu sanh mạng rồi. Thôi cứ cho nó đi với con. Có nó “hủ hỉ” cũng vui chú ơi!
Chú Tám bí thơ lặng im không nói. Động viên vậy chớ chú biết chắc không đời nào Năm Thắng chịu xa con. Chú nhớ như in cái đêm oan nghiệt đó lắm chứ.
Nửa đêm, con Thắng được lệnh giao thư “hỏa tốc”. Vậy là nó lẹ làng lấy gối, quần áo, mấy bao lúa “tấn” xung quanh chỗ thằng Thật ngủ rồi bơi ghe đi làm nhiệm vụ.
Mười phút sau, tụi biệt kích mò tới đốt nhà nó. May mà thấy lửa cháy phừng phừng, mấy người hàng xóm chạy sang phát hiện thằng nhỏ đang còn ngủ ngon lành nên bồng nó chạy thoát ra ngoài.
Bơi xuồng “dìa” tới, Năm Thắng hồn vía lên mây khi nhìn thấy căn nhà lá của mình bị cháy xém, thằng Thật vẫn còn ngủ trên tay dì Hai “bánh tét”. Chị bật khóc nức nở vì thương con.
Ba năm trước, trong lúc giao thư mật từ cù lao Lục Sĩ Thành về Ngãi Tứ, chị bất chợt nhận ra sự khác thường theo linh tính mách bảo. Lộ rồi chăng? Nhanh như cắt, chị ném ngay chiếc ống trúc chứa thư xuống sông cũng là lúc bọn địch ập tới.
- Năm Thắng khỏe hông?- tiếng một người đàn ông được trùm kín mặt mày bằng một cái mặt nạ đen xì.
- Ông hỏi ai? Mà hỏi làm chi?
- Người quen mà. Thơ đâu. Đưa tui đi. Tui đảm bảo mạng sống cho cô với cái “bầu” trong bụng. Bộ cô muốn nó không thấy mặt thằng Thành cha nó hả? Làm vậy tội chết đó nghe!
Đến lúc này, chị đã mơ hồ nhận ra giọng nói này, rất quen thuộc. Phải rồi. giọng của Hai Biên- người đã từng công tác chung với vợ chồng chị. Trời ơi! Vậy là Hai Biên đã chiêu hồi và dẫn tụi biệt kích về truy bắt chị.
- Hổng có thơ từ hết. Tui đi mua đồ chuẩn bị sanh đẻ.
Một cái tát như trời giáng làm chị choáng váng kèm theo mấy cái bá súng đập mạnh vào bụng chửa làm chị ngất lịm mê man. Tỉnh dậy, chị đã thấy mình trong xà lim của địch, trong những đôi mắt lo âu, cảm phục của những nữ tù chính trị.
Mỗi ngày cái điệp khúc: hỏi cung- tra tấn- ngất xỉu cứ lặp đi lặp lại trong nỗi đớn đau. Hết chích điện lại đi “tàu bay”, “trấn nước” nhưng chị vẫn im lặng với đôi mắt mở trừng trừng. Cái thai to dần lên trong ngục lạnh.
- Năm Thắng ơi! Cố gắng lên để mẹ tròn con vuông nghe!- tiếng chị Hai Sáng động viên trong cái đêm chị sanh nở.
- Em mệt và lạnh quá chị Hai ơi! Lạy trời cho đứa nhỏ yên ổn, còn em có chết cũng mãn nguyện vì làm tròn nhiệm vụ với Đảng, với Bác Hồ.
- Đừng ăn mắm, ăn muối nói chuyện hổng hên. Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Ở hiền gặp lành, Thắng ơi- tiếng chị Năm Nụ nhỏ nhẹ.
Thằng Thật ra đời suôn sẻ trong sự vui mừng của cả xà lim. Nó được “ưu tiên” nằm trên đống quần áo của tất cả nữ tù nhân chia sẻ. Đâu đã vậy, mỗi ngày nó còn được mấy dì “tù chính trị” dành cho nhiều nước sạch để tắm rửa.
Sáu tháng sau, hai mẹ con ra tù, vì chúng không khai thác được gì. Đón hai mẹ con ở cạnh mé sông cù lao Mây, chồng chị ôm chầm lấy vợ con trong niềm hạnh phúc vỡ òa trên sông rộng Trà Ôn.
Vậy mà hạnh phúc đã xa rời chị như một nghiệp chướng thật lớn lao. Trong một đêm mưa gió đầy trời năm 1970, chú Tám bí thơ bơi xuồng tới báo hung tin: “… Thằng Thành hy sanh trong trận đánh đồn ở mé cù lao Mây. Đơn vị đang tổ chức lấy xác nó đem “dìa”. Bây ráng vượt qua nỗi đau này để còn nuôi thằng Thật nghe…”
Nghe đến đó, chị ngồi bệt xuống nền đất giữa nhà không nói nên lời. Chị đã không còn nước mắt để khóc thương chồng. Chị nhìn con, nhìn ra dòng sông rộng, nhìn về phía Chi khu Trà Ôn với đôi mắt rực lửa căm hờn.
Sau cái ngày tang thương định mệnh ấy, chị xin tổ chức chuyển sang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên sông với thằng Thật- niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình- cho đến ngày miền Nam giải phóng.
- Sau giải phóng, dì công tác ở đâu?
Tiếng Loan hỏi làm dì Năm Thắng trở về thực tại.
- Tao công tác ở Tỉnh Đội Vĩnh Long. Mười một năm sau, tao xin phục viên “dìa” quê bởi thương tật hồi ở tù hành hạ quá trời. Nói tiếng “dìa” chớ ở đây tao tham gia “hầm bà lằn”.
Lớp nào phụ nữ, cựu chiến binh rồi người cao tuổi, hội người tù chính trị… chỗ nào lu bu là tao tới “giải quyết” ngọt xớt.
- Lúc được Nhà nước phong anh hùng, dì thấy sao?
- Mừng lắm chớ! Nhà nước đã nhớ tới những người như tao, vui chớ mậy. Càng vui thì càng nhớ chồng, nhớ mấy chú, mấy anh, nhớ mấy chị em tù chính trị giúp tao đẻ trong tù. Tao thề với lòng, hễ còn sức khỏe là tao tham gia chuyện ấp, chuyện xã tới chết…
Trời đang nắng ráo bỗng đổ mưa bất chợt. Xa xa trên sông Hậu mênh mông, Loan như đang thấy chập chờn, nhòa nhạt một chiếc ghe nhỏ chở đầy vũ khí đang băng băng lướt sóng. Phía trước mũi là một cậu bé đôi mắt sáng dò đường, còn phía sau lái là một phụ nữ với đôi mắt đanh thép sáng rạng ngời.
PHƯƠNG ANH (TP Cần Thơ)
(Kính tặng nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Thị Năm, quê Trà Ôn- Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin