Gà che (gà tre) là một giống gà bản địa đã từng khá phổ biến tại khu vực miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ.
Gà che (gà tre) là một giống gà bản địa đã từng khá phổ biến tại khu vực miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ.
Đây là giống gà có trọng lượng nhẹ từ 300- 500g, thường được nuôi làm cảnh hoặc để những đứa trẻ chọi vui. Hiện nay, từ “gà che” hoặc “gà tre” còn rất nhập nhằng, chưa biết tên gọi nào đúng.
Một số người cho rằng do nói ngọng nên từ “tre” biến thành “che”. Thực tế có phải là vậy chăng?
Trong quyển sách “Phong lưu cũ mới” của nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển xuất bản năm 2004 (Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai ấn hành) có nhắc đến loài gà này.
Ở phần thứ 3 “Thú chọi gà”, trang 107, dòng thứ 3 có viết: “gà cỏ tức là gà rừng nhỏ con, khi gọi gà ri, gà che, lâu ngày biến thành gà tre tưởng nó ở bụi tre, kỳ thực gà che do chữ Miên Mon che (gà rừng xứ thổ)”.
Tác phẩm “Phong lưu cũ mới” được Vương Hồng Sển viết vào khoảng năm 1958-1961, 296 trang được Nhà xuất bản Xuân Thu ấn hành năm 1970. Cho đến nay, quyển sách này được nhiều nhà xuất bản cho in và tái bản.
Còn như theo tôi được biết, qua nhiều chuyến đi ở đồng bào người Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu thì họ vẫn bảo từ “gà che” là chính xác.
Các cụ cho rằng “gà che” thực chất là danh từ vay mượn từ tiếng Khmer là “Mon-che” (như cụ Vương Hồng Sển giải thích). Danh từ này thường tồn tại ở những tỉnh thành nơi có nhiều người Khmer sinh sống.
Người Khmer trước đây chỉ nuôi 2 giống gà trong nhà là gà nòi hoặc gà che (gà tre). Người Khmer không nuôi gà tàu vàng vì họ quan niệm rằng con gà tàu sức đề kháng rất yếu nên dễ bị chết toi.
Ngay cả chính ông tôi cũng khẳng định là gà che có nguồn gốc từ xa xưa chứ không phải do nói đớt mà nên. Mặt khác, cần nhắc lại rằng gà che (gà tre) xuất xứ từ Nam Bộ chứ không phải ở Bắc Bộ nên cần dựa vào nơi khởi sinh để hiểu rõ tên gọi.
Như vậy từ “gà che” có nguồn gốc rõ ràng, rất lâu đời chứ không phải vì nói ngọng. Đồng ý rằng người miền Tây Nam Bộ thường nói đớt từ “tr” thành “ch” nhưng trong ngữ cảnh này thì có lẽ là không.
Tuy nhiên, trong một số sách báo hiện nay thường viết “gà tre” hơn là “gà che”.
Ở Đại Từ điển tiếng Việt của Bộ GD- ĐT- Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Nguyễn Như Ý chủ biên) thì giải thích gà che và gà tre đều là: “Loại gà nhỏ như gà rừng, rất háo chiến, nuôi để chọi”.
Vấn đề “che” hay “tre” gây rất nhiều tranh cãi trong giới chơi chim cảnh, chưa có lời giải thích thỏa đáng. Chính tác giả viết bài này cũng dựa vào một số tư liệu để nói lên một nguồn gốc của loài gà này chứ không có ý khẳng định từ nào đúng, sai.
Dù sao, “gà che” hay “gà tre” cũng là một tên gọi. Có thêm một từ đồng nghĩa nữa âu cũng là điều hay, thú vị, nhằm làm sinh động và phong phú tiếng Việt nước ta.
Cho nên không cần bàn cãi tên gọi nào hợp lý, vì từ nào cũng hay cả. Điều quan tâm hiện nay là giống gà này ở Tây Nam Bộ suy giảm số lượng rất nhiều. Bởi do gà che (gà tre) không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân không mặn mà.
Một số do thả lan, không tập trung nên gà che (gà tre) giao phối với các giống gà khác rồi dần dần hình thành gà che lai (gà tre lai).
Hiện nay xuất hiện giống gà cảnh khác như gà che Tân Châu (gà tre Tân Châu) mà thực ra là một sản phẩm lai tạo từ gà che Nam Bộ (gà tre Nam Bộ) với các giống gà khác của những người nuôi gà cảnh vùng An Giang, gà Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản,... đã thúc đẩy những người nuôi gà cảnh ít ỏi còn lại từ bỏ giống gà che (gà tre) nguyên thủy hoặc lai tạo chúng với các giống gà trên càng làm cho giống gà này tiến nhanh đến nguy cơ tuyệt chủng.
Gà che (gà tre) là một nguồn gien độc đáo của Việt Nam nhưng do không được quan tâm nên số phận chúng đã gần như mai một và lãng quên.
ĐẶNG TRUNG THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin