Bảo tồn, tôn tạo Khám lớn Vĩnh Long

04:10, 04/10/2016

Khám lớn Vĩnh Long được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ lập ra để giam cầm, tra tấn những người cách mạng, những người yêu nước chống Pháp, Mỹ. 

Khám lớn Vĩnh Long được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ lập ra để giam cầm, tra tấn những người cách mạng, những người yêu nước chống Pháp, Mỹ. 

Một phòng giam của di tích Khám lớn Vĩnh Long.
Một phòng giam của di tích Khám lớn Vĩnh Long.

Tại đây, nhiều người chết đi sống lại, nhưng họ vẫn giữ khí tiết, một lòng theo Bác Hồ, theo Đảng, nhất quyết không khai, không đầu hàng, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại vào ngày 30/4/1975, mang lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.

Sau hơn 40 năm giải phóng, di tích Khám lớn Vĩnh Long (trong khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long tại Phường 1- TP Vĩnh Long) như là “chứng nhân” đã ghi lại bao ý chí kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản và những người ái quốc chống lại bọn thực dân, đế quốc và tay sai.

Ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhớ lại: “Lúc đầu chúng xây một nhà giam lớn, gọi là Khám lớn để giam những người hoạt động chính trị. Đến năm 1946, khi Pháp tái chiếm Vĩnh Long, chúng xây thêm trại giam Hoa Lư (tại Công ty May Vĩnh Tiến bây giờ) để giam những người kháng chiến bị chúng bắt.

Ông kể: Ban ngày, chúng bắt tù nhân làm lao công, đêm về nhốt tại đây. Ở trại này đã chứng kiến mấy lần các chiến sĩ cách mạng đào hầm vượt ngục, có đợt gần 70 người.

Trong các lần đó, cũng có một số hy sinh, nhưng cũng có một số anh em lao công cướp được súng giặc chạy thoát.

Khi bị lực lượng của ta chống cự, đánh lại làm quân số của chúng chết nhiều, thì bị chúng trả thù bằng cách bắt một số anh em đem ra bắn ở Cầu Tàu (nay là nhà hàng Phương Thủy- Công ty Du lịch Cửu Long).

Một trong những chiến sĩ cách mạng, bị địch phục kích, bắt vào năm 1953, được chúng đưa về giam ở Khám lớn Vĩnh Long, nhiều lần bị giặc thẩm tra, đánh đập dã man, từng chết đi sống lại, như ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (lúc đó có tên là Nguyễn Hoàng Oanh, tức Chín Oanh- Xã đội phó xã Ngãi Tứ- Tam Bình). Ông vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, nhất quyết không khai một thông tin nào cho giặc.

“Đêm ngủ không chiếu, không mùng nên bị muỗi cắn, sáng ra khắp người nổi mụt đỏ như giề cơm cháy. Mỗi ngày, chúng phát 2 bữa cơm, không chén, cũng không tô, ai nhận được thì nhận, có người túm cơm bằng chiếc khăn, vạt áo, thậm chí bụm bằng hai tay…

Chín Oanh ở Khám lớn 2 tuần không biết cái tắm ra sao”- ông Nguyễn Ký Ức hồi tưởng lại qua tham luận gửi Hội thảo khoa học di tích Khám lớn vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long tổ chức ngày 20/9/2016.

Khi Mỹ sang xâm lược Việt Nam, đến Vĩnh Long chúng cho giải tỏa các trại giam ở khu Hoa Lư, củng cố và mở rộng Khám lớn để giam cầm những người đấu tranh chống Mỹ và bọn tay sai bán nước mà chúng gọi là “Việt cộng”.

Ông Phan Thanh Hiệp- Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh Vĩnh Long tặng Bảo tàng Vĩnh Long 5 quyển sách tư liệu.
Ông Phan Thanh Hiệp- Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh Vĩnh Long tặng Bảo tàng Vĩnh Long 5 quyển sách tư liệu.

Tuy không tham dự hội thảo do sức khỏe, song ông Nguyễn Ký Ức vẫn viết một bức thư tay gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong thư ông khẳng định: “Khám lớn Vĩnh Long đã giam cầm, dùng cực hình tra tấn, giết hại biết bao đồng chí, đồng bào yêu nước của ta.

Ông Phan Thanh Hiệp- Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh Vĩnh Long: “Khám lớn là một ký ức đau lòng, nhưng cũng là nơi minh chứng cho ý chí quật cường, thà chết không chịu khuất phục của những người cách mạng, thông qua cuộc vượt ngục của anh Huỳnh Hữu Kỉnh, Tám Hải, của anh Nguyễn Văn Ngôn và 70 tù binh cuối năm 1951…”.

Tội ác tày trời đó không bao giờ khuất phục được ý chí của đồng chí, đồng bào ta, mà còn nung sôi ý chí căm thù, tinh thần kiên trung bất khuất, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua khó khăn…”.

Cũng tại hội thảo này, bên cạnh nêu lên tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hầu hết ý kiến, tham luận của những nhà nghiên cứu, những nhân chứng lịch sử đều mong muốn lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, sưu tầm tư liệu, hiện vật lịch sử và có kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích Khám lớn Vĩnh Long nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ- nhất là thế hệ trẻ.

“Chúng ta có thể gác lại quá khứ, chứ không để mất quá khứ. Quá khứ đó là một bài học quý báu để giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ”- ông Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đề nghị. Ông sẵn sàng tư vấn, đóng góp ý kiến để các ngành trùng tu, phục dựng lại di tích.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Hồ Minh Mẫn cũng thể hiện quyết tâm giữ lại di tích Khám lớn Vĩnh Long để giáo dục cho đời sau. Theo ông, nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) còn xây dựng lại để bảo tồn, thì Khám lớn Vĩnh Long nhất định phải được sửa sang, tu bổ.

Ông Nguyễn Văn Đời (Năm Dân)- nguyên Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có lần bị giặc bắt giam tại Khám lớn Vĩnh Long và bị đàn áp dã man cũng đề nghị phục dựng lại di tích để nói lên sự thật tàn ác của giặc đối với những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người yêu nước cho thế hệ sau được biết, hiểu nhiều hơn.

“Nhiều bài học quý như: sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi sống còn của các đồng chí đồng đội, của đất nước, hay tay không dám đấu tranh trước kẻ thù đầy quyền lực, vũ khí tối tân… cần được lãnh đạo tỉnh cho khôi phục lại để giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau biết, hun đúc tinh thần yêu nước, quý trọng độc lập, tự do do ông cha ta mang lại”- ông Nguyễn Văn Đời nhấn mạnh.

Ông Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long: “Chúng ta có thể gác lại quá khứ, chứ không để mất quá khứ. Quá khứ đó là một bài học quý báu để giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ”.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh