Bây giờ là tháng chín. Đêm nay, những cơn gió heo may cùng trận mưa giông bất chợt ùa về khiến tôi chạnh nhớ đến anh!
Bây giờ là tháng chín. Đêm nay, những cơn gió heo may cùng trận mưa giông bất chợt ùa về khiến tôi chạnh nhớ đến anh!
Vũ Loan tên thật là Thạch An Trinh, tuổi Tân Mão (1951), gốc dân Tam Nông (Đồng Tháp). Bút danh Vũ Loan là dựa theo tên của vợ anh- Võ Thị Loan. Năm 1980, anh từ giã nghề dạy học ở xã Thường Thới Hậu (Hồng Ngự) về ngụ cư tại TX Vĩnh Long là quê vợ của anh.
Mảnh đất Vĩnh Long- nơi anh chọn làm quê hương thứ hai là nơi cưu mang anh cho đến cuối cuộc đời. Năm 1980 là khoảng thời gian anh và tôi mới quen biết nhau!
Sau đó, các anh Trần Hồng Thắng, Hoàng Dương, Vũ Loan và tôi đã kết nghĩa anh em. Trần Hồng Thắng là anh cả, tôi là em út, được anh em trong giới văn nghệ đặt hỗn danh là “bốn chàng ngự lâm pháo thủ”.
Khi tỉnh Cửu Long vừa mới thành lập Ban Vận động Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh, anh được nhận vào và có biên chế chính thức là nhạc sĩ. Vũ Loan là hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, Hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam.
Trong quãng thời gian hơn 25 năm, Vũ Loan đã sáng tác khoảng trên dưới 20 bài hát, trong đó có cả nhạc thiếu nhi. Dù là nhạc sĩ trưởng thành từ phong trào, nhưng anh đã góp phần không nhỏ cho nền âm nhạc tỉnh nhà.
Với bút pháp bình dị, ngôn từ rất gần gũi với cuộc sống con người, không cầu kỳ, bóng bẩy, mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ, nhạc của anh đã được nhiều người hâm mộ! Đa phần các nhạc phẩm của anh sử dụng giai điệu nằm trong ngũ cung hơi Nam giọng Oán: đô, mi, fa (già), sol, la.
Nhạc phẩm “Cửu Long mến yêu” là sáng tác đầu tay của anh. Ngay từ khi mới ra mắt, bài hát này gặt hái nhiều thành công, đã từng được Đài Tiếng nói Nhân dân Cửu Long (tiền thân của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) sử dụng làm nhạc hiệu trong một thời gian.
“Cửu Long! Đất mẹ đẹp tên dòng sông. Bốn mùa hoa trái tươi thắm, lúa thơm hương đời xây bao ước mơ, Cửu Long đẹp giàu như muôn ý thơ. Người ơi, về thăm sẽ nhớ! Nhớ đất Vĩnh Long thân yêu anh Liệt nằm xuống, với tấm lòng son kiên trung giữ gìn nước non…”
Bài “Tiếng hát sang xuân”, phổ thơ Lê Tân, được Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Cửu Long trao giải nhất về âm nhạc năm 1983. Các bài hát: “Hương đêm”, “Đồng Phú quê em”, “Hương tràm nỗi nhớ”, “Thương cha”,… được người nghe rất thích!
Và đặc biệt nhất là bài “Bên mộ người sinh thành Bác Hồ” viết về cụ Nguyễn Sinh Sắc, cho tới hiện giờ vẫn được Khu Di tích lăng cụ Phó bảng ở TP Cao Lãnh sử dụng trong chương trình giới thiệu tiểu sử của cụ! Với bài hát này, anh đã đạt giải ba của Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 1987.
Lần đi nhận giải đó, ngoài số tiền thưởng, anh còn được tặng thêm một cái cassette- thứ hàng hóa mà thời điểm đó coi như là món xa xí phẩm. Anh Hoàng Dương là người đã thuê xe du lịch chở chúng tôi- “bốn chàng ngự lâm pháo thủ”- từ Vĩnh Long lên tận Cao Lãnh để Vũ Loan nhận giải thưởng!
Anh đi về nơi miên viễn đã gần tròn 10 năm! Ở tuổi khi anh ra đi, tuy không phải là trẻ nhưng vẫn còn “bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”!
Nay tôi ghi lại vài dòng về anh để gọi là “còn chút gì để nhớ”! Giờ đây, phải chăng cuộc đời của anh không còn là những chuỗi ngày phiền não nặng nề như trăm năm đá tảng, và có lẽ hồn thơ anh đang bay bổng nhẹ nhàng ở một phương trời vô định nào đó! Nhạc của anh đã hóa thân khắp nơi khắp chốn, là ngọn cỏ mềm, là dòng sông êm đềm, là đất trời mênh mông vô tận…
“Chẳng phải là sương, chẳng phải hoa
Nửa đêm ta đến, sáng ta về
Đến như giấc mộng, xuân không đợi
Đi tựa mây trời, không định nơi”
Vĩnh Long, đêm bão rớt 7/9/2016.
- TÍN ĐỨC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin