Mùa Vu Lan: Nét đẹp đời sống văn hóa tâm linh giữa lòng phố thị

07:08, 17/08/2016

Không chỉ là ngày dành cho các phật tử, lễ Vu Lan đã trở thành mùa báo ân, báo hiếu của nhiều người dành cho cha mẹ- những người sinh thành và dưỡng dục mình. Đi chùa lễ Phật cúng dường, làm nhiều việc thiện… cũng là nét đẹp đời sống văn hóa tâm linh của người đô thị mùa lễ Vu Lan.

 

Tranh thủ chọn bó hoa tươi đẹp nhất để dâng cúng tổ tiên.
Tranh thủ chọn bó hoa tươi đẹp nhất để dâng cúng tổ tiên.

Không chỉ là ngày dành cho các phật tử, lễ Vu Lan đã trở thành mùa báo ân, báo hiếu của nhiều người dành cho cha mẹ- những người sinh thành và dưỡng dục mình.

Đi chùa lễ Phật cúng dường, làm nhiều việc thiện… cũng là nét đẹp đời sống văn hóa tâm linh của người đô thị mùa lễ Vu Lan.

Làm nhiều việc thiện

Rằm tháng 7- ngày xá tội vong nhân và cũng là lễ Vu Lan báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, hướng về người thân đã quá cố. Ở đô thị, với nhịp sống hối hả, không khí đón lễ diễn ra không kém phần nhộn nhịp.

Như nhà của cô Tuyết Minh (Phường 3- TP Vĩnh Long), từ chiều 13 âl đã chuẩn bị cho ngày rằm. “Năm nào nhà tôi cũng cúng rằm, trước là dịp để tưởng nhớ người quá cố, tri ân công ơn ba mẹ, sau là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm. Rồi giảng giải cho con cháu về ý nghĩa ngày lễ”- cô Minh cho biết.

Còn ở chợ, những ngày này, nhiều người bán hàng rỉ tai nhau đi chùa làm việc thiện. Hàng trái cây thì quyên góp trái cây, hàng rau củ thì quyên góp rau củ cho nhà chùa, hàng thịt thì góp tiền làm từ thiện tặng quà cho người nghèo... Riết rồi thành quen, mỗi năm “đến hẹn lại lên”.

Cô Nguyễn Thị Mai bán rau cải chợ Vĩnh Long chia sẻ: “Rằm tháng 7 năm nào tôi cũng dành ít ngày để đi chùa, có năm đi đến 7 chùa để thắp hương, cúng quả, cầu bình an cho gia đình. Song song, tôi cũng quyên góp rau củ cho nhà chùa để chuẩn bị mâm cơm cho các phật tử, khách thập phương đến viếng chùa”.

Hòa thượng Thích Như Tước- Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Lễ Vu Lan được xem là ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam để báo hiếu, báo ân và sau này càng được phát huy hơn.

Ở đời làm người, ai cũng phải có lòng tôn kính, hiếu kính với cha mẹ, thầy tổ, anh hùng liệt sĩ, ân Tam bảo. Được xem là ngày rằm lớn nhất trong năm nên từ đầu tháng 7 âm lịch, nhiều chùa đã đón hàng trăm lượt người đến dâng hương hoa, làm lễ, tạo nên không khí thành kính và ấm áp.

Để có một mùa Vu Lan ý nghĩa

Ngày rằm đi chùa thắp nhang, cầu an đã trở thành thói quen, phong tục lâu đời của nhiều người. Anh Trịnh Phi Long (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho hay:

“Thường 14 âm lịch là tôi đi chùa để thắp hương thể hiện lòng thành đối với đức Phật, sau là với tổ tiên và cầu sự bình an, sức khỏe cho cha mẹ của mình. Với tôi, khi mình còn được cài bông hồng đỏ lên áo trong ngày lễ Vu Lan là niềm hạnh phúc nhất đời. Tôi luôn nhắc nhở mình, cũng như con cái phải sống sao cho trọn đạo làm con”.

Ngày rằm, ngày lễ, cũng chính là dịp để nhiều người làm việc thiện, san sẻ bớt khó khăn với người nghèo. “Làm phước tích đức”, nghĩ vậy nên nhiều năm nay, nhóm từ thiện của chị Hằng (Phường 3- TP Vĩnh Long) thường xuyên vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho người nghèo.

Tuy giá trị không lớn, khi vài ký gạo, thùng mì, chai nước tương, ký đường... nhưng giúp được phần nào cho người gặp khó khăn và cho thấy việc làm của mình ý nghĩa hơn, thiết thực hơn.

Hòa thượng Thích Như Tước cho biết ngày rằm hầu hết các chùa đều có nghi thức làm lễ dâng y, cầu siêu, giúp đỡ cho người nghèo.

 Nhiều người vận động nhà hảo tâm để tặng quà cho người nghèo, cho mùa lễ Vu Lan thêm ý nghĩa.
Nhiều người vận động nhà hảo tâm để tặng quà cho người nghèo, cho mùa lễ Vu Lan thêm ý nghĩa.

Như mới ngày 10/8 vừa rồi, chùa Long Phước- nơi thầy làm trụ trì (Phường 5- TP Vĩnh Long), mới phát 100 phần quà cho người nghèo ở địa phương. Và sẽ còn tiếp tục phát quà khi có Mạnh thường quân gửi tặng người nghèo. Đồng thời, chùa còn chuẩn bị 500 suất ăn cho khách đến viếng chùa.

Bận rộn, nhưng nhiều người ở phố vẫn dành thời gian đi chùa làm công quả để cầu phước, bình an, sức khỏe cho gia đình. Cô Nguyễn Thị Bé Tư bán tạp hóa (Phường 2- TP Vĩnh Long) cứ đến ngày rằm chính là vào chùa nấu cơm đãi khách đến viếng chùa, để “làm việc thiện, tích đức cho con cháu”.

Dịp lễ Vu Lan, mỗi người thường được cài lên áo một bông hồng đỏ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ.

Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận. Vì điều này, nên Vu Lan là một dịp lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhiều người.

Nhà Phật không phủ nhận việc đốt vàng mã, nhưng hướng dẫn phật tử làm việc thiện

Hòa thượng Thích Như Tước: Việc nhiều người quen làm như đốt tiền bạc, vàng mã, nhà lầu xe hơi… là do họ muốn nói lên nỗi lòng của mình đối với cha mẹ, người thân đã khuất. Đó là cái lý của họ. Nhà Phật hoàn toàn không có khuyên người ta làm điều này.

 

Dù vậy, việc đốt, rải tiền vàng mã là tục lệ ăn sâu vào tiềm thức người dân và nhà chùa không phủ nhận việc làm của họ, nhưng hướng dẫn phật tử nên làm việc thiện, việc tốt. Chỉ rõ cho họ biết những việc làm thiết thực hơn như ủng hộ tập sách cho các em học sinh nghèo, giúp đỡ người nghèo khó…

 

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh