Về thăm quê Bác Tôn nhân hậu, nghĩa tình

04:08, 19/08/2016

Có vùng quê chứa đựng một truyền thuyết về con người nhân hậu, vật thì nghĩa tình và một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước đối với bao thế hệ người Việt Nam, đó là di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

An Giang không chỉ được biết đến với các danh lam, thắng cảnh như: Rừng tràm Trà Sư, núi Cấm hùng vĩ, núi Ba Thê huyền thoại, núi Sam linh thiêng có miếu Bà Chúa Xứ…mà nơi đây còn có vùng quê chứa đựng một truyền thuyết về con người nhân hậu, vật thì nghĩa tình và một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước đối với bao thế hệ người Việt Nam, đó là di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng

“Người nhân hậu, vật nghĩa tình”

Đến TP Long Xuyên (An Giang), được người dân chỉ dẫn chúng tôi theo Quốc lộ 91 chạy thẳng lên hướng Châu Đốc, qua phà Trà Ôn sang xã Mỹ Hòa Hưng, hay còn gọi là cù lao Ông Hổ (TP Long Xuyên)- nơi có Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Theo tìm hiểu, sở dĩ nơi đây có địa danh cù lao Ông Hổ do xuất phát từ truyền thuyết: Một hôm, có hai vợ chồng nông dân chống xuồng đi đốn củi, thấy trên đám lục bình có con gì giống con mèo bị ướt, lạnh.

Động lòng thương, người chồng vớt lên mới biết là con hổ con bị lạc mẹ, ông lau khô lông, lấy cơm nguội cho ăn và mang hổ về nhà nuôi để giữ nhà.

Hổ lớn lên trong tình thương của con người nên được thuần hóa, hiền lành. Khi ông bà qua đời, hổ bỏ nhà vào rừng kiếm ăn, nhưng mỗi năm cứ đến ngày giỗ ông bà, hổ tha về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi không quấy phá làng xóm.

Thương hổ, dân làng lập miếu thờ và gọi cù lao này là cù lao Ông Hổ. Người dân cù lao tương truyền cho nhau về truyền thuyết trên và tự hào về con người quê mình luôn nhân hậu, còn vật thì có nghĩa có tình.

Không những người Mỹ Hòa Hưng nhân hậu mà còn chịu thương chịu khó, đoàn kết, cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện đạt danh hiệu xã nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015.

Đến Mỹ Hòa Hưng hôm nay, du khách sẽ thấy sự đổi thay từng ngày, đời sống kinh tế người dân được nâng lên, nhà cửa kiên cố, khang trang hơn, đường xá giao thông được nhựa hóa, thuận tiện cho xe cộ lưu thông.

Đền tưởng niệm thờ tượng bán thân Bác Tôn, phía trên có khắc chữ vàng “Tôn Đức Thắng”.
Đền tưởng niệm thờ tượng bán thân Bác Tôn, phía trên có khắc chữ vàng “Tôn Đức Thắng”.

Ngoài đặc trưng thiên nhiên bốn bề sông nước bao quanh vườn cây ăn trái cùng các nghề truyền thống: nghề làm nhang, dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, đan lát, đánh bắt cá…người dân cù lao Ông Hổ còn được tỉnh An Giang quan tâm, đầu tư phát triển du lịch với dự án Du lịch nông nghiệp do Hội Nông dân Hà Lan tài trợ.

Đây là cơ hội để người dân Mỹ Hòa Hưng phát triển kinh tế và quảng bá, giới thiệu nét đẹp thiên nhiên và tính cách hào sảng, nhân hậu, nghĩa tình của người An Giang với bạn bè, du khách năm châu.

Đến di tích quốc gia đặc biệt

Đến với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng tôi gặp lại anh Lê Tuấn Cường- nguyên là cán bộ Bảo tàng An Giang làm “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ cho chúng tôi tham quan vùng đất Thoại Sơn cách nay vài tháng, hiện anh là Phó trưởng phòng Nghiệp vụ của Khu lưu niệm Bác Tôn.

Tham quan Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Tham quan Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Anh Cường nói: Khu lưu niệm cách TP Long Xuyên 3km, rộng hơn 6ha, với nhiều hạng mục tham quan, tập trung ở 3 khu chính là Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn. Khu lưu niệm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn, Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Đền tưởng niệm được xây dựng theo kiến trúc đền đài cổ Việt Nam pha lẫn nét đặc thù của đồng bằng Nam bộ.

Phần chánh điện diện tích 110m2, thờ tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng đúc đồng nặng 310kg, phía sau là bức phông sơn mài có đắp nổi trống đồng Ngọc Lũ. Bao quanh tượng Bác Tôn là bao lam gồm 3 mảng chạm khắc ghép thành.

Trong đó, phần viền đỏ phía dưới chạm hình 2 con rồng đang chầu vào cuốn thư có khắc chữ vàng “Tôn Đức Thắng”.

Còn Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng là công trình được xây mới, nóc cổ lầu, mái lợp ngói đại ống đỏ. Mặt trước có đắp hai phù điêu hình con hổ ở hai bên, tượng trưng cho cù lao Ông Hổ. Nội thất trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhân dân An Giang đề tặng Bác 2 câu đối giữa nhà trưng bày để tỏ lòng cảm khái với nội dung “Tựa lưng Bảy Núi uống nước Cửu Long Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở/Khơi lửa Ba Son kéo cờ Hắc Hải rạng tiếng non sông”.

Ấn tượng nhất là Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đây là ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ thau lau do ông Tôn Văn Đề thân sinh Bác Tôn xây năm 1887.

Chị Tân Ngọc Duyên- Thuyết minh viên Khu lưu niệm cho hay: Nhà được xây theo kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, chính giữa là bàn thờ ông bà, hai bên là 2 phòng ngủ. Phía trước có 1 tủ do song thân Bác Tôn sử dụng, 1 tủ được Bác Tôn mua về tặng cha mẹ khi còn học nghề ở Sài Gòn.

Nơi đây đã chứng kiến nhiều cảnh vui mừng tương hội giữa Bác và gia đình. Sau cách mạng tháng 8/1945 và đại thắng mùa Xuân 1975, Bác Tôn có trở về đây thăm gia đình và quê hương, mặc dù cha mẹ không còn, anh em người còn người mất, nhưng nỗi vui mừng khao khát của người con sau bao năm xa xứ đã làm xao động cả xóm làng cù lao Ông Hổ.

Tám năm sau ngày Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời (30/3/1980), ngày 20/8/1988 tỉnh An Giang đã lấy ngày 20/8 để làm ngày lễ hội truyền thống với các hoạt động: mit tinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT…

Và cũng từ đó, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trở thành điểm du lịch và là địa chỉ đỏ thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, về nguồn, tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng không những là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ tài ba mà còn là một người con hiếu thảo với cha, mẹ, người chồng chung thủy với vợ, người cha gương mẫu, là tấm gương sáng ngời để mọi thế hệ người Việt học tập và noi theo.

 

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh