Nói chuyện cây xanh

03:08, 03/08/2016

Một thành phố dù hiện đại cách mấy mà nếu có quá ít cây xanh thì thường bị chê là thành phố bê tông, cứng nhắc. Thậm chí là vô hồn, thiếu sức sống, không có không gian văn hóa, v.v…

Một thành phố dù hiện đại cách mấy mà nếu có quá ít cây xanh thì thường bị chê là thành phố bê tông, cứng nhắc. Thậm chí là vô hồn, thiếu sức sống, không có không gian văn hóa, v.v…

Do đó, không gian xanh và cây xanh đã trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị. Đặc biệt, trong quá trình biến đổi khí hậu thì việc xây dựng đô thị với mảng cây xanh tạo bóng râm, càng có ý nghĩa và được quan tâm nhiều hơn. Bởi cây xanh không chỉ góp phần cung cấp oxy, ngăn bụi, giảm tiếng ồn, mà còn tạo thêm vẻ mỹ quan đô thị.

Riêng cây cổ thụ đã có mặt lâu đời ở các đô thị càng được coi trọng, bởi chúng như một “biểu tượng văn hóa” vô cùng gắn bó với người đô thị.

Song, các đô thị ngày càng đông dân cư. Xe cộ, tiếng ồn và khói bụi ngày càng nhiều nên hoàn toàn không phải là môi trường sống tốt cho cây xanh. Trong khi đó, do “tuổi tác”, các cây cổ thụ thường rất cao mà bộ rễ lại yếu đi. Nên cứ sau các cơn mưa bão, giông lốc ở đô thị, thì nguy cơ từ cây cổ thụ đem đến cũng nhiều hơn: bật gốc, gãy nhánh, ngã đè lên nhà cửa, xe cộ…

Thiết nghĩ, cây xanh đô thị cũng cần được “hiện đại hóa” cho phù hợp với bối cảnh đô thị mới. Đặc biệt, cần khảo sát kỹ các cây cổ thụ có thân quá cao lại nằm ở gần đường giao thông, nhà cửa, công trình,… Những cây già cỗi cần hạ bỏ là đương nhiên, còn những cây cổ thụ “đang đẹp” cũng phải được xem xét thật kỹ và cần có kế hoạch thay mới bằng cây trẻ hơn.

Bởi, dù có thân thương hay tiếc nuối bao nhiêu đi chăng nữa đối với cây cổ thụ trong phố, thì an toàn cho con người vẫn là trên hết.

NGUYÊN CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh