"Hù địch"- miếng đánh cũ, hiệu quả mới

01:08, 16/08/2016

Đồn Giáo Mẹo đóng tại ngã ba vàm rạch Giáo Mẹo với sông Ngãi Tứ trên ấp An Phong (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) là một đồn được địch coi là "phên dậu" bảo vệ hậu cứ An Hòa ở cùng xã, kế đó là Chi khu Trà Ôn. 

Đồn Giáo Mẹo đóng tại ngã ba vàm rạch Giáo Mẹo với sông Ngãi Tứ trên ấp An Phong (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) là một đồn được địch coi là “phên dậu” bảo vệ hậu cứ An Hòa ở cùng xã, kế đó là Chi khu Trà Ôn. 

Chính vì vậy, phải đến lần thứ tư đồn này bị lực lượng ta san bằng thì địch mới cam tâm bỏ chạy luôn. Đặc biệt ở lần thứ 3, ta sử dụng miếng “hù” bọn trong đồn được coi là cũ rích nhưng hiệu quả thì rất cao…

Chớp thời cơ

Khoảng đầu năm 1974, chỉ 12 ngày sau khi bọn địch ở đồn Giáo Mẹo tháo chạy lần thứ hai bởi sự vây ép của đơn vị phối hợp có nòng cốt là Đội Phòng thủ Tỉnh ủy Vĩnh Long (C.40) với tự vệ cơ quan các ban ngành tỉnh và du kích xã Ngãi Tứ, thì bọn địch ở chi khu Trà Ôn bắt dân các nơi làm dân công vào đóng đồn Giáo Mẹo lần thứ ba. 

Kỳ này chúng bỏ nền đồn cũ mà đóng trên bờ đê gần đó (lộ đi Trà Ôn bây giờ) cách xa mí vườn khoảng 50m, có 20 lính bảo an trấn giữ.

Trước sự ngoan cố của địch, đơn vị trên được Tỉnh đội tăng cường 1 khẩu SKZ 75 và 1 trọng liên 12,8 ly để tiếp tục đẩy cho được cái “u nhọt” này. 

Đội trưởng C.40 Mai Hồng Thắng (Sáu Trắng) tiếp tục là chỉ huy trưởng của đơn vị, Võ Văn Bình và Nguyễn Hoàng Quắn trực tiếp phụ trách việc vây ép đồn và đánh bọn can viện, chính trị viên của C.40 là Nguyễn Văn Giỏi (Hai Giỏi) lo vận động người dân tại chỗ đào công sự, chiến hào và dựng pháo đài, cung cấp lương thực cho lực lượng chiến đấu cùng chuẩn bị dân công ban đồn khi chúng tháo chạy.

Chỉ mấy ngày sau, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Vào giữa trưa, trong khi các bộ phận đang khẩn trương vào vị trí chiến đấu và bố trí hỏa lực thì bí thư xã kiêm Chính trị viên Xã đội Ngãi Tứ là Bảy Huệ báo cho Sáu Trắng biết họ đang giữ 8 cô vợ lính vừa đi thăm chồng ở đồn này về.

Là người từng trải chiến đấu và có sẵn kinh nghiệm khi cùng bộ phận binh vận huyện Tam Bình lấy được đồn Bình Phú ở cùng xã trước đó, Sáu Trắng nghĩ đây là thời cơ tốt dùng binh vận chiếm đồn này.

“Hù địch” kết hợp với vận động gia đình binh sĩ lấy đồn

Một cuộc gặp giữa Sáu Trắng và Bảy Huệ với 8 cô vợ lính được tổ chức tức thì để giải thích cho họ hiểu rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận Giải phóng với tù hàng binh. 

Tiếp theo đó là một cuộc vũ trang tuyên truyền với các chiến sĩ “Tiểu đoàn 306 chủ lực- một tiểu đoàn lừng danh của quân khu” (các chiến sĩ của C.40 giả dạng) kình kình súng lớn súng nhỏ đi về hướng đồn, kể cả việc đưa các cô vợ lính ra tận nơi ta đặt pháo và trọng liên chuẩn bị bắn vào đồn để tác động tinh thần họ. 

Kết quả là họ đồng ý theo đề nghị của ta là vào đồn kêu gọi chồng trở về với cách mạng để không bị chết oan uổng.

Sau khi cho các cô vợ lính vào công sự để đảm bảo an toàn, ta bắt loa tay liên hệ với bọn lính trong đồn là các cô vợ của chúng có việc khẩn cấp muốn vào đồn bàn bạc. Ban đầu địch không tin, nhưng khi thấy được mấy cô vợ được ta đưa ra một nơi trống trải trước cửa đồn thì chúng chịu liên lạc với ta. 

Sáu Trắng đích thân đưa một đại diện của các cô vợ lính vào đồn theo thỏa thuận của hai bên. Sau khi nghe cô này thuật lại các chuyện mắt thấy tai nghe ngoài đồn và nói rõ ý muốn của ta, chúng đồng ý cử đại diện ra gặp ta. 

Đồng chí Bảy Huệ giả danh Chính trị viên Tiểu đoàn 306 được cử là đại diện của lực lượng vây đồn ra gặp phó đồn bàn việc giao đồn để tránh đổ máu. Nơi gặp là khoảng giữa con đường từ cửa đồn đến mí vườn nơi quân ta chiếm lĩnh, khi gặp không ai được mang theo vũ khí. 

Phải 10 phút sau, Sáu Trắng mới nhận được dấu hiệu của Bảy Huệ báo cuộc thỏa thuận bất thành, anh liền phát loa đề nghị địch cử thêm đại diện ra gặp “Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306”, địch đồng ý. Lần này, Sáu Trắng đích thân ra tay, còn người được địch cử ra tiếp có lẽ là tên trưởng đồn.

Sau khi nhận từ tay Sáu Trắng mỗi người một điếu thuốc Ruby, nét mặt 2 đại diện của bọn lính đồn có vẻ bớt căng thẳng. Cuối cùng, tên đại diện mới này xin ta cho cả bọn cùng với vũ khí bỏ đồn tháo chạy với lý do là “về ngoải nếu không có vũ khí, chúng phải vào tù cả nhà đều khổ”. 

Thấy việc “hù địch” đã đạt kết quả và do đã được cấp trên chấp thuận có phương án đánh địch tương tự như thế nên Sáu Trắng chấp thuận. 

Địch đề nghị thời điểm chúng rời đồn là 10 giờ (tức 9 giờ Hà Nội) tối hôm đó. Ta không đồng ý và thỏa thuận địch lùi lại 1 giờ (tức 8 giờ Hà Nội) và khi xuất đồn chúng phải bắn 3 phát súng để quân ta mở vòng vây.

Về phía ta, trước tình hình có chuyển biến mới, lực lượng vây đồn được nhanh chóng phân ra làm 3 bộ phận. 2 bộ phận trước kia dùng để vây ép đồn và đánh bọn chi viện bây giờ nhận nhiệm vụ đón đường ra của địch, phòng khi chúng “phản kèo”. 

Bộ phận còn lại do Bảy Huệ cùng Sáu Trắng chỉ huy bí mật chiếm đồn ngay sau khi chúng rút chạy, không cho chúng quay trở lại. Nhưng mới 7 giờ tối, khi lực lượng ta tiếp cận đồn thì phát hiện địch đang vẹt rào trốn ra. 

Kế hoạch vây bắt bọn này được khẩn trương triển khai nên khi chúng ra khỏi đồn khoảng 300m thì chạm súng với ta. Sau hơn 30 phút với sự hỗ trợ của người dân tại chỗ, ta bắt sống 16 tên địch với đầy đủ vũ khí, chỉ có 2 tên chạy thoát, còn lực lượng ta an toàn.

Lúc này cách đồn khoảng 500m, các cô vợ lính bị ta giữ lại hồi chiều nghe súng nổ ở hướng đồn nhốn nháo hẳn lên. Khi thấy đoàn tù binh được mở trói dẫn về đến nơi, họ ào ra chồng nào vợ nấy ôm hôn mừng rỡ. 

Sau phút hội ngộ ngọt ngào, tên trưởng đồn chợt nhớ điều gì quay sang hỏi Sáu Trắng: “Các anh dụ tôi ra khỏi đồn rồi chận đường đánh?” 

Sáu Trắng nhẹ nhàng giải thích do họ không tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận đúng theo luật “nhà binh” nên quân giải phóng buộc phải hành động là bình thường. Tên trưởng đồn đành cúi đầu nói lí nhí: “Xin lỗi các anh!”.

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long) (Theo lời kể của đồng chí Sáu Trắng, nguyên đội trưởng C.40)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh