Vào thế kỷ XVIII, con đường Thiên lý, đoạn chạy qua Giồng Dứa (nay thuộc xã Tam Hiệp, chạy cặp theo QL1A đến cầu Kinh Xáng, thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành) còn rất hoang vu, đầy thú dữ, khách bộ hành khi đi qua đây rất lo sợ, vì thế mới có câu ca dao trên.
Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió lay bông sậy, để buồn cho em.
Vào thế kỷ XVIII, con đường Thiên lý, đoạn chạy qua Giồng Dứa (nay thuộc xã Tam Hiệp, chạy cặp theo QL1A đến cầu Kinh Xáng, thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành) còn rất hoang vu, đầy thú dữ, khách bộ hành khi đi qua đây rất lo sợ, vì thế mới có câu ca dao trên.
Mưu sự như ông Thuộc Nhiêu
Cực nhọc như ông Cai Lữ.
Thuộc Nhiêu: Thuộc là đơn vị hành chính vào lúc mới khẩn hoang ở Nam bộ trong các thế kỷ XVII, XVIII, dưới cấp huyện, đứng đầu là chức Cai thuộc. Theo lời kể của dân gian, ông Nguyễn Văn Nhiêu chiêu mộ dân nghèo từ miền Trung vào Nam khai khẩn, được triều đình tin tưởng giao cho chức Cai thuộc, nên được gọi là Thuộc Nhiêu.
Ông còn lập thôn Tân Đức Đông khoảng cuối thế kỷ XVIII. Sau khi mất, ông được tôn làm tiền hiền của thôn này. Ngày nay, địa danh Thuộc Nhiêu thuộc xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.
Cai Lữ: Cũng theo lời kể dân gian, vào cuối thế kỷ XVIII, viên cai đội hay cai cơ Nguyễn Văn Lữ, tục gọi là Cai Lữ, gốc người miền Trung, chiêu mộ dân chúng tiến hành khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới phương Nam. Ông có công lập thôn Bình Thuyên, nên sau khi mất được dân làng tôn là tiền hiền.
Sau đó, dưới thời vua Gia Long (1802 - 1819), thôn Bình Thuyên tách ra thành 2 thôn là Bình Thuyên Đông và Bình Thuyên Tây, thuộc tổng Kiến Thuận, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Phần đất của ông thuộc thôn Bình Thuyên Đông.
Dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), thôn Bình Thuyên Đông nhập với thôn Bình Yên thành thôn Nhị Bình, thuộc tổng Hưng Nhơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Nhị Bình, huyện Châu Thành).
Sau khi ông mất, chức vụ và tên của ông được đặt cho một giồng đất ở đây: Giồng Cai Lữ. Giồng này đã có tiếng trong lịch sử, được nhắc nhiều khi chúa Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn hồi nửa sau thế kỷ XVIII. Giồng Cai Lữ tọa lạc tại 2 xã Nhị Bình và Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.
“Mưu sự như ông Thuộc Nhiêu. Cực nhọc như ông Cai Lữ”: Theo lời kể của dân gian, 2 ông tiền hiền Cai Lữ và Thuộc Nhiêu ở 2 làng kề nhau, đã kết tình thông gia, nhưng sau đó không còn hòa thuận. Ông Thuộc Nhiêu mua đất của thôn Bình Thuyên nhập vào thôn Tân Đức Đông, làm diện tích của thôn Bình Thuyên bị hẹp dần.
Để phòng ngừa việc mất thêm đất, ông Cai Lữ đã cho người dỡ đình và chùa đem xây cất ở đầu làng và cho đào một con kinh đổ ra rạch Gầm, gọi là rạch Cùng để làm ranh giới tự nhiên giữa 2 thôn.
Tuy nhiên, ông Thuộc Nhiêu lại cho lập một cái chợ (chợ Thuộc Nhiêu) ở bên bờ rạch Cùng do ông Cai Lữ đào và khai thác con rạch này để chuyển hàng hóa vào chợ được dễ dàng. Do đó, nhân dân ở vùng này lưu truyền câu ca dao: “Mưu sự như ông Thuộc Nhiêu. Cực nhọc như ông Cai Lữ”.
Cây đa Bình Trung,
Cây me Dương Phước,
Cây nào có trước,
Cây nào có sau,
Tổ tiên ta ai chống giặc Tàu,
Còn ai khai khẩn gian lao miền này?
Ở làng Bình Trung, tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công (nay thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) có một cây đa cổ thụ, thân và rễ to đến ba bốn gian nhà.
Cây đa này bị lính Pháp hai lần đốn phá: Lần thứ nhất vào năm 1947 và lần thứ hai vào năm 1950, vậy mà cây đa vẫn tiếp tục nảy nhành, ra rễ, càng xanh tốt hơn.
Ở kề bên làng Bình Trung là làng Dương Phước (nay thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) có cây me thâm căn lão cối, với hai tàng cây to cao.
Cây me này vẫn còn ra hoa, nhưng kết trái rất ít, vỏ cây sần sùi, bạc phếch rêu phong. Các vị cao niên ở hai làng Bình Trung và Dương Phước cho rằng, cây đa và cây me đại thụ có tuổi khoảng 200 - 300 năm.
Hai cây đa Bình Trung và cây me Dương Phước gắn liền với công cuộc khẩn hoang vùng Gò Công của lưu dân người Việt hồi thế kỷ XVIII. Câu ca dao ra đời trong bối cảnh đó.
Đầu rồng, đuôi phượng (phụng) le the,
Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.
Từ trước đến nay, người ta đều nghĩ đó là câu đố về buồng cau, cây cau, nhưng ở Gò Công còn một số vị bô lão cho rằng câu ca dao trên có xuất xứ từ địa thế của vùng Gò Công. Đó là thế “Long đầu phượng (phụng) vĩ” (đầu rồng, đuôi phượng/phụng).
Bởi vì, Gò Công về phía Nam giáp với sông Tiền, có ba địa danh có liên quan đến rồng như: Rạch Long Uông ở làng Tăng Hòa, rạch Vàm Rồng ở làng Vĩnh Hựu và cầu Long Tượng trên con rạch chảy từ sông Tiền vào làng Thạnh Nhựt.
Do giáp với sông cái, nên phần phía Nam Gò Công được người ta xem như đầu rồng, còn về phía Bắc Gò Công có địa danh Vườn Phượng, do một điền chủ, thường gọi là ông Thôn Cựu lập ra sau khi làng Gia Thuận được khai khẩn hồi đầu thế kỷ XIX. Đuôi phượng (phụng) đầu rồng chính là từ đó.
Khoảng cách giữa phía Nam và phía Bắc Gò Công là các gò nỗng, trong đó hai gò lớn hơn hết là Gò Lân ở làng Tân Niên Đông và Gò Rùa ở làng Sơn Quy thuộc về phía Tây. Tất cả những địa danh đó hợp lại thành một bộ “tứ linh” (Long, Lân, Quy, Phụng).
Có lẽ vì thế mà các cụ cho rằng, Gò Công là vùng “địa linh nhân kiệt”. Đó chính là xuất xứ của câu ca dao trên; đồng thời cũng là xuất xứ của câu ca dao dưới đây:
Bóng Lân đã hiện gò Đông,
Rùa về quy tụ bên sông Tây đài.
Phượng trương cánh Bắc lố mày,
Rồng thiên uốn khúc Nam nhai ẩn mình.
Về câu ca dao:
Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phụng,
Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao.
Đầu năm 1785, quân Xiêm với 2 vạn quân và 300 chiến thuyền tràn sang xâm lược nước ta, bị nghĩa quân Tây Sơn, do Nguyễn Huệ chỉ huy tiêu diệt trên sông Tiền, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Nhân dân Mỹ Tho, trong đó có phụ nữ đã góp phần to lớn vào chiến thắng đó.
Phụ nữ Mỹ Tho rất đẹp “mày tằm mắt phụng”, nhưng cũng rất anh dũng, yêu nước “giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao”, xứng đáng con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, nối tiếp truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm, Xoài Mút muôn đời oai linh.
Do Nguyễn Ánh cầu viện, vua Xiêm cho quân xâm lược nước ta. Đầu năm 1785, thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, từ Quy Nhơn kéo vào đóng ở Mỹ Tho. Với sự tham gia và hướng đạo của nhân dân Mỹ Tho, Nguyễn Huệ đã cho thuyền chiến mai phục ở rạch Gầm và rạch Xoài Mút.
Đây là hai chi lưu trên sông Tiền, khoảng cách giữa hai con rạch này là 7 km. Ngày 20-1-1785, mắc mưu của Nguyễn Huệ, toàn bộ hạm thuyền Xiêm gồm 300 chiếc lọt vào trận địa mai phục và bị nghĩa quân tiêu diệt gần hết.
Về địa danh Rạch Gầm, có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ý kiến cho rằng: Nơi đây, khi lưu dân người Việt đến khai hoang có rất nhiều cọp sinh sống và chúng gầm rống vang dội cả một vùng, nên bà con đặt là rạch Cọp Gầm. Về sau, người ta gọi tắt là rạch Gầm.
Về địa danh Xoài Mút, là do nơi đây có loại xoài hột to, cơm ít, muốn ăn thì phải đưa vào miệng mút. Cây xoài mút hiện vẫn còn một vài cây trong vườn của những hộ dân ở xã Bình Đức (ven rạch Xoài Mút). Ở đây, ngoài địa danh Xoài Mút, còn có địa danh Xoài Hột, cũng bao hàm luôn nghĩa ấy.
Chẻ tre bện sáo cho dày,
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau.
Tháng 4-1861, thực dân Pháp tiến đánh Mỹ Tho bằng đường bộ và đường thủy. Để ngăn bước tiến của địch, về đường bộ, nhân dân đã phá cầu, đường và lập các ổ đề kháng; về đường thủy, nhân dân đã làm các sọt, giỏ bằng tre, bên trong chứa đất, đá và cho xuống sông, tạo thành các “cản” hàn sông nhằm ngăn tàu chiến địch “Chẻ tre bện sáo cho dày/Ngăn ngang sông Mỹ . . .” chính là vì thế.
Tuy phải tiến hành một cuộc chiến đấu không cân sức với quân Pháp, nhưng nhân dân Mỹ Tho vẫn lạc quan, vẫn hy vọng “có ngày gặp nhau” trong chiến thắng.
Về câu ca dao:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ Nhu
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
Vào đầu thế kỷ XX, Sài Gòn đã đèn điện “ngọn xanh, ngọn đỏ”, Mỹ Tho còn đốt đèn dầu mù u ngoài đường nên “ngọn tỏ, ngọn lu”. Chữ “Nhu” do chữ “Nho” nói trại mà ra.
“Học chữ Nhu” tức “Học chữ Nho” được xem như biểu tượng của lòng yêu nước, đối ngược lại với bọn tay sai giặc Pháp theo “văn minh Phú lang sa”. Câu ca dao nhằm động viên tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công.
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.
Ở Châu Đốc, vào mùa khô, thủy triều xuống rất thấp, nên thương hồ ngồi dưới ghe nhìn lên bờ cảm thấy cột đèn ở đây cao hơn nơi khác.
Trận bão ngày 16-3 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 1-5-1904) đổ bộ vào Gò Công, gây nên cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất cho nhân dân ở đây, khiến vợ chồng, con cái phải ly tán, đau khổ.
Theo lời kể của các vị cao niên, năm này, Gò Công bị “sóng thần”, các làng ven biển bị tàn phá nặng nề, nước biển tràn sâu vào đất liền, kết hợp với mưa lớn khiến đồng ruộng, nhà cửa đều bị chìm trong biển nước mênh mông.
Thiên tai đã như vậy, cùng với chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp, khiến đời sống của nhân dân ở vùng bị lụt bão vô cùng cơ cực.
Theo NGUYỄN PHÚC NGHIỆP (Báo Ấp Bắc)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin