Những ngày cuối tháng năm, khi cơn mưa mùa hạ dần nặng hạt, chúng tôi có dịp cùng anh em làm phim tài liệu của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tìm về dấu xưa thành cổ Vĩnh Long. Chúng tôi đi qua những con đường nhỏ, góc phố thân quen, và dấu cũ vẫn còn hiển hiện đâu đây.
Những ngày cuối tháng năm, khi cơn mưa mùa hạ dần nặng hạt, chúng tôi có dịp cùng anh em làm phim tài liệu của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tìm về dấu xưa thành cổ Vĩnh Long. Chúng tôi đi qua những con đường nhỏ, góc phố thân quen, và dấu cũ vẫn còn hiển hiện đâu đây.
Ký họa cổng thành Vĩnh Long xưa (theo tài liệu tác giả sưu tầm). |
Bồi hồi lần về cảnh cũ, người xưa, chúng tôi thầm nhớ về những câu thơ của Nguyễn Thông- vị đốc học Vĩnh Long. Sau khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay thực dân Pháp, ông được triều đình cử về đây nhậm chức đốc học, và cũng là lúc Vĩnh Long thành vừa trải qua cảnh binh đao, ly loạn.
Có lần lên lầu trên thành Vĩnh Long, ông đã xót xa: “Bãi sông mưa tạnh chim về/ Tù và ai rút bóng che nửa lầu/ Lửa thiêu thành quách còn đâu,…” Và còn không, bóng dáng thành xưa mà chúng ta biết được?
Cây da cửa Hữu nghiêng mình trải bao mưa nắng; xóm Lò Rèn chỉ còn danh; bến ghe ô, ghe lê nay phố phường đông đúc; cầu Lầu in dòng nước Cừ Sâu, hay đường Cổ Trì… cứ như thôi thúc chúng tôi tìm về.
Theo trang sử cũ
Lần giở những trang sử cũ, chúng ta được biết thêm nhiều điều mới mẻ về ngôi tòa thành, quản thủ cả vùng đất miền Tây một thuở, và để biết thêm yêu quê hương mình.
Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức: “Tháng trọng xuân năm Quý Dậu Gia Long thứ 12 (1813) sắc cho Trấn thủ Lưu Phước Tường đắp thành đất tọa ngôi kiền (Tây- Bắc) hướng về tốn (Đông- Nam), Nam Bắc cách nhau 200 tầm, Đông Tây cũng thế.
4 ngã đều có chỗ lõm vào ở giữa, mà ngoài bao thân, thành cửa cong ra, hình như đầu ngọc khuê. 4 góc thành có góc nhọn thò ra như hình con rùa, lại như dáng hoa mai. Trong thành mở 2 đường dọc, 3 đường ngang. Đằng trước dựng hành cung, ở giữa làm 3 công đường ngang nhau…
Bên tả thành là sông Long Hồ, bên hữu là rạch Ngư Câu, đằng sau lưng là sông Tiền, trước thành đào ngòi sâu…”
Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần thành trì chí còn cho ta biết thêm: Thành có “… chân vách chu vi 720 trượng, mở 5 cửa, bắc 5 cầu qua hào..”.
Qua những trang tài liệu quý, đã giúp chúng ta biết được thành xây đắp dưới thời Gia Long, đó là thành đất trấn Vĩnh Thanh; vì vua Gia Long đã đổi danh hành chính từ dinh Vĩnh Trấn thành trấn Vĩnh Thanh từ hồi năm 1808, nên việc gọi tên là thành Long Hồ ngày nay có lẽ là do quen cách gọi xưa của thời chúa Nguyễn đặt năm 1732 là dinh Long Hồ.
Sang triều vua Minh Mạng thứ 13(1832), được đổi gọi là thành Vĩnh Long, vì năm này nhà vua đổi trấn Vĩnh Thanh (do kỵ húy Lăng Vĩnh Thanh của bà Hiếu Minh hoàng hậu (Tống Thị Được)- vợ của chúa Nguyễn Phúc Chu) thành trấn Vĩnh Long; đến tháng 11 cùng năm lại đổi trấn thành tỉnh Vĩnh Long, và tên gọi tỉnh cũng như thành Vĩnh Long bắt đầu có từ đây.
Tìm về dấu xưa
Đang miên man qua những trang sử liệu, chúng tôi chợt giật mình khi anh bạn đạo diễn Nguyễn Trọng Dũng của THVL thắc mắc, và rất khó giải thích đầy đủ như “mình có thể xác định tương đối vị trí của thành Vĩnh Long xưa như thế nào?”; “2 con đường chính trong thành, nay còn không?” Và còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng!
Chúng tôi lại tiếp tục lần mò qua từng phố, con hẻm nhỏ để lần về dấu xưa. Đầu tiên là vị trí 2 con đường dọc chạy hướng Tây Bắc- Đông Nam và kết hợp với sơ đồ thành Vĩnh Long, chúng tôi có thể xác định đó là đường Trưng Nữ Vương và Hưng Đạo Vương.
Sau khi chiếm Vĩnh Long năm 1867 (và phải đến 10 năm sau), thực dân Pháp mới phá thành Vĩnh Long. Để kiến thiết vùng tỉnh lỵ, thực dân Pháp đã cho lấy 2 tuyến đường này làm trung tâm để mở thêm các tuyến đường khác; đồng thời đổi đặt tên mới là đường Saint Enfance (Trưng Nữ Vương) và Citadelle (Hưng Đạo Vương).
Ở phía trước cửa Tiền của thành trì, thực dân Pháp lấy đất của tường thành để tạo nên một con đường rộng lớn hay còn gọi là Đại lộ Bouleverd Bonnard (về sau đổi là Trương Vĩnh Ký, nay là Nguyễn Thị Minh Khai) kéo dài lên đến Quảng trường De la Grandière (nay là Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng), rồi chạy thẳng theo đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Võ Thị Sáu) nối với đường Lê Thái Tổ (lộ Hàng Tre xưa), chứ không phải đi qua đường Lê Thái Tổ theo hướng cầu Lộ như ngày nay.
Người dân quanh đây, cho biết phía dưới lòng sông của khu vực này vẫn còn nhiều trụ gỗ lớn ghi dấu ấn của chiếc cầu năm xưa. Nếu chúng ta dùng Google map để xem ở khu vực điểm giao nhau giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai, 19 Tháng 8, Võ Thị Sáu và Nguyễn Thái Học, nhất là vị trí Trường Mầm non Huỳnh Kim Phụng thì sẽ thấy giống như là một cánh hoa mai mà tài liệu xưa đã mô tả.
Còn vị trí cây da cửa Hữu tương truyền là cửa Hữu thành Vĩnh Long. Có người cho biết thêm, xung quanh di tích Cây da cửa Hữu xưa kia có một gò đất cao, phía ngoài có hào nước, lục bình mọc dày kín, và rất nhiều câu chuyện kể về dấu tích.
Trong bài “Vịnh cây da cửa Hữu”, nhà thơ Thượng Tân Thị cho chúng ta biết: “Thành xưa cửa Hữu mất lâu rồi/ Còn một cây da ở đó thôi/ Chống mấy gió mưa càng vững gốc/ Trải bao sương tuyết vẫn đâm chồi/ Nghỉ trưa chim lựa tàng cao đỗ/ Đỡ nắng người theo bóng mát ngồi/ Ai cũng có lòng thương dấu cũ/ Đem thêm gạch đất để vun bồi”.
Ngồi thưởng thức ly cà phê cùng bạn bè dưới tàng cây da cổ thụ, chúng tôi háo hức luận bàn về dấu tích nơi đây. Anh Lê Minh Hà- một người dân sống cố cựu và có nhiều hiểu biết về vùng đất này- đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thật thú vị: Hồi xưa, cây da lớn lắm, nhưng trải qua năm tháng chiến tranh, cây da lụi tàn, từ thân cây mẹ mọc lên cây da con còn đến ngày nay, và cũng là nơi đánh dấu vị trí cửa Hữu thành Vĩnh Long.
Nghe anh kể, và với lòng yêu thích tìm hiểu, chúng tôi vẫn còn một nỗi phân vân. Anh Trọng Dũng quay sang nhìn chúng tôi với ánh mắt dò hỏi, thật sự cửa Hữu ở đây hay nơi đâu? Không chỉ riêng anh, mà còn nhiều du khách đến đây tham quan muốn biết nhưng vẫn chưa có lời giải đáp.
Tuy không đầy đủ, nhưng chúng tôi cũng cố gắng đưa ra ý kiến để mọi người tham khảo, như là một sự gợi ý cho những anh em nghiên cứu về sau. Theo Sơ đồ thành Vĩnh Long đã mô tả thì “mỗi cạnh giữa của hai góc thành đều có phần nhô ra” và một số vị cao niên cho biết thêm là xung quanh nơi cây da này có gò đất cao.
Chúng tôi nghĩ xác định nơi đây là vị trí cửa Hữu thật chưa chắc chắn lắm, vì theo mô tả trên thì đây là khoảng giữa phần góc ở giữa nhô ra của thành, góc nhô ra này trong cấu trúc của thành kiểu Vauban thường là gò đất cao trên bờ thành, quân lính lên đây để canh tuần.
Theo mô tả trong Sơ đồ thành Vĩnh Long năm 1872, thì cửa Hữu đó chính là đường Chí Hòa (sau gọi là đường Phan Thanh Giản) rất trùng khớp với vị trí đường 3 Tháng 2 qua cầu Lộ ngày nay; đồng thời đây còn là 1 trong 3 tuyến đường ngang trong thành, và là tuyến đường nối liền cửa Hữu với cửa Tả ở phía sông Long Hồ.
Còn ở điểm cây da, sau khi thành bị phá, thực dân Pháp cho lập một cái vòng xoay (Rond Point), đồng thời là điểm giao nhau giữa đường Ba Ria (nay là đường Lê Văn Tám- 19 Tháng 8), Bac Lieu (nay là đường Hoàng Thái Hiếu).
Đến đây, anh bạn Lê Minh Hà lại nôn nóng muốn biết thêm về giới hạn tương đối vòng ngoài cũng như hành cung của thành Vĩnh Long, nay có thể nhận diện thuộc khu vực nào?
Thật sự việc xác định này rất khó, vì hiếm tài liệu hoặc họa đồ vẽ thành xưa. Nếu theo tài liệu “Gia Định thành thông chí”, “Đại Nam nhất thống chí” và sau khi tham khảo cách quy đổi số đo qua sách “Quan chế” của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1888, chúng tôi nhận thấy chu vi thành Vĩnh Long có thể chủ yếu nằm trong phạm vi các tuyến Nguyễn Thị Minh Khai- 19 Tháng 8- Lê Văn Tám- Nguyễn Thị Út qua đến đường Hùng Vương.
Còn hoàng cung nơi ở của quan lại cao cấp hoặc nơi vua đến ngự có thể chủ yếu trong khu vực của các tuyến đường Trưng Nữ Vương, Hoàng Thái Hiếu, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Đình Chiểu.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Vĩnh Long, khu vực này làm điểm tập bắn, rồi sau đó là doanh trại của lính tập, trường đua ngựa, sân thể thao, về sau xây dựng Tòa hành chính Vĩnh Long, nay là UBND tỉnh.
Một ngày dạo quanh đất Vĩnh Long thành, khi ánh nắng chiều chìm dần vào dòng Cổ Chiên thơ mộng thì mọi người trong đoàn chúng tôi đều thấm mệt, song trong lòng có thêm niềm vui nho nhỏ, vì được biết thêm về bóng dáng thành xưa của quê hương mình. Tuy vậy, trong mỗi chúng tôi, vẫn còn bao điều trăn trở. Chỉ mong đây những phác họa tản mạn ban đầu để có thể góp phần nào cho việc nghiên cứu thành cổ Vĩnh Long về sau.
TRẦN THÀNH TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin