Một chuyến đi núi

01:07, 02/07/2016

Bước đầu lập thân với số đất đai khiêm tốn do cha mẹ cho nhưng ông Ba Tỵ đã biết tính toán làm ăn bài bản, siêng năng lao động, tiết kiệm chi tiêu nên dần dần khá giả. 

Bước đầu lập thân với số đất đai khiêm tốn do cha mẹ cho nhưng ông Ba Tỵ đã biết tính toán làm ăn bài bản, siêng năng lao động, tiết kiệm chi tiêu nên dần dần khá giả.

Có của ăn của để, ông lại tạo thêm đất đai “tích tiểu thành đại” trở thành một trong ít người giàu có nhất vùng, thu nhập mỗi năm một hai trăm triệu. Nhà cửa khang trang và đầy đủ tiện nghi, con cái tương đối thành đạt.

Ông được nhân dân trong ấp bình bầu là nông dân sản xuất giỏi, được chánh quyền địa phương khen tặng gia đình văn hóa, mẫu mưc.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Ba Tỵ ăn chay trường, thờ cúng trời phật thánh thần, thích xem kinh kệ, sám giảng và các sách thần thoại, thần luận. Ông cũng hay giảng đạo cho hàng xóm láng giềng nghe.

Theo ông thì ngoài thế giới này còn có thế giới siêu nhiên là nơi ở của các thực thể tâm linh mang nhân trạng như các vị Phật và Bồ tát, Ngọc Hoàng Thượng đế, thánh thần, linh hồn người chết, ma quỷ.

Ông tin rằng con người có thể giao tiếp với các thực thể tâm linh bằng cách cúng bái, dâng tế lễ vật, cầu khẩn, tụng kinh.

Làm như vậy sẽ tác động đến tâm lý của họ, thuyết phục họ và họ sẽ cảm động mà ban phước lành cho con người, đồng thời bảo vệ con người không bị tai họa!

Tin tưởng như thế nên ông thường xuyên đến dâng lễ vật, cúng bái, cầu nguyện tại các chùa chiền, đình miếu ở địa phương và thỉnh thoảng tổ chức “hành hương” (dân gian gọi là đi núi) cho hàng xóm láng giềng đến các đình chùa, đền miếu trong vùng Thất sơn, Tây Ninh cúng bái, nguyện cầu phước đức và tài lộc. Hàng xóm láng giềng tôn trọng ông là người có đạo đức, có căn tu nên có số giàu sang!

*

* *

Ông Ba Tỵ và khoảng mười mấy người đàn ông, đàn bà khác đang chuẩn bị hành lý “đi núi” Thất sơn. Họ say sưa bàn bạc, so sánh nơi nào linh thiêng nơi nào không linh thiêng để đến tham quan, chiêm bái với tâm trạng hết sức phấn khởi và niềm tin tưởng rất cao.

Cùng lúc đó, chị Oanh và anh Út là cán bộ phụ nữ và chữ thập đỏ ấp từ ngoài cổng đi vào. Bước lên hàng ba, chị Oanh cười vui vẻ, hỏi:

- Bà con chuẩn bị đi đâu mà đông vui quá vậy?

- Đi núi!- một phụ nữ đáp.

- Châu Đốc hay Tây Ninh? Chừng nào đi?

- Châu Đốc! Mười giờ lên xe.

- Bây giờ đang là mùa nắng, bà con nhớ đem theo nước thùng nước chai nhiều nhiều chớ ở trển nó chặt chém dữ lắm- Oanh nhắc nhở.

Ông Ba Tỵ bước ra, nói với Oanh:

- Chuyện đó tao biết, không cần bây nhắc nhở. Bây đến có việc gì không?

- Dạ! Con và anh Út được Ban nhân dân ấp phân công đi vận động bà con quyên góp giúp đỡ chị Sáu Liễu phẫu thuật tim, chú ạ!.

Ba Tỵ mỉa mai:

- Hỏi mà chơi chớ tao biết bây đến thì không thu tiền này cũng thu tiền nọ chớ có bao giờ bây cho tao, giúp đỡ tao cái gì đâu?

Oanh trả lời tự tin:

- Giúp đỡ chú và cho cái này cái nọ thì thiệt tình là không có. Nói nào ngay, không phải tụi con không làm việc đó mà bởi vì chú có thiếu thốn gì đâu mà cho, mà giúp đỡ?

Ba Tỵ có vẻ ngượng, Oanh nói tiếp:

- Trong ấp mình, còn nhiều gia đình nghèo, neo đơn, bịnh tật rất cần sự giúp đỡ của chú và bà con. Hội Phụ nữ tụi con cũng vận động chị em tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm các nghề như đan thảm và giỏ lục bình, đan ghế đay bằng dây nhựa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nếu gia đình chú muốn làm thì con sẵn sàng giúp chú?

Một phụ nữ soi mói:

- Con Liễu có đất sang bán ăn hết, đến khi bị bịnh lại cầu xin giúp đỡ, liệu có công bằng không?

Oanh đáp lại bằng lập luận hết sức vững chắc và hợp lý hợp tình:

- Trước kia là trước kia, bây giờ là bây giờ, hai chuyện hoàn toàn khác nhau không thể gộp chung làm một. Người ta chỉ sống với hiện tại chứ không sống với quá khứ vì nó là phần đời không thể thay đổi cũng không thể sống với nó được cho nên xin chị đừng lấy đó mà so bì.

Vả lại, ở đời không ai biết được tương lai của mình sẽ ra sao? Nếu trước kia chị Liễu biết mình sẽ bị bịnh tim phải phẫu thuật thì tui dám chắc chị ấy sẽ không bán hết đất đai của mình. Giả sử chị cũng lâm vào hoàn cảnh như chị Liễu thì chị có cần sự giúp đỡ của bà con không?

Người phụ nữ nín thinh, bà ta thuộc diện cận nghèo, từng được Oanh giúp đỡ làm nghề đan thảm và giỏ lục bình. Ba Tỵ thấy không khí hơi căng bèn cắt đứt câu chuyện bằng cách hỏi Oanh đóng góp bao nhiêu, Oanh nói tùy lòng hảo tâm của ông ấy. Ba Tỵ góp năm chục ngàn.

“Của ít lòng nhiều, miếng khi đói bằng gói khi no”. Tuy nhiên, tiền bạc là thước đo lòng người, đối với một đại gia như Ba Tỵ và một bệnh nhân rất cần tiền để giành giật mạng sống với tử thần như chị Liễu thì con số đó quả là khá khiêm tốn.

Ông ấy đã từng cúng đình, cúng chùa cao gấp năm, gấp mười lần như vậy và còn cúng miếu bà Chúa xứ cả con heo quay.

Té ra, đối với ông ấy sinh mạng con người không bằng trời phật thánh thần cho nên cái “mác” đạo đức của ông ấy chỉ được làm bằng niềm tin vào thần quyền huyễn hoặc chứ không phải làm bằng chất liệu yêu thương của tình người!.

*

* *

Theo chương trình thì đoàn “hành hương” của ông Ba Tỵ sẽ đến núi Sam, viếng miếu bà Chúa xứ, chùa cổ Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu và lên đỉnh núi bái lạy chỗ ngồi của bà Chúa xứ.

Đó là bệ đá trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, hình chữ nhật, dài 1,6m ngang 0,3m chính giữa có cái lỗ vuông cạnh 0,34cm tương truyền là dấu tích tượng Bà ngồi trước khi đưa tượng xuống miếu.

Sau đó đến núi Cấm lễ bái tượng Ngọc hoàng thượng đế trên Vồ Bồ Hong cùng tượng Phật Di Lặc và thăm viếng các chùa Vạn Linh, Phật Lớn và hồ Thủy Liêm.

Do đi nhiều lần, ông Ba Tỵ trở thành thân chủ của một số chùa ở núi Sam, núi Cấm nên việc ăn uống, nghỉ ngơi, ngủ nghê của đoàn đều nhờ vào các chùa đó mà dân chúng hay gọi vui là “khách sạn từ bi”.

Vùng núi Sam có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh thu hút hàng triệu khách tham quan du lịch và “hành hương” mỗi năm. Đây cũng là địa bàn lý tưởng của bọn gian manh, lừa đảo, lường gạt, trộm cắp, chặt chém khách.

Dù chưa vào mùa lễ hội nhưng lượng khách đổ về rất đông, nhất là trong chánh điện thờ bà Chúa xứ, người ra vô tấp nập, lễ vật dâng cúng đầy ắp trên bàn thờ, khói nhang nghi ngút. Dù Ban quản lý di tích có cử người dập tắt bớt nhang đã đốt nhưng không khí vẫn ngột ngạt, khó thở.

Sáng sớm, đoàn “hành hương” của ông Ba Tỵ đi chợ mua sắm lễ vật, nhang đèn lủ khủ, mang vào điện thờ bà Chúa xứ dâng cúng, lễ lạy, khấn vái, nguyện cầu rất thành kính. Họ còn “vay” tiền bà Chúa xứ về làm vốn làm ăn cho được may mắn, mua mau bán đắt.

Buổi chiều, họ viếng chùa cổ Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu, nơi nào lễ vật và sự thành kính, tin tưởng cũng được họ thể hiện như ở miếu Bà.

Hôm sau, lúc trời vừa rạng đông, họ tranh thủ leo núi cho đỡ mệt để lên đỉnh chiêm bái chỗ ngồi của bà Chúa xứ trước kia. Núi cao 284m, chu vi chân núi 5.200m, nhiều phượng vĩ và huỳnh mai mọc trong hốc đá nên vào mùa trổ bông, cảnh núi toàn màu đỏ thắm xinh tươi, rực rỡ.

Trên đỉnh còn có pháo đài quân sự cũ giúp quan sát một vùng rộng lớn từ Châu Đốc sang Tịnh Biên đến Châu Phú và vùng ruộng đồng Thất sơn.

Leo được khoảng năm chục mét, ông Ba Tỵ bất ngờ trượt chân chới với, đưa tay nắm áo bà Năm Đông đi cạnh nhưng vẫn không gượng được khiến cả hai ngã nhào, lăn lông lốc xuống núi.

Ba Tỵ gãy tay trái, chấn thương cột sống, đầu và mình bị xây xát rướm máu. Bà Năm Đông cũng bị thương khá nặng, tét da đầu và tức ngực do va vào đá. Cả hai đều được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cuộc “hành hương” đành chấm dứt trước tai nạn bất đắc dĩ đó. Nếu có tiếp tục cũng chẳng có ai vui sướng được trên nỗi khổ đau của ông Ba Tỵ và bà Năm Đông?

“Họa vô đơn chí”, đêm sau bọn trộm lẻn vào chùa lấy tiền bạc, điện thoại di động của bốn năm người trong đoàn. Chăm sóc người bệnh nơi xứ lạ quê người khá bất tiện nên các thành viên trong đoàn xin bác sĩ cho hai người xuất viện về quê tiếp tục điều trị.

Hay tin ông Ba Tỵ và bà Năm Đông bị tai nạn, Oanh cùng vài người đại diện Ban Nhân dân ấp đến bệnh viện huyện thăm nom và tặng chút ít quà là sữa bột, bánh trái.

TRƯƠNG HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh