Đó là quan điểm chính, chủ đạo trong suốt quá trình xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển Văn hóa, Du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh
Biểu diễn nghệ thuật đường phố là loại hình nghệ thuật mới ở Vĩnh Long. |
Văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển
Nhóm nghiên cứu gồm 8 thành viên, là những PGS, TS, chuyên gia của Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cùng sự tham vấn của ông Nguyễn Đức Minh- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam); PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng- Trưởng Bộ môn Văn hóa ứng dụng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn đã thống nhất quan điểm đặt Vĩnh Long nằm trong tổng thể phát triển chung của ĐBSCL, để xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển văn hóa và du lịch của tỉnh có sự gắn kết với nhau.
Lý giải về điều này, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng- người đóng góp nhiều ý kiến cho nhóm nghiên cứu- cho rằng: “Quy hoạch văn hóa không chỉ là những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể mà còn phải thể hiện tư duy gắn kết văn hóa vừa là mục tiêu để hướng đến các giá trị chân- thiện- mỹ, vừa là động lực góp phần vào sự phát triển đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Hiệu cho rằng: “Điều này rất phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước, một mặt chúng ta hiểu văn hóa là nền tảng, một mặt là động lực để thúc đẩy du lịch phát triển”.
Đi du lịch, tức là chúng ta đi khám phá những giá trị mới lạ, có thể là quá trình khai phá, hình thành nên một vùng đất, một di tích lịch sử văn hóa hay một thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng… xét cho cùng đó chính là đi tìm hiểu, là thụ hưởng những giá trị văn hóa mới, đặc thù.
“Được ví là ngành công nghiệp không khói, nhưng chúng ta không nên hiểu du lịch chỉ biết kiếm tiền, mà du lịch còn phát triển vì mục tiêu văn hóa, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa.
Do đó, du lịch luôn dựa vào các nguồn tài nguyên văn hóa, gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, để sau đó biến tài nguyên này thành các tuyến điểm, sản phẩm du lịch độc đáo bán cho du khách một cách có văn hóa nhất, mang lại hiệu quả cao nhất và đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.
Cái gốc của vấn đề văn hóa và du lịch không thể tách rời nhau là ở chỗ đó”- PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng khẳng định.
Tạo không gian văn hóa mới
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu với những trải nghiệm thực tế ở nhiều địa phương của Vĩnh Long, để tìm hiểu đời sống, sinh hoạt, các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, nhằm định hướng du lịch Vĩnh Long phát triển trên nền tảng hiện có của giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng thời, định hướng phát triển du lịch với 4 phương án và được đa số đại biểu thống nhất lấy du lịch cộng đồng văn hóa, giải trí, mua sắm làm trọng tâm kết hợp với du lịch sinh thái, tham quan các di tích văn hóa lịch sử, lễ hội.
Thông qua phương án này sẽ góp phần bổ trợ, tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cho Vĩnh Long, qua đó cải thiện sinh kế cộng đồng, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách tại Vĩnh Long.
Theo định hướng của đề án, thiết kế 13 nhóm sản phẩm đặc thù cho du lịch Vĩnh Long gắn kết với tuyên truyền các giá trị văn hóa như: quy hoạch làng nuôi cá bè, để trở thành tuyến phố đêm trên sông ở cù lao An Bình; bắc cầu dây văng qua các cù lao; xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp tại cù lao An Bình...
Đồng thời, xây dựng 6 khu du lịch, gồm: TP Vĩnh Long; các xã cù lao An Bình (Long Hồ); Vũng Liêm, Bình Minh, Trà Ôn, Tam Bình.
Trong đó, lấy TP Vĩnh Long làm trung tâm để phát triển du lịch với du lịch văn hóa, giải trí, mua sắm làm trọng tâm kết hợp tham quan các di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng và xây dựng khu ẩm thực, chợ đêm, trung tâm thương mại, điểm dừng du lịch… tại đây.
Ông Trần Thiện Ngoan- Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở VH, TT và DL) đồng tình với các khu điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù do nhóm nghiên cứu đưa ra và cho rằng đây là những sản phẩm này phù hợp với quan điểm của Bộ VH, TT và DL xác định sản phẩm đặc thù của Vĩnh Long là phát triển du lịch sinh thái sông nước, các homestay, kết hợp tham quan di tích, danh nhân, lễ hội, làng nghề truyền thống. Đặc biệt là trải nghiệm đời sống lúa nước ĐBSCL, với bảo tàng nông nghiệp trong tương lai.
Ông Trần Thiện Ngoan đề nghị nhóm nghiên cứu bên cạnh xây cầu dây văng, nên quy hoạch thêm phương án xây dựng cáp treo từ TP Vĩnh Long qua cù lao An Bình để du khách tham quan toàn cảnh TP Vĩnh Long.
Nói về vấn đề này, PGS,TS Huỳnh Quốc Thắng mong muốn Vĩnh Long nên có những sản phẩm du lịch có giá trị cao, để tạo ra một không gian văn hóa mới cho Vĩnh Long, mà cầu dây văng bắc qua các cù lao là một điển hình.
Chúng ta không thể xây cầu như ở Đà Nẵng, mà chỉ nên xây dựng cầu dây văng hoặc cầu treo đơn giản, vừa làm nhiệm vụ nối tất cả các cù lao lại với nhau, vừa làm vệ tinh cho du lịch đô thị, vừa tạo ấn tượng cho du khách đến Vĩnh Long.
Thiết nghĩ, nếu quy hoạch của Vĩnh Long được sự thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các ngành chuyên môn, với những chương trình hành động cụ thể thì văn hóa, du lịch Vĩnh Long sẽ có sự đột phá, đi vào chiều sâu trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là những nghiên cứu ban đầu, để đề án khả thi, cần nguồn vốn đầu tư lớn từ nội lực cũng như thu hút các nguồn vốn xã hội hóa.
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng “Tài nguyên văn hóa đã có, vấn đề quan trọng là chúng ta làm như thế nào để biến tài nguyên đó thành tài nguyên du lịch và bán sản phẩm ấy cho du khách. Ngược lại, tài nguyên du lịch phải hướng đến phục vụ mục đích văn hóa, để du lịch trở nên có văn hóa”. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin