"Săn" gốm Nhật ở Vĩnh Long

06:07, 19/07/2016

Vài tháng nay, người dân Vĩnh Long cũng có thể tiếp cận thú chơi "săn" hàng độc này ở một cửa hàng bên... lề đường Nguyễn Văn Thiệt.

 

Sản phẩm gốm ở cửa hàng của ông Sáu Tâm.
Sản phẩm gốm ở cửa hàng của ông Sáu Tâm.

Gốm Nhật là một thú chơi xa xỉ, bởi nó đòi hỏi sự tốn kém nhiều thứ từ vật chất tới tinh thần và cả thời gian tìm tòi, nghiên cứu.

Tuy nhiên, trong khoảng 4- 5 năm trở lại đây, không khó để người Việt Nam có thể sở hữu vật dụng thuộc những dòng gốm nổi tiếng như: Kakiemon, Kưtani, Satsưma, Banko... từ những lô gốm thanh lý hoặc hàng đã qua sử dụng từ các cửa hàng gốm Nhật mọc lên nhan nhản ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Vài tháng nay, người dân Vĩnh Long cũng có thể tiếp cận thú chơi “săn” hàng độc này ở một cửa hàng bên... lề đường Nguyễn Văn Thiệt.

Hàng “độc” giá rẻ

Một “cửa hàng” gốm bỗng nhiên xuất hiện bên lề đường Nguyễn Văn Thiệt, ban đầu không mấy người chú ý ngoài một vài mối khách thân quen, mỗi khi hàng về là bu vào lựa chọn mong muốn nhanh tay có được những món hàng “nước nhất”.

Người bán “quảng cáo” toàn bộ hàng Nhật, người mua thì tùy theo nhu cầu nên cũng không quan tâm lắm, chủ yếu là hàng đẹp, độc và giá cả quá rẻ. Từ những món nhỏ nhất là 5.000đ, đến những bộ ấm chén cao lắm cũng chỉ vài trăm ngàn đồng.

Cửa hàng này là của ông Sáu Tâm (61 tuổi) từ bên An Thái Trung (Tiền Giang) qua Vĩnh Long làm ăn.

Con của ông là anh Nguyễn Thanh Nhàn thì lo đánh hàng về. Bây giờ, cửa hàng gốm này đã dời về ngã tư Nguyễn Văn Thiệt- Trần Đại Nghĩa và có nhà thuê hẳn hoi, chứ không còn cảnh lề đường như trước đây nữa.

Chỉ những lúc hàng về thì diễn ra cảnh tấp nập, còn hàng ngày lai rai những mối khách quen do “ghiền” mà ghé nghía chơi hoặc trò chuyện với ông chủ hàng vui tính.

Theo anh Nhàn, thông qua một đầu nậu ở TP Hồ Chí Minh, đánh hàng mỗi lần cả xe tải đi trực tiếp từ Campuchia về thẳng Sài Gòn, trên đây mới phân hàng ra theo 3 loại: A, B, C. Sau đó, các “tay em” từ các tỉnh đến chọn mua theo từng lô hàng. Người chọn hàng rất quan trọng, mua lô làm sao càng ít hàng dạt càng tốt, lời nhiều ít là ở chỗ đó.

Ông Sáu Tâm vui vẻ cho biết, bà con cứ vào lựa chọn rồi tùy theo hàng nhiều ít mà có thể giảm giá chút đỉnh. Ở đây có người mua mỗi lần vài ba triệu bạc.

Như vợ chồng anh Ba Lành trên đường Phạm Thái Bường là mối ruột, mỗi lần mua mấy thùng. Vừa hôm qua hàng về, anh Ba vào lựa một hồi tính ra trên 7 triệu bạc. Thường mấy chị thì thích gom các bộ chén dĩa, tô, thố; còn các ông thì săn mấy hàng độc như: bình sake, ấm tách trà,...

Đặc điểm của hàng ở đây là độc và lạ, nên rất thu hút người mua. Có những món hàng mà dù có tiền cũng không thể mua được, vì hàng thu gom từ nước ngoài về, mà giá thì rất dễ chịu, chỉ cần vài chục ngàn đồng trong túi cũng có thể ghé vào ngắm nghía chơi cho vui.

Thú chơi “đãi cát tìm vàng”

Theo anh Hà Ngọc Thành- Giám đốc Công ty Yamato chuyên cung cấp các loại rượu, thực phẩm Nhật Bản ở TP Hồ Chí Minh, tâm lý chuộng hàng Nhật của người Việt Nam là cơ hội kinh doanh tốt. Trong vài năm trở lại đây, thực phẩm Nhật được người tiêu dùng khá giả ưu tiên do an tâm về vệ sinh, lại rất hấp dẫn.

Từ đây đã hình thành nên rất nhiều nhà hàng Nhật bình dân, nhất là các món ăn truyền thống như: sưshi, sashimi, yakinikư,... và theo đó, những đồ gốm gia dụng Nhật Bản cũng có nhu cầu tăng lên ngoài thị trường.

Nguồn hàng này cũng khá phong phú, có người đánh hàng trực tiếp từ Nhật về, thường là họ mua nguyên lô do các hãng bán thanh lý những kiểu mẫu lỗi thời nên giá rất rẻ. Có thể là hàng đã qua sử dụng hoặc từ những người sưu tầm quá nhiều nên bán bớt...

Tuy nhiên, để “chơi” được gốm Nhật chính hiệu, hàng “độc” cần phải có chút ít kiến thức về gốm, biết nhận diện mẫu gốm, đọc được các con dấu, các triện tiếng Nhật in dưới đáy sản phẩm.

Không chỉ là vật dụng, những chiếc bình hâm rượu sake cũng là vật trang trí dễ thương.
Không chỉ là vật dụng, những chiếc bình hâm rượu sake cũng là vật trang trí dễ thương.

Tại cửa hàng của ông Sáu Tâm, thường hàng Nhật bị pha trộn hàng Tàu, hàng Thái, Châu Âu... khá nhiều; rất hiếm để có được đầy đủ những bộ sản phẩm của những hiệu gốm danh tiếng như: Banko, Kưtani hay satsưma...

Nếu ai đã từng thưởng thức trà đạo Nhật Bản, sẽ cảm thấy “đi không nổi” khi bắt gặp những chiếc ấm chén thô mộc, xù xì và hình thù thường méo mó, màu sắc không đồng đều một cách thật tự nhiên; đó chính gốc là loại gốm Banko chính tông mà không cần lật đáy cốc lên xem con dấu cũng có thể nhận biết.

Hoặc mấy ông thường uống sake chắc rằng sẽ không bỏ qua những chiếc bình hâm rượu độc đáo, có nhãn hiệu đàng hoàng, mà giá chỉ có từ 20.000- 40.000 đ/bình. Những chiếc ấm chén trà, những chiếc bình sake, không chỉ là những vật dụng mà chúng còn là những tác phẩm gốm chúng ta có thể trưng bày trên bàn, trên kệ sách rất đẹp.

Hôm vừa rồi chúng tôi bắt gặp một cặp ly “phu thê” có vẽ hình chùa Vàng, chùa Bạc- 2 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản- được đựng trong hộp gỗ có ghi hàng chữ: “Kỷ niệm 60 năm ngày khai trương cửa hàng Meiji”. Rõ ràng cặp ly này dù có bao nhiều tiền cũng không tìm mua được ngoài thị trường, mà giá chỉ có... 80.000đ.

Đó là cặp ly được sản xuất theo đơn đặt hàng có số lượng hạn chế, có xuất xứ từ hãng gốm Satsưma danh tiếng, nếu là sản phẩm bình thường thì giá bét cũng vài triệu bạc.

Cũng có nhiều khi chúng ta bắt gặp những bộ tách trà cực “độc”, trên mỗi chiếc ly là một bài thơ Haikư được viết theo kiểu chữ thư pháp, nhưng rất tiếc trong 5 chiếc cốc thì có 1 chiếc cốc bị mẻ, mà đối với người Nhật thì rất kiêng kỵ số 4, do đó bộ ấm chén không còn giá trị nữa, dù ông Sáu Tâm nài nỉ hạ giá chỉ còn 400.000đ. Đây cũng chính là sự hấp dẫn của thú chơi “săn hàng độc” này.

Người chơi phải thường xuyên ghé thăm, canh me từng chuyến hàng về, nhiều lúc gặp được món đồ ưng ý thì nó lại bị thiếu bộ hoặc bị sứt mẻ thì lại phải canh me những chuyến hàng sau.

Từ đó, người bán và người mua có thể trở thành bạn cà phê, bạn trà tán gẫu những lúc rảnh rỗi. Như anh Thanh ở Phường 3, làm nghề kinh doanh tự do và là một khách hàng thường xuyên của cha con ông Sáu Tâm. Hễ chạy ngang qua là tạt vào dù chẳng mua được món nào, nhưng anh nói: “Ghé vào ngắm cho nó thư giãn”.

 

Satsưma là sản phẩm gốm sứ được ra đời vào thời đại Edo (1615- 1866) hay còn gọi là kỷ nguyên vàng của nghề thủ công Nhật Bản. Bên cạnh là các dòng gốm Ironabeshima, kakiemon, sưmidagawa, imari, kưtani,… Các đề tài của Satsưma thường xuyên xuất hiện là Phật giáo với các: alahan (La Hán), adida (Phật Di đà), kannon (Quan Âm), hotei (Di Lạc), otera (chùa chiền),…

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh