Hồi ức về nhà báo Nhật Bản hy sinh trong chiến tranh biên giới 1979

02:07, 27/07/2016

Ông Nông Văn Đuổng, (74 tuổi, trú đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn), thương binh hạng 2/4, là một trong những người đã sát cánh bên nhà báo người Nhật Bản Takano trong những giây phút cuối cùng khi nhà báo Takano ngã xuống trên mảnh đất Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. 

Ông Nông Văn Đuổng, (74 tuổi, trú đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn), thương binh hạng 2/4, là một trong những người đã sát cánh bên nhà báo người Nhật Bản Takano trong những giây phút cuối cùng khi nhà báo Takano ngã xuống trên mảnh đất Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. 

Nhà báo Takano (bìa phải) trước khi hy sinh. (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Takano (bìa phải) trước khi hy sinh. (Ảnh tư liệu)


Đã 37 năm trôi qua, những kỷ niệm về giờ khắc cuối cùng của nhà báo Takano vẫn in đậm trong tâm trí ông. 

Ông Đuổng nhớ lại, ngày 7/3/1979, ông đến Km số 8 (hiện nay là xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) thì thấy các đoàn nhà báo trong và ngoài nước đứng khá đông, tất cả đều muốn vào thị xã, nhưng chỉ có đoàn nhà báo Nhật Bản được chấp thuận.

Ông Đuổng được Chính ủy mặt trận thị xã Lạng Sơn là Triệu Việt Hương giao nhiệm vụ dẫn đoàn nhà báo vào quay phim, chụp ảnh. 

Trong đoàn gồm có 2 nhà báo người Nhật, một phiên dịch viên và 5 nhà báo trong nước. 

Lúc bấy giờ, quân thám báo của Trung Quốc vẫn còn trong thị xã, khi đến Km số 4, đạn pháo quân địch bắn dồn dập buộc đoàn phải xuống xe, tránh đạn.

Có quả nổ cách xe khoảng 30m, sợ nhà báo Takano trúng đạn, ông Đuổng nằm đè lên che chắn nhưng nhà báo Takano thản nhiên nói: “Tôi không sao, vì nhiệm vụ, lúc nào cũng sợ thì làm sao vào được thị xã, có hy sinh cũng vì chân lý, vì nhân dân Việt Nam”. 

Khi chiếc xe Uoát đến thị xã Lạng Sơn, cảnh tượng hoang tàn, đổ nát hiện ra trước mắt các nhà báo. Nhà cửa đổ nát, trâu bò, lợn gà, thậm chí cả xác lính Trung Quốc chết ngổn ngang. 

Ông Đuổng dẫn đoàn vào hang Chùa Tiên tránh pháo, đạn pháo bay tới tấp bắn suốt từ 9 giờ tới 14 giờ. Suốt khoảng thời gian ấy, trong hang, nhà báo Takano kể về những nẻo đường ông đã đi qua, về gia đình, về Xứ sở hoa anh đào xinh đẹp. 

Khoảng 15 giờ, khi tiếng súng đã yên, 2 chiếc xe chở các nhà báo lăn bánh và dừng lại trước cửa Thị ủy Lạng Sơn đổ nát. Lúc đó người dân thị xã đã sơ tán về khu vực Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nên khung cảnh hoàn toàn vắng lặng. 

Trước cửa Thị ủy, nhà báo Takano từ trên xe nhảy xuống bấm máy chụp liên tiếp. Ngay lúc đó, phía bên đầu cầu Kỳ Cùng, đạn quân thù bắn tới tấp. 

Người thương binh già xúc động nhớ lại: "Ban đầu đạn bắn còn ít nhưng sau đó đường đạn đỏ lừ từng bó hướng về phía đoàn xe, khi đạn đại liên của địch vụt đến, mọi người trong cả 2 xe đều nhảy xuống tìm chỗ ẩn nấp.

Tôi dùng súng AK bắn lại quân địch và bị thương ở tay trái. nhà báo Takano đã vào chỗ an toàn nhưng thấy tôi bắn nhau, anh lại lao lên chụp ảnh. Tôi chưa kịp hô gọi quay lại thì anh ấy đã trúng đạn vào trán và anh dũng hy sinh." 

Trưa ngày 8/3/1979, thi hài nhà báo Takano được đưa về Hà Nội.

Để tưởng nhớ nhà báo anh dũng người Nhật chiến đấu vì công lý, tượng đài tưởng niệm hình ngọn bút vươn lên trời xanh được dựng lên tại Nghĩa trang Hoàng Đồng nằm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn ngày nay. Mỗi khi người thân các liệt sỹ đến thăm viếng nghĩa trang đều thắp hương ở mộ phần đặc biệt này. 

Thắp nén nhang cho nhà báo Takano, ông Nông Văn Đuổng đứng lặng một lúc thật lâu rồi cất tiếng: “Đồng chí Takano, hôm nay tôi đến thăm đồng chí đây, vậy mà đã hơn 37 năm rồi... ” 

Khóe mắt người lính già nhòa lệ, rưng rưng./

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh