126 năm Van Gogh tự sát: Giải mã bí ẩn cơn điên của danh họa

05:07, 28/07/2016

Ngày 27/7/1890, danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh đã tới cánh đồng lúa mì đằng sau lâu đài ở ngôi làng Auvers-sur-Oise, cách thủ đô Paris, Pháp vài dặm về phía Bắc và dùng súng bắn vào ngực.

Ngày 27/7/1890, danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh đã tới cánh đồng lúa mì đằng sau lâu đài ở ngôi làng Auvers-sur-Oise, cách thủ đô Paris, Pháp vài dặm về phía Bắc và dùng súng bắn vào ngực. Kể từ khi tự cắt tai bằng dao cạo vào một đêm tháng 12/1888 ở Arles, trong suốt 18 tháng sau đó, ông đã vật lộn với căn bệnh thần kinh.

Bảo tàng Van Gogh ởAmsterdam (Hà Lan) đang tổ chức triển lãm On the Verge of Insanity, trong đó trưng bày nhiều bức tranh, kỷ vật nhằm giải mã căn bệnh của danh họa trước khi ông tự vẫn.

Ngày càng cảm thấy cô đơn

Sau khi xảy ra tai nạn "khét tiếng", tự hành hạ mình bằng việc cắt tai,Van Gogh tiếp tục bị suy nhược thần kinh khiến ông hay bị lẫn lộn, không tỉnh táo. Tình trạng bệnh đó của ông có thể kéo dài vài tuần mỗi đợt.

Tuy nhiên khi tỉnh táo trở lại, Van Gogh lại điềm tĩnh vẽ tranh. Thời kỳ ở Auvers là giai đoạn sáng tác "mắn" nhất của ông trong sự nghiệp, trong 70 ngày, ông hoàn thành 75 bức tranh và hơn 100 bản vẽ và phác họa. Van Gogh tới Auvers hồi tháng 5/1890, sau khi rời khỏi một bệnh viện tâm thần ở ngoại ô Saint-Remy-de-Provence.

 Bức chân dung tự họa Van Gogh vẽ sau khi tự cắt tai
Bức chân dung tự họa Van Gogh vẽ sau khi tự cắt tai

Dù sáng tác được nhiều như vậy, nhưng Van Gogh vẫn luôn cảm thấy ngày càng cô đơn và lo âu. Ông luôn nghĩ rằng mình thất bại trong cuộc đời.

Cuối cùng, ông đã lấy khẩu súng nhỏ của chủ căn nhà trọ ở Auvers và chiều muộn ngày thứ Bảy cuối tháng 7/1890. Họa sĩ cầm khẩu súng tới cánh đồng lúa mì và tự bắn vào mình. 

Tuy nhiên, đây chỉ là một khẩu súng lục bỏ túi với hỏa lực hạn chế, nên khi bóp cò viên đạn chỉ bắn vào xương sườn chứ không xuyên được vào tim. Van Gogh bị ngã gục.

Tối đến, ông nhìn quanh tìm khẩu súng để bắn phát nữa nhằm kết liễu đời mình, song không tìm thấy. Van Gogh trở về nhà trọ và bác sĩ đã được mời đến để chữa trị cho ông.

Ngày hôm sau, em trai ông là nhà buôn nghệ thuật tới và tin rằng sẽ họa sĩ sẽ hồi phục. Song hy vọng đó đã tiêu tan. Đêm đó, Van Gogh qua đời, ở tuổi 37.

Tới triển lãm On the Verge of Insanity tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, khách tham quan có thể hiểu được thêm về một năm rưỡi cuối đời của nghệ sĩ.

Ở đây trưng bày khẩu súng (đã bị ăn mòn nhiều) được tìm thấy ở cánh đồng đằng sau lâu đài ở Auvers vào khoảng năm 1960. Giới phân tích cho rằng, khẩu súng này đã nằm dưới đất khoảng 50-80 năm và đây rất có thể là khẩu súng mà Van Gogh đã sử dụng.

Triển lãm còn trưng bày bức thư được tìm thấy trong thời gian gần đây và đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bức thư này do bác sĩ điều trị cho Van Gogh sau khi ông cắt tai ở Arles viết. Thư gồm cả hình vẽ minh họa phần tai nghệ sĩ đã cắt.

Trong nhiều năm liền các nhà viết tiểu sử không ngừng tranh cãi liệu Van Gogh cắt cả tai hay chỉ một phần. Qua bức thư này, người ta biết được họa sĩ đã cắt cả chiếc tai trái của mình.

“Tree Roots” - bức tranh cuối cùng của Van Gogh được ông vẽ vài giờ trước khi tự vẫn
“Tree Roots” - bức tranh cuối cùng của Van Gogh được ông vẽ vài giờ trước khi tự vẫn

Giải mã tâm trạng qua bức tranh cuối cùng

Triển lãm còn trưng bày cả bức tranh chưa được hoàn thành, mang tênTree Roots (1890) của danh họa. Van Gogh vẽ bức tranh này vào sáng ngày 27/7, vài giờ trước khi ông cố gắng tự sát. Đây là bức tranh cuối cùng của ông.

Tree Roots là một hình ảnh khác thường, bố cục trong tranh không có một điểm nhấn nào. Hình ảnh trong bức tranh này có thể nói gì với chúng ta về tình trạng thần kinh của ông?

Bức tranh cho thấy Van Gogh rất bị kích động trong quá trình vẽ, đầy những biến động về tình cảm. "Đây là một trong những bức tranh mà khi xem bạn có thể cảm nhận được tình trạng tinh thần bị tra tấn của Van Gogh" - sử gia nghệ thuật Martin Bailey nói.

Hơn nữa, đề tài trong tranh rất có ý nghĩa. Nhiều năm trước đó, Van Gogh đã nghiên cứu rễ cây để tìm hiểu xem nó có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện cảm xúc.

Trong một lá thư gửi cho em trai một thời gian ngắn trước khi qua đời, Van Gogh viết "cuộc đời ông đã bị ăn mòn từ tận gốc". Phải chăng, Van Gogh vẽ bức tranh Tree Roots để coi đây như một lời từ biệt?

Theo Nienke Bakker, giám tuyển tranh tại Bảo tàng Van Gogh: "Những tác phẩm được Van Gogh vẽ trong những tuần cuối đời chứa đựng rất nhiều bối rối về cảm xúc, như bức Wheatfield with Crows và Wheatfield under Thunderclouds. Rõ ràng, Van Gogh cố gắng bộc lộ trạng thái cảm xúc của mình.

Bức tranh Tree Roots cũng rất mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Thật khó tin rằng ông đã vẽ bức tranh vào buổi sáng và đến cuối ngày thì kết liễu đời mình. Đối với tôi, thật khó có thể nói rằng Van Gogh đã chủ định vẽ bức tranh và coi đây là một lời giã biệt, bởi như vậy quá lý trí".

Bakker vẫn bám theo ý tưởng cho rằng, căn bệnh của Van Gogh nảy sinh từ tính vĩ đại trong con người nghệ sĩ. "Những rễ cây bị tra tấn, xương xẩu trong Tree Roots khiến cho bức tranh trông rất cuồng nhiệt và đầy cảm xúc. Song đây không phải là tác phẩm được tạo nên bởi một tâm trí điên loạn.

Van Gogh biết rất rõ mình đang làm gì. Ông vẽ nó trong lúc bệnh tật, nhưng không phải do bệnh tật, hãy nhớ điều đó".

Theo Thể thao & Văn hóa

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh