Tư tưởng của Bác về công tác báo chí

05:06, 20/06/2016

Kỷ niệm 126 năm sinh ngày của Bác và tiến tới kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta càng nhớ về Bác với một tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 126 năm sinh ngày của Bác và tiến tới kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta càng nhớ về Bác với một tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Sinh thời với Bác Hồ, báo chí là một công cụ sắc bén của cách mạng, nêu gương và xây dựng cái tốt, loại bỏ cái xấu, đấu tranh giành độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.

Khi nói đến nhà báo, Bác quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo, Bác coi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Bác nói: “Bài báo là tờ hịch của cách mạng... Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng..”.

Bác đòi hỏi người làm báo “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung”.

Bác căn dặn: “Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là: 1. Nghe: lắng nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2. Hỏi: những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những tình hình, những việc ở các nơi. 3. Thấy: Mình phải đến, xem xét mà thấy. 4. Xem: Xem báo chí, xem sách vở, xem báo chí trong nước và nước ngoài

5. Ghi: Những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã học được thì ghi chép để dùng mà viết. Có khi xem mấy bài báo mà chỉ được một tài liệu mà thôi. Tìm tài liệu cũng như các công tác khác, phải chịu khó”(Hồ Chí Minh toàn tập).

Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”; “Viết để làm gì? Viết để cho ai xem? Viết như thế nào?”.

Ngôn ngữ của nhà báo là từ ngòi bút nếu không cẩn thận thì không những “Bút sa gà chết” mà còn ảnh hưởng đến sinh mạng của con người. Thường thì bài viết thay cho lời nói mà lời nói lại là “Đọi máu”.

Một lời nói có thể là “Lên trời”, nhưng cũng có thể là một mồi lửa làm tan tành tất cả... Chính vì lời nói quan trọng như vậy, nên trước khi viết phải thận trọng, thận trọng từ khai thác nguồn tin, đến thái độ phán quyết. “Một lời trót đã nói ra/ Dẫu cho bốn ngựa khó mà đuổi theo”.

Bác thường khuyên những người làm báo nên học tập tinh hoa, lời ăn tiếng nói của nhân dân. Ngày 17/8/1952, Bác khuyên: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”.

Ngày nay, những người làm báo tiếp thu tư tưởng của Bác, cần viết rõ ràng nhưng không phải là đơn giản, và phải viết đúng trình độ của người xem vì trình độ người xem bây giờ đôi khi, lại còn cao hơn trình độ người làm báo.

Học tập Bác, còn là học tập cách giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cụ thể báo viết cho người Việt Nam đọc nhưng lại dùng quá nhiều từ nước ngoài.

Bác phê phán phong cách làm báo của một số nhà báo thiếu đi sâu, đi sát vào đời sống thực tiễn nên viết càn, viết ba hoa, viết “Dây cà ra dây muống” hoặc “Tầm chương trích cú” khiến cho người đọc không hiểu.

Trong công cuộc đổi mới với sự nghiệp cách mạng hiện nay, nhà báo đang đứng trước những thách thức mới. Các nhà báo trong quá trình tác nghiệp cũng phải thực sự có dũng khí để vượt qua chính mình, vượt qua mọi sự cám dỗ, những “mánh lới, thủ đoạn” của những kẻ cơ hội lợi dụng thì mới có thể không “bẻ cong” ngòi bút.

Trong thực tế, nhà báo cũng là con người, ngòi bút có thể làm khuynh gia bại sản những tập đoàn kinh tế lớn nếu đưa tin thiếu chính xác, và cũng có thể tôn vinh và làm rạng danh giả hiệu cho những kẻ “lừa trên, dối dưới” ở thương trường.

Bên cạnh những nhà báo có tâm huyết và có tinh thần cách mạng triệt để thì cũng đã xuất hiện một số nhà báo “Bán mình cho quỷ dữ”, làm ô danh những nhà báo chân chính và chính họ đã phải trả giá cho việc làm đó.

Nay Bác của chúng ta đã đi xa nhưng tư tưởng tình cảm của Bác Hồ kính yêu luôn là tấm gương sáng đối với các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam. Điều sâu sắc nhất của người làm báo đó là sự lĩnh hội cái tâm, cái đức của nghề báo từ Bác Hồ. Những lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho báo chí Việt Nam nói chung và các nhà báo nói riêng.

Võ Hoàng Nam

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh